Tại Hải Phòng hiện chỉ còn 2 cơ sở biểu diễn nghệ thuật múa rối
nước là Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng và Phường rối Nhân Hòa (xã Nhân Hòa,
huyện Vĩnh Bảo). Đoàn Rối Hải Phòng đang từng ngày “lặn lội” sinh nhai, phường
rối Nhân Hòa cũng đứng trước nỗi lo “thất truyền”vì không có người kế cận. Bởi
thế, câu chuyện bảo tồn nghệ thuật rối nước luôn canh cánh trong lòng những
người nghệ nhân, diễn viên trong nghề.
Đoàn nghệ thuật múa rối nước Hải phòng |
“Lặn lội” sinh nhai
Một ngày cuối tháng 10, nghe tin có đoàn khách Pháp đến tham quan
đình và thưởng “rối”, những người nông dân hối hả trút bỏ chiếc áo nâu sòng để
trở thành nghệ sĩ. 3 nghệ nhân điều khiển rối bó toàn thân trong bộ quần áo
nhựa chuyên dụng lội xuống hồ chuẩn bị hậu trường… Trên bờ, người chuẩn bị nhạc
cụ, người chỉnh âm thanh, người bê ghế nhựa xếp cho khách ngồi. Chốc chốc, vài
vị khách lại giật mình bởi âm thanh rè rè chói tai của chiếc loa cũ. Khoảng 20
phút sau, tiếng nhạc tiếng nhị, tiếng kèn réo rắt nổi lên, tiếng trống thì
thùng giục giã, những con rối ngộ nghĩnh lắc lư “vén màn” đi ra và nhảy múa
trên mặt nước. Một loạt tiết mục được biểu diễn như "Đơm cá",
"Tát nước", "Cày bừa", "Bơi chồng người",
"Chọi trâu"...
Nhộn nhịp là thế, song bức tranh tổng thể về màn biểu diễn nghệ
thuật dân tộc lại chưa đáp ứng kỳ vọng người xem. Nhà thủy đình xây dựng từ năm
1994 xuống cấp xập xệ, mái đình có nhiều vết nứt trơ lõi sắt. Nước hồ nhuộm màu
xanh đen, ô nhiễm. Hệ thống loa đài, nhạc cụ lạc hậu nên những làn điệu quan họ
nghe không còn mượt mà, da diết; lời thoại nhân vật nghe lõm bõm câu được, câu
không. Thêm vào đó, “rối” có kích thước quá nhỏ so với sân khấu, người xem
không nhìn rõ sự chuyển động linh hoạt trong hình thể của chú rối, làm giảm sự
tinh tế, độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Chị A-phi-đa 45 tuổi, đến từ
thành phố Lyon cho biết, quê hương chị là nơi khai sinh ra nghệ thuật múa rối
tay Guignol đặc trưng của nước Pháp, nên chị hào hứng đến thăm và tìm hiểu nghệ
thuật múa rối nước của Việt Nam. Các chú rối và cách biểu diễn của người Việt
Nam rất sinh động và độc đáo. Tuy nhiên, thực sự chị xem, nghe không hiểu gì do
âm nhạc hơi nhanh, nội dung vụn vặt, không liên kết được.
Ông Trần Đức Thịnh 70 tuổi, nhạc công kéo nhị chia sẻ: “Trừ chi
phí, sau buổi diễn mỗi người được 30- 40 nghìn đồng tiền công. Tháng cũng chỉ
có đôi ba suất diễn, sao đủ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng
biểu diễn. Thành viên Phường Rối bươn trải đủ nghề với đồng ruộng, chăn nuôi,
buôn bán để duy trì cuộc sống”.
Tại Đoàn Nghệ thuật múa Rối Hải Phòng, các diễn viên múa rối
chuyên nghiệp cũng “lặn lội” sinh nhai với nghề. Trụ sở Đoàn Rối Hải Phòng tại
Nhà hát sông Cấm nay dành phân nửa làm địa điểm cho thuê bán cà phê. Các hàng
bán xe đạp, xe máy điện dựng xe tràn lan phía trước nhà hát. Thậm chí, nhiều
người dân còn không biết Đoàn Rối Hải Phòng hiện vẫn trong Nhà hát sông Cấm đìu
hiu. Hiện hoạt động của đoàn rối chỉ cầm chừng với vài ba suất diễn. Do cơ sở
vật chất tại Nhà hát Sông Cấm không phù hợp với nghệ thuật múa rối nước, nên
hiện Đoàn biểu diễn múa rối nước chủ yếu tại đình Hàng Kênh phục vụ khách du
lịch và trong các dịp lễ hội giới thiệu tới người dân địa phương.
Giữ “hồn cốt dân tộc”
Trên thực tế, trong những năm qua, chính quyền địa phương, các ban
ngành liên quan có nhiều nghiên cứu và không ít cuộc tọa đàm, hội thảo về việc
bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Như việc quy hoạch Phường Rối Nhân
Hòa là một trong những điểm thuộc tuyến du lịch “du khảo đồng quê”, hay việc
khôi phục không gian văn hóa sân đình, khôi phục đình Hàng Kênh trở thành địa
chỉ sân khấu múa rối nước của Đoàn Rối Hải Phòng nhằm đem “rối” đến gần công
chúng cũng chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Trưởng Phường Rối Nhân Hòa Trần Văn Phước tâm sự: Tuyến “du khảo
đồng quê” hoạt động không hiệu quả. Từ lâu, khách nước ngoài tới thăm quan do
các doanh nghiệp lữ hành chủ động liên hệ với Phường Rối, không qua tuyến và
các cấp chính quyền. Do đó, hoạt động của phường không thường xuyên. Hiện cả
phường có 16 diễn viên đều là nông dân, người trẻ nhất ngoài 40 tuổi. Trong khi
lớp trẻ chẳng thiết tha gì với nghề cha ông truyền lại, bởi thu nhập mỗi buổi
diễn kéo dài mấy giờ khá cực nhọc chỉ được vài ba chục nghìn đồng. Chưa kể đến
việc theo nghề đòi hỏi kỳ công, học lời, học làn điệu hát, học nghệ thuật điều
khiển con rối... Ông Phước thở dài: “Với đà này, chỉ 5 năm nữa Phường Rối ngừng
hoạt động”.
Quyền Trưởng Đoàn Rối Hải Phòng, NSƯT Đỗ Thế Ban phân tích, để bảo
tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước truyền thống, cũng như xây dựng đội ngũ
kế cận, cần có kế hoạch lâu dài từ các ban, ngành chức năng. Trước hết, mỗi
người nghệ sĩ cần sống được với nghề. Như vậy, “rối” cần nhiều đất diễn. Để có
nhiều suất diễn, đưa rối đến với người xem, cần sự đầu tư từ cơ sở vật chất,
quảng bá tuyên truyền, xúc tiến du lịch... Điều này đòi hỏi sự đầu tư dài hơi,
có kế hoạch từ các ban, ngành chức năng. Nếu để các đoàn nghệ thuật tự “ngụp
lặn” trong cơ chế thị trường hiện nay, việc tồn tại và duy trì là rất khó.
Gắn du lịch với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc là
hướng đi đúng đắn của các ngành chức năng. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần
quyết liệt hơn nữa trong việc tạo cơ chế đầu từ, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó,
việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối sao cho xứng “hồn cốt dân tộc” mới là
điều thực sự khiến nhiều người trăn trở. Điều này cần cái tâm và sự cống hiến
hết mình của các nghệ sĩ.
Đăng nhận xét