Cầm tấm bằng thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trở về quê hương, với mong ước trở thành cô giáo dạy Văn nhưng đã hơn một năm trôi qua, mơ ước làm cô giáo của Bùi Thị Hà vẫn còn dang dở.
Bùi Thị Hà (Phải) |
Năm giờ sáng, khi mà các ngôi nhà tại tỉnh vùng núi
Hà Giang vẫn chìm trong giấc ngủ, Hà đã thức dậy cùng mẹ để làm việc đồng áng.
Hơn một năm qua, cô thủ khoa đại học Sư phạm Hà Nội
2 (năm học 2015-2016) đã quen với việc đồng áng, nuôi lợn cùng mẹ. Ra trường
với tấm bằng giỏi, Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn
Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), một sự kiện thường niên do Thành Đoàn Hà Nội tổ
chức. Nhưng thế, có lẽ chưa đủ để cô có thể xin việc ở quê nhà.
Sáu giờ ba mươi, lũ trẻ quanh xóm nơi gia đình Hà ở
í ới gọi nhau đi học. Mỗi lần thấy bọn trẻ đi học là cô lại nhớ những ngày đi
thực tập, ở đó Hà được học sinh gọi là cô giáo.
Còn hiện tại, sau khi chăn đàn lợn, hai mẹ con cô
lại chuẩn bị lên nương thu hoạch lúa. Đầu tháng 10 ở Hà Giang là thời điểm thu
hút khách du lịch, họ đến để ngắm những giọt sương mai óng ánh trên những cánh
đồng lúa vàng. Còn Hà thì vẫn nghĩ về bụi phấn và những đứa trẻ.
“Ngày nhỏ thỉnh thoảng em được bố mẹ cho theo lên
Đồng Văn hay Yên Minh thăm người nhà làm giáo viên trên đó. Nhìn những em nhỏ
thiếu thốn tới trường em đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo để sau này mang những
thứ mình trau dồi được truyền tải hết cho các em, góp một phần nhỏ giúp các em
có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Hà kể.
Nhà Hà có ba anh chị em đ đi học đại học. Chị
gái của Hà mới tốt nghiệp học viện Hành chính Quốc gia, cậu em trai đang là học
viên năm 4 trường Sỹ quan Chính trị. Bố em làm phụ xây, mẹ em làm nông nghiệp.
Nhà vốn đã khó khăn vì thu nhập của bố mẹ không ổn định, lại lo cho các con ăn
học nên thiếu thốn rất nhiều.
Không may, năm 2010 bố Hà đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông
khiến kinh tế gia đình càng thêm túng quẫn. Từ đó bà Lượt – mẹ của Hà, một mình
bươn chải làm đủ mọi nghề nuôi ba đứa con ăn học. Khó khăn chồng chất khó khăn
lên đôi vai người mẹ nghèo, ba chị em Hà vì thương mẹ mà không ít lần có ý định
nghỉ học.
Hà kể: “Không biết bao nhiêu lần ba chị em tính nghỉ
học cũng là bấy nhiêu lần mẹ em gạt ngay ý nghĩ đó. Em vẫn nhớ những lời mẹ
dặn: “Nếu thương mẹ thì phải học thật giỏi, không có con đường nào giúp nhà
mình thoát nghèo bằng con đường học””.
Hà cũng chia sẻ: “Người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến
em chính là mẹ. Có lẽ cái đói cái nghèo bủa vây lên cuộc sống nên nhìn mẹ em
già hơn nhiều so với tuổi của mình, nhưng nghị lực sống của mẹ thì ít ai có
được”.
Bà Lượt với bao vất vả vì con mà gầy sọp đi, chỉ
nặng 38kg, nhưng luôn là chỗ dựa, là nguồn động viên tinh thần lớn cho ba chị
em Hà ăn học.
Gạt đi nỗi đau mất cha, Hà dồn hết tâm trí học để
hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2012, Hà bước đầu đạt được mục tiêu
của mình khi em trúng tuyển vào khoa Văn, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2.
Lên đại học để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, Hà đi làm
thêm mọi việc miễn là kiếm được tiền, từ rửa bát thuê đến lau dọn, bồi bàn...
“Nhưng rồi em sớm nhận ra, phải làm việc gì đó để vừa có thêm thu nhập lại có
ích cho công việc sau này. Vì thế em chọn gia sư là công việc chính trong gần 4
năm học đại học của mình”, Hà chia sẻ.
Không phụ lòng mong mỏi và sự hy sinh của mẹ, cả ba
chị em Hà đều đạt kết quả cao trong học tập. Trong đó Hà vinh dự được Thành ủy
TP.Hà Nội tổ chức lễ vinh danh là 1 trong 100 thủ khoa đầu ra xuất sắc nhất tại
Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngày 28/8/2016.
Cầm tấm bằng xuất sắc trở về quê hương hoàn thành
nốt mục tiêu còn lại trở thành cô giáo dạy Văn ngày nào. Tuy nhiên Hà cho hay:
“Một năm qua tỉnh nhà không có đợt thi tuyển giáo viên nào. Lãnh đạo sở
GD&ĐT cũng rất quan tâm tới em, họ nói khi nào có đợt sẽ thông báo để em
thi”.
“Nhưng, em không biết đợi đến bao giờ”, vừa nói Hà
vừa rơi nước mắt. Cô đưa bàn tay lên vội lau đi. Hơn một năm qua, tay của Hà đã
bị chai sạn đi nhiều, cô ước mong trên tay mình là bụi phấn thay vì một chiếc
liềm gặt lúa.
Theo số liệu bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tháng
1/2017, cả nước hiện thừa 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về
đào tạo giáo viên (tháng 5/2016), Bộ dự tính đến năm 2020, Việt Nam thừa trên
70.000 cử nhân sư phạm.
Cũng theo bộ Giáo dục, năm 2017 các trường đào tạo
giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn
55.600 chỉ tiêu. Việc xác định chỉ tiêu đào tạo dường như tách biệt với nhu cầu
nhân lực.
Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà
Giang -cho biết: “Trường hợp của Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia
đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi em ra trường, tôi đã đích thân tới tận nhà
để động viên và chúc mừng em. Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới
đây. Hiện việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều
công bằng, nhưng tôi tin với khả năng của mình em sẽ thi đỗ và đóng góp cho ngành
giáo dục tỉnh nhà”.
Rõ ràng, đây là một bất cập lớn, khi mà trong báo
cáo Tổng kết năm học 2016 – 2017 của bộ GD&ĐT vừa qua, Hà Giang là nơi mà
tình trạng thiếu giáo viên trở nên đáng báo động, theo đó tỉ lệ giáo viên/lớp
là 1,32 còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Vào ngày 23/8/2016, trước khi diễn ra lễ Tuyên dương
Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP. Hà
Nội năm 2016, nơi mà Hà là một trong những đơn vị được mời tham dự. Đại diện
Ban Tuyên giáo Thành ủy cho hay, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách trọng dụng
nhân tài, “trải thảm đỏ” với các thủ khoa.
Thủ khoa xuất sắc nếu có nguyện vọng về làm việc
trong các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ được hưởng những chính sách đãi ngộ
theo Nghị quyết số 14, được tiếp nhận xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển,
được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại
thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận…
Đồng thời, cơ hội việc làm dành cho các thủ khoa
xuất sắc rất lớn, được giữ lại công tác tại trường, hoặc về địa phương nơi mình
sinh sống làm việc, hoặc giành học bổng đi du học ở nước ngoài.
Trước Nghị trường ngày 9/6 vừa qua, ông Phùng Xuân
Nhạ, Bộ trưởng bộ GD&ĐT nói: “Chúng tôi thực hiện Nghị quyết 29 và đặc biệt
là Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa. Muốn nâng
cao chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực, trong đó động lực
trong đội ngũ giáo viên, nhà giáo rất quan trọng”.
Rõ ràng, những người trẻ như Hà sẽ cùng góp phần
nâng cao chất lượng giáo dục, trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông
tổng thể còn 2 năm nữa là đi vào triển khai. Trong nhiệm kỳ của mình, có lẽ ông
Nhạ cần tham mưu và đưa ra những chính sách tốt để thu hút nhân tài cho ngành
giáo dục.
Mười giờ đêm, ngôi nhà cấp 4 của gia đình Hà đã xây
được hơn 10 năm nay vẫn sáng đèn. Sau một ngày lao động vất vả, Hà lại ngồi vào
bàn học để ôn lại kiến thức trong thời gian chờ việc.
“Em mong ước được đi dạy lắm. Em thực sự mong muốn được góp chút công sức
và nhiệt huyết của mình để cống hiến cho quê hương đất nước”, Hà ngậm ngùi.
Đăng nhận xét