Thời gian gần đây, việc giao dịch mua bán vàng trong các hội, nhóm trên mạng xã hội diễn ra khá sôi động. Người có vàng lên đó rao bán, người có nhu cầu mua vào đó tìm và liên hệ với người bán để giao dịch. Giá bán trực tiếp trên “chợ online” thường cao hơn giá tại các cửa hàng vàng niêm yết nên người bán hưởng lợi hơn. Người mua cũng chấp nhận bởi giao dịch thuận lợi mà không phải xếp hàng, đặt chỗ như khi mua tại cửa hàng vàng hay ngân hàng được chỉ định bán vàng miếng.



Thực ra, các nhóm mua bán vàng trên mạng xuất hiện từ lâu, song gần đây giao dịch mới sôi động khi giá vàng liên tục biến động, lập mức kỷ lục mới, tác động đến tâm lý người dân. Trong khi đó, nguồn cung vàng hạn chế, các ngân hàng được chỉ định và Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giới hạn số lượng bán ra. Mỗi lượt đăng ký online thành công chỉ được mua 1 lượng vàng miếng và thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.

Ngoài vàng miếng SJC, vàng nhẫn của các thương hiệu khác cũng khá hạn chế, có nơi dừng nhận khách đặt trước. Mặc dù nhu cầu mua bán được đáp ứng, song giao dịch trên thị trường tự do có thể dẫn đến nhiều rủi ro, đặc biệt là chất lượng vàng không bảo đảm và nguy cơ vi phạm pháp luật. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục lưu ý việc mua bán vàng miếng SJC chỉ thực hiện tại các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng SJC mà vẫn giao dịch mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thực tế, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý đối với cơ sở kinh doanh vi phạm. Bên cạnh đó, vàng là tài sản có giá trị lớn, vì vậy, việc giao dịch trên thị trường tự do không có sự bảo đảm rất dễ phát sinh hành vi lừa đảo, gian lận. Người mua nếu không có kinh nghiệm dễ mắc bẫy. Ngoài ra, các chuyên gia cũng như cơ quan quan lý nhiều lần cảnh báo, vàng là tài sản biến động gắn liền với nhiều yếu tố thị trường.

Thời gian qua, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động, cộng với việc nhiều ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng dự trữ đã làm giá vàng thế giới tăng nhanh. Trong nước, giá vàng cũng liên tục tăng theo giá thế giới, tác động đến tâm lý người dân. Tuy nhiên, việc giá vàng biến động cũng mang lại rủi ro rất lớn, vì vậy, người dân cần cân nhắc, thận trọng trong việc mua, đầu tư vào vàng. Cung - cầu thị trường vàng Việt Nam không quân bình nên giá bị đẩy lên cao, khi chính sách về vàng được thay đổi, cung - cầu gặp nhau, giá vàng sẽ giảm. Việc xuất hiện thị trường tự do có một phần từ nguồn cung vàng hạn chế.

Do đó, các chuyên gia đã nhiều lần kiến nghị, sớm sửa đổi quy định quản lý kinh doanh vàng trên nguyên tắc thị trường, đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để biến động của giá vàng ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp chế tác, sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Câu chuyện quản lý thị trường vàng không đơn giản, bởi liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều mục tiêu, nhiều đối tượng, chưa kể tâm lý, tập quán của người dân coi vàng là tài sản tích trữ. Tuy nhiên, việc cần làm là cơ quan quản lý kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng tự do, xử lý vi phạm nếu phát hiện, cảnh báo người dân cẩn trọng khi giao dịch./.

St

Đăng nhận xét

 
Top