Đại biểu Quốc hội, Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng Nhà nước nên mua lại tất cả dự án BOT trên quốc lộ 1 để quản lý công khai, minh bạch hơn.

ĐBQH Trần Quang Chiểu
ĐBQH Ông Trần Quang Chiểu cho biết việc này ai sai thì người đó phải sửa, người dân gánh phí khi họ không sử dụng dịch vụ là phi lý.
Tôi không trực tiếp có mặt ở Cai Lậy nhưng qua báo, đài tôi đánh giá tình hình đang dần trở nên nghiêm trọng. Sự việc này sẽ phức tạo và dai dẳng nếu không có động thái hợp lý từ Bộ GTVT.
Trong những người phản đối ở BOT Cai Lậy, đại đa số là chính đáng và đúng luật. Pháp luật không cấm dùng tiền lẻ để thanh toán dịch vụ.
Người dân có ý kiến nhưng không được trả lời một cách thấu đáo dẫn đến có hành động phản đối là dễ hiểu.

Với tình hình hiện tại, Bộ GTVT nên làm gì?

Trong sự việc này, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm và sửa sai. Tôi cho rằng không thể bắt dân gánh chịu việc Nhà nước làm sai được. Bộ GTVT phải dời trạm BOT Cai Lậy về tuyến đường tránh. Khi trạm thu phí đặt đúng, thu đúng thì mới yên dân.
Bộ GTVT cần di dời trạm BOT Cai Lậy về đúng vị trí

Dời trạm BOT Cai Lậy đồng nghĩa với việc Bộ GTVT phá hợp đồng và phải đền bù cho doanh nghiệp?

Tôi có nghe Bộ GTVT giải thích rằng nếu di dời sẽ phải đền bù hợp đồng cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro đến ngân hàng. Nhưng rõ ràng trong sự việc này Bộ GTVT và chủ đầu tư đã đặt trạm BOT sai vị trí.
Nếu sợ đền bù hợp đồng, lo vỡ phương án tài chính mà để nguyên trạm ở đó thì quá bất công với người dân. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân đang phải gánh sai sót cho Nhà nước.
Cũng phải nói thêm, quy định khi lựa chọn nhà thầu thực hiện BOT, năng lực nhà thầu chỉ 10-15% vốn chủ sở hữu là bất hợp lý. Hiện có tình trạng chủ đầu tư vẽ ra vốn chủ sở hữu bằng cách vay tiền ở đâu đó rồi gửi vào ngân hàng. Đến lúc vào làm dự án mới phát hiện chủ đầu tư tay không bắt giặc.
Tất nhiên khi dời trạm BOT Cai Lậy có thể dẫn đến nguy cơ vỡ phương án tài chính của ngân hàng, có thể gây ảnh hưởng đến tài chính của Nhà nước. Mà chung quy lại là ảnh hưởng đến đến người dân. Nhưng không phải vì thế mà không sửa sai. Trạm thu phí còn đặt sai thì dân còn phản đối.

Giải pháp nào cho BOT Cai Lậy khi tình hình ngày một nóng hơn?

- Tôi cho rằng dứt khoát phải di dời trạm về đúng vị trí. Sau khi dịch chuyển BOT Cai Lậy về đúng vị trí, ngân hàng có 2 hướng đặt ra để xử lý.
Thứ nhất, nếu ngân hàng hùn vốn cùng doanh nghiệp thì phải chia sẻ trách nhiệm với nhà đầu tư theo kiểu lời ăn lỗ chịu.
Thứ hai là trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn. Trong quá trình sử dụng vốn, dự án của đơn vị bị phá sản do bất khả kháng thì ngân hàng sẽ có chính sách miễn giảm để giải quyết sự cố.
Cụ thể, ngân hàng đưa những rủi ro doanh nghiệp để giải quyết giống như việc giải quyết các rủi ro về thiên tai, quản lý yếu kém… Nhưng theo tôi đó chưa phải giải pháp tối ưu.

- Vậy đâu mới là giải pháp tốt nhất?

Tôi cho rằng đối với các dự án BOT trên quốc lộ 1, Nhà nước nên mua lại toàn bộ để quản lý, trong đó có BOT Cai Lậy ở thời điểm này.
Đúng là ngân sách của chúng ta đang gặp khó khăn nhưng tiền thiếu thì vẫn thiếu, việc gì cần sửa vẫn phải sửa. Theo tôi tính toán nếu mua lại các trạm BOT trên quốc lộ 1 khoảng 30.000 tỷ đồng.
Nhưng đâu phải mua lại là không thu phí đâu. Nhà nước sẽ rà soát lại vị trí đặt trạm, mức thu và tiếp tục thu phí để bảo trì và quản lý minh bạch hơn.

Lâu nay người dân bức xúc ở các BOT vì hai vấn đề:

Thứ nhất là đặt nhầm chỗ. Các cơ quan chức năng đặt trạm thu phí không theo quy hoạch. Bộ, ngành thỏa thuận với nhau nhưng không thỏa thuận với dân.

Thứ hai là tình trạng thiếu minh bạch trong các dự án. Mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm toán vào cuộc là các trạm lại giảm thời gian thu phí.

Việc mua lại các dự án BOT daanc đến tăng nợ công nhưng người dân sẽ đồng tình ủng hộ.

Đăng nhận xét

 
Top