Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015 là: “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân”. Đồng thời, chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 cũng xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba khâu đột phá.

Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai kế hoạch 5 năm 2011-2015, ngành GTVT đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng. Cùng đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, hàng trăm công trình giao thông của Trung ương và các địa phương phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ. Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng hạn chế.

Chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra giải pháp: “Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư; mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm… có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng”. Trong các năm 2013, 2014 và 2015, Chính phủ đã chỉ đạo bằng các Nghị quyết của phiên họp Chính phủ đầu năm: “Phải đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH”.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Kết quả, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức PPP, gồm: 58 dự án BOT (TMĐT: 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (TMĐT: 16.305 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực đường bộ có 58 dự án (TMĐT: 185.070 tỷ đồng), đường thủy nội địa 1 dự án (TMĐT: 1.303 tỷ đồng), hàng hải 2 dự án (TMĐT: 230 tỷ đồng) và một dự án thuộc lĩnh vực đào tạo (TMĐT: 57 tỷ đồng). Các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển KT-XH, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm ùn tắc, TNGT và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Kết quả tính toán của đơn vị tư vấn độc lập cho thấy, các dự án đưa vào khai thác đã tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác (giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại của hành khách,…) so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Điển hình, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại; QL14 đoạn Pleiku - Cầu 110 (tỉnh Gia Lai) giảm khoảng 37% thời gian đi lại; QL14 đoạn qua Đắk Nông giảm khoảng 30% thời gian đi lại... Đó là chưa kể đến các lợi ích khó định lượng được như giảm TNGT, ô nhiễm môi trường,… Theo một đánh giá khách quan của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần: Năm 2014, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

Đồng thời, lợi ích của người sử dụng và nhà đầu tư được xem xét thận trọng trong quá trình phân tích lựa chọn đối với từng dự án để đầu tư theo hình thức PPP. Đối với người sử dụng, sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, đi lại trên tuyến đường an toàn hơn. Ô tô đi lại trong phạm vi giữa 2 trạm thu phí và người đi xe máy, xe thô sơ được sử dụng công trình có mức độ phục vụ tốt hơn mà không mất phí.

Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận được xác định cụ thể trong phương án tài chính trên nguyên tắc đảm bảo các chỉ tiêu hiệu quả của dự án và kết quả đàm phán giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, phù hợp với quy định tại Thông tư số 166 ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính. Cụ thể, đối với các dự án BOT triển khai trong thời gian vừa qua, mức lợi nhuận dao động trong khoảng từ 11-12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã huy động để thực hiện dự án, còn phần vốn vay, nhà đầu tư hoàn toàn không được hưởng lợi nhuận.

Đăng nhận xét

 
Top