Qua công tác đấu tranh, triệt phá các vụ án liên quan đến công nghệ cao, cơ quan chức năng nhận định: Mặc dù đây là loại hình tội phạm mới nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó nổi lên chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tội
phạm trên không gian mạng đang đặt mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức, mỗi quốc gia
trước những nguy cơ lớn về bảo mật dữ liệu, nâng cao ý thức tự cảnh giác, bảo
đảm an toàn tài sản của chính mình.
Tội
phạm này mang tính xuyên quốc gia, không biên giới, tính ẩn danh cao, dẫn đến
khó khăn trong công tác đấu tranh, triệt phá. Thực tế, việc đấu tranh với tội
phạm truyền thống đã khó, đấu tranh với tội phạm “phi truyền thống”, tội phạm
lợi dụng công nghệ cao còn khó khăn gấp nhiều lần do các đối tượng có kiến
thức, trình độ công nghệ thông tin cao, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt
động để tiến hành hành vi phạm tội. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội
phạm này cũng phải có tính đặc thù.
Tại
phiên chất vấn của phiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa diễn ra,
nhiều đại biểu đã nêu ý kiến của đông đảo cử tri cho rằng, Chính phủ cần tổ
chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng nhiều hơn, bài bản, đầy
đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này.
Bộ
trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, ngoài những giải pháp
như hoàn thiện hành lang pháp lý; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức
của người dân; điều tra, xử lý nghiêm tội phạm, Bộ Công an đã đẩy mạnh ứng dụng
tài khoản định danh điện tử của công dân. Đây được xem là “căn cước trên không
gian mạng” để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý nhà
nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Những
vấn đề lớn trước mắt và lâu dài cần quan tâm triển khai là: Ứng dụng, kết nối
với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch
tài khoản của ngân hàng, loại bỏ những tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê
bao di động, loại bỏ sim rác, qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao,
nhất là tội phạm lừa đảo; tiếp tục củng cố, nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt
động của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đến
nay, lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bố
trí tại 63 tỉnh, thành phố, là lực lượng chủ công cùng các lực lượng khác của
Bộ Công an được nâng cao kỹ năng, phương tiện để đấu tranh với tội phạm sử dụng
công nghệ cao.
Việc
giải quyết tội phạm này là vấn đề lâu dài, là trách nhiệm của các bộ, ngành,
địa phương, của cả hệ thống chính trị. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các
cấp là chìa khóa quan trọng trong phòng chống tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Bên
cạnh đó, sự phối hợp thường xuyên, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng,
đoàn thể chính trị-xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến tận
cơ sở, làng, xã, xóm cho nhân dân..., cảnh báo kịp thời các thủ đoạn mới của
tội phạm công nghệ cao.
Trong
công tác này, cần đa dạng hình thức tuyên truyền, phòng ngừa, chú trọng tuyên
truyền tới nhóm thường bị các đối tượng lừa đảo hướng đến là phụ nữ, công nhân,
người cao tuổi. Người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng,
tự đề kháng để chủ động phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Lực
lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khuyến cáo
người dân cần thực hiện “4 không”: không sợ (không mất bình tĩnh khi nhận được
điện thoại, tin nhắn từ người lạ), không tham (không tham tài sản, quà, phần
thưởng không rõ nguồn gốc, không “dính bẫy” trước những lời mời chào “việc nhẹ
- lương cao”), không kết bạn với người lạ (không bắt chuyện, không tham gia
nhóm đầu tư tài chính), không chuyển tiền (khi nhận được yêu cầu của người lạ
hoặc chưa xác định đúng là người thân, người quen).
Đồng
thời, mỗi người dân cần thực hiện “2 phải”: phải bảo mật thông tin (hình ảnh,
thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài
khoản mạng xã hội), phải tố giác ngay (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn
nghi ngờ là giả mạo, lừa đảo hoặc không có cơ sở, phải báo ngay cho cơ quan
công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý).
Đăng nhận xét