Hai người đàn ông tin rằng họ nắm giữ một mảnh ký ức quan trọng của vụ thảm sát Mỹ Lai. Họ có thể không đủ bằng chứng nhưng ký ức lại rõ ràng như những tấm ảnh màu chụp năm 1968.
Đức và Ron, một người 57, một người 78 tuổi, một người từ Frankfurt và một người từ Ohio, gặp lại nhau tại Sơn Mỹ vào ngày 16/3 năm nay. Vào năm 2011, họ đã cùng về Sơn Mỹ với mong muốn cùng tìm kiếm câu trả lời cho bức ảnh nổi tiếng về vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968.Larry Colburn và Trần Văn Đức gặp nhau tại Đức |
Trần Văn Đức, Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức, là người từng
làm dậy sóng dư luận khi đứng lên tuyên bố ông là nhân vật trong bức ảnh
"Hai đứa trẻ Mỹ Lai". Bức ảnh này là một trong số 60 bức ảnh mà nhiếp
ảnh gia quân đội Mỹ Ronald Haeberle chụp lại trong buổi sáng tang thương cách
đây đúng nửa thế kỷ tại thôn Mỹ Lai (nay là Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng
Ngãi).
Hai đứa trẻ Mỹ Lai mà ông Đức cho rằng đây là ảnh chụp hai anh em ông |
Trong hơn một thập kỷ, ông Đức rải hàng chục gói hồ sơ ở nhiều
cơ quan chức năng của Quảng Ngãi và cấp cao hơn để chứng minh rằng hai đứa trẻ
trong ảnh là ông và em gái, bà Trần Thị Hà, đồng thời yêu cầu đính chính các
thông tin thuyết minh về mẹ ông, người mà ông tin là có mặt trong một tấm ảnh
khác.
Ronald Haeberle, người thích được gọi bằng cái tên
"Ron", nói rằng ông tin Đức chính là đứa trẻ ông đã chụp năm xưa. Dù
vậy, kết quả thanh tra của cơ quan chức năng Quảng Ngãi cho biết họ chưa có đủ
bằng chứng để khẳng định đó là Đức. Chuyến đi của 2 người năm đó không thể biến
những lời kể của Đức trở thành lịch sử.
7 năm sau chuyến đi đầu tiên cùng nhau về Mỹ Lai, Đức và Ron
lại gặp nhau ở Sơn Mỹ vào ngày kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát, trong một dịp mà Đức
nghĩ sẽ là chuyến đi cuối cùng của ông trong nhiều năm sắp tới.
500 m của người mẹ
"Có khoảng 15 người, gồm phụ nữ và trẻ em, đi trên con
đường đất cách đó khoảng 100 thước. Đột nhiên, toán lính Mỹ, với khẩu M16 trên
tay, bắt đầu xả đạn về phía họ. Ngoài M16, lính Mỹ còn dùng cả súng phóng lựu
M79. Tôi không thể tin vào những gì tôi đang nhìn thấy".
Đó là lời Ron kể về buổi sáng tang thương tại thôn Mỹ Lai
ngày 16/3/1968 trong cuộc cuộc phỏng vấn với trang tin Cleveland.com vào năm
2009. Với người đàn ông năm nay đã gần bước sang ngưỡng "bát thập",
có nhiều câu chuyện mà trí óc ông nay đã quên quên nhớ nhớ nhưng Mỹ Lai vẫn là
ký ức hằn sâu trong ông như một vết thương khó lành.
Bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của vụ thảm sát Mỹ Lai, bức
ảnh mà Đức tin rằng có cả mẹ ông và chiếc túi màu đỏ của gia đình ông. Ảnh:
Ronald Haeberle.
|
Trong khi đó, ông Đức tin rằng mẹ ông, bà Nguyễn Thị Tẩu, là
một trong số những nạn nhân của buổi sáng hôm đó. Đức nói rằng khi vụ thảm sát
xảy ra, mẹ ông đã bảo đứa con trai bảy tuổi ôm em gái về nhà bà ngoại. Ông tuyên
bố mẹ ông có mặt trong tấm ảnh những thi thể nằm trên con đường đồng cùng chiếc
túi màu đỏ của gia đình.
Con đường từ Sơn Mỹ dẫn về nhà bà ngoại Đức dài khoảng 7 km.
Đức nói rằng ông chưa từng đi xa đến thế trong cuộc đời và chắc mẹ ông cũng
không tin ông có thể vượt qua quãng đường đó, nên sau đó bà men theo đường của
hai đứa con đã đi.
"Chắc là bà muốn đi tìm xác con", ông kể lại tại TP.HCM trong dịp trở về Việt Nam cho ngày 16/3 năm nay. "Từ
ngày đó, trong đầu óc tôi, tôi luôn đinh ninh rằng chỉ đi được 10, 15 m là
cùng, sau đó bà sẽ nằm xuống đó, vì mất máu chết hoặc bị bắn chết", Đức kể.
Năm 2011, Đức đi tìm Larry Colburn, người có mặt trên chiếc trực thăng đã giúp ngăn chặn vụ thảm sát Mỹ Lai, để tìm kiếm sự thật về những giây phút cuối cùng của mẹ ông trên con đường ở giữa hai ruộng lúa.
15 phút sau, chiếc máy bay trực thăng "cá mập" đã
bay trở lại nhưng chỉ kịp để Larry thấy tay lính kia đang bắn người phụ nữ từ
khoảng cách 50 m.
Ký ức của những đứa trẻ thời chiến
Đức kể rằng ông đã đi men theo con đường giữa hai bờ ruộng,
né cả những xác chết lẫn hàng rào kẽm gai đã ngã xuống vì xác người đè lên, để
đi về phía nhà ngoại ông. Đức không dám đi giữa đường vì sợ máy bay địch trên
cao quan sát được và nã súng xuống, ông đi trên đám cỏ ven đường, vừa đi vừa sụp
xuống khi thấy bóng máy bay. Đức đi theo con đường giữa 2 quả đồi, bế theo Hà
khóc vì đói và bị thương.
"Đến khi tới nhà ngoại, Hà chỉ còn thở ra khói. Ai cũng
tưởng nó chết rồi", ông nói. "Người tôi thì đầy máu, có cả óc người".
Ron nói rằng ông tin Đức.
Đức nói khi nằm xuống để tránh đạn, ông nhìn thấy một chiếc
máy bay trực thăng "cá mập" bay rất thấp. Mô tả của Đức về khoảng
cách lúc ông nằm xuống và hướng của chiếc máy bay trùng khớp với trí nhớ của
Ron lúc ông đưa máy lên chụp hai đứa trẻ.
"Tôi gặp Đức vào năm 2011, nhưng trước đó Đức đã đăng
lên mạng câu chuyện về ngày xảy ra thảm sát, có nói về chiếc trực thăng. Mô tả
của cậu ấy về địa hình, địa thế chỗ cậu ôm em nằm xuống giống với những gì tôi
nhớ khi tôi chụp bức ảnh đó", Ron nói.
"Tôi nhớ rất rõ mọi chuyện", cựu binh Mỹ khẳng định.
"Và thứ tự của tấm phim cho ra bức ảnh đó cũng trùng khớp với câu chuyện của
Đức. Tôi tin cậu ấy".
Trong khi đó, bức ảnh được trưng bày ở Nhà chứng tích Sơn Mỹ
ban đầu được chú thích tên là của 2 đứa trẻ "Trương Bốn" và
"Trương Năm". Sau đơn khiếu kiện của ông Đức, 2 cái tên đã bị bỏ ra,
nhưng tên ông Đức và Hà, em của ông, cũng không được thay vào.
Với Đức, ông không tin vào sự tái tạo ký ức của con người. Đức
không tin có những nạn nhân sống sót qua vụ thảm sát lại không thể nhớ được những
chi tiết về vụ việc.
Đức nhớ được cuộc trò chuyện của ông với người hàng xóm sau
khi tạm biệt mẹ. Ông nhớ mẹ mình là người bán vải và bán thuốc Tây, nên anh chị
em ông thường mặc loại quần kẻ sọc mà những đứa trẻ trong làng không có được.
Khi được hỏi tại sao lại nhớ vanh vách mọi chuyện trong ngày
hôm đấy, tại sao có thể còn nhớ chuyện hai bờ ruộng trên con đường nơi ông bế
Hà mà đi lại có bờ đông cao hơn bờ tây, còn nhớ được cả hàng rào kẽm gai ông đã
bước cạnh, Đức nói rằng ông không có nhiều ký ức khác.
"Những đứa trẻ sinh ra trong thời chiến không có nhiều
ký ức, chúng chỉ nhớ những thứ như vậy thôi", ông nói.
Trần Văn Đức sang Đức vào năm 1983, học nghề cơ khí rồi ở lại
làm thợ máy. Ông có 3 đứa con, lớn nhất 25, nhỏ nhất 14. Trong những năm tháng
ông theo đuổi vụ tranh chấp với Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, người con
trai từng phải thốt lên "Ba khùng à".
Mối lương duyên nảy mầm từ bi thương
Ron giải ngũ cuối tháng 3/1968 và trở về Mỹ, sống cuộc đời
bình thường với công việc giám sát tại một công ty sản xuất máy móc. Thế nhưng,
khi quân đội Mỹ bắt đầu điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai vào mùa xuân năm 1969,
ông nghĩ ông cần phải làm gì đó.
"Tôi được cơ quan điều tra gọi lên để lấy lời khai và
tôi cho họ xem các bức ảnh. Họ hỏi tôi có biết về những vụ hiếp dâm, cắt rời
thi thể nạn nhân mà lính Mỹ khi đó đã làm hay không. Tôi nói không, tôi không
nhớ bất cứ chuyện gì như thế. Nhưng họ bảo có, rồi họ kể cho tôi nghe nhiều
chuyện mà tôi cảm thấy vô cùng kinh khủng", Ron kể lại.
"Vì vậy tôi nghĩ công chúng cần phải biết về chuyện này
bởi vì nó thực sự tồi tệ. Đó là một phần của chiến tranh, là chuyện thường xảy
ra trong cuộc chiến, nhưng với tôi, đó chỉ là câu chuyện mà tôi tận mắt chứng
kiến. Tôi công bố các bức ảnh để thể hiện sự phản đối chiến tranh trong im lặng".
The Plain Dealer, nhật báo nổi tiếng nhất Ohio khi đó, là tờ
báo đầu tiên đăng tải một phần số ảnh của Ron vào tháng 11/1969. Không bao lâu
sau, tạp chí Life mua lại số ảnh này với mức giá gần 20.000 USD và công bố đầu
tháng 12 cùng năm. Bài báo thực sự tạo nên địa chấn giữa lòng nước Mỹ cũng như
dư luận thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
Những bức ảnh trắng đen mà Ron chụp trong buổi sáng
16/3/1968 tại Mỹ Lai. Ảnh: Ronald Haeberle.
|
Dù vậy, Ron nhanh chóng lựa chọn quay trở lại cuộc sống ít
được chú ý. Ông không muốn nói về Mỹ Lai, dù vẫn đọc sách, xem phim tài liệu và
muốn biết thêm về những gì đã xảy ra. Ông chưa bao giờ muốn tìm kiếm danh tiếng,
từ chối các cuộc phỏng vấn trong hàng chục năm trời.
Trong thâm tâm, ông vẫn muốn một lần quay trở lại Mỹ Lai
nhưng nói rằng không biết làm thế nào để đối diện với người dân nơi đây. Cuối
cùng, điều đó trở thành hiện thực vào tháng 2/2000, tức 5 năm sau khi Việt Nam
và Mỹ bình thường hóa quan hệ và hơn 30 năm sau ngày thảm sát.
Khi đó, ông đi xe đạp từ Hà Nội vào TP.HCM cùng một số người
bạn và họ dừng lại nghỉ ngơi ở một số điểm trên hành trình, bao gồm Mỹ Lai.
Không ai ở Sơn Mỹ biết ông chính là người đã chụp lại những tấm hình chấn động
đó.
"Tôi không biết người dân sẽ phản ứng thế nào khi tôi
quay lại. Tôi thực sự không biết là người ta sẽ ghét tôi hay sẽ cười chào đón
tôi nếu biết tôi là người có mặt ở đó trong ngày thảm sát", ông nói.
Chuyến đi thứ hai của ông diễn ra sau đó 11 năm và người đồng hành lần này là Đức.
Về Ron, ông không thể chứng minh Đức là người trong tấm ảnh
mình đã chụp.
"Tôi tin vậy", Ron kể lại điều đó trong rất nhiều lần.
Điều duy nhất Ron làm được là trao cho Đức chiếc máy ảnh
Nikon đã dùng để chụp bức hình trên.
"Khi tôi sang Mỹ tìm Ron, tôi đã luôn nghĩ mình sẽ dành
dụm tiền để mua lại chiếc máy Leica (chiếc máy còn lại mà Ron dùng để chụp vụ
thảm sát Mỹ Lai - PV). Không ngờ sau đó Ron lại trao cho tôi chiếc Nikon",
Đức kể.
Ron trở lại Việt Nam lần này là lần thứ năm. Dù đôi chân có
lẽ đã không còn nhanh nhẹn như ngày nào, ông bảo chắc chắn sẽ quay trở lại Việt
Nam một lần nữa. Ông có kế hoạch đạp xe xuyên Việt từ bắc vào nam, tới mũi Cà
Mau, rồi sang Campuchia, Thái Lan...
Đức về Việt Nam lần này, vẫn cầm theo bộ hồ sơ đi khiếu kiện
của ông, chiếc máy Nikon đặt trong một chiếc hộp màu đỏ. Song ông cho biết đây
sẽ là lần cuối cùng ông về Mỹ Lai với mục đích này, ít nhất trong nhiều năm nữa.
"Tôi không thể năm nào cũng quay lại. Tôi không chỉ có
cuộc sống với ký ức, tôi còn cuộc đời tôi với gia đình mình, các con tôi. Tôi
không dừng lại, tôi chỉ tạm gác nó qua một bên", ông nói.
Dù vậy, Đức khăng khăng rằng ông không quên, như trong 50
năm qua ông không quên con đường truông len giữa hai quả núi, chạy ngang nhà
bác ông và dẫn về nhà ngoại.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Thể thao, Văn hóa và Du lịch
Quảng Ngãi, nói rằng sở sẽ có cuộc gặp với ông Đức trong dịp ông về Quảng Ngãi
lần này. Dù vậy, ông Đức nói rằng ông chưa có ý định trên.
Đăng nhận xét