Ngày 10/2/2018, tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã diễn ra cái gọi là “Cuộc họp thường kì của bà con xã Đồng Tâm”. Đây không phải lần đầu tiên cuộc họp kiểu này được tổ chức tại xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, cuộc họp này thật sự làm dư luận trong và ngoài nước chú ý đến bởi những cái không giống ai.

Từ trái sang phải (ông Lê Đình Lượng, Bùi Viết Hiểu và Lê Đình Công)
Trước hết, nếu chỉ nghe thoáng qua về “Cuộc họp thường kì của bà con xã Đồng Tâm”, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nghĩ rằng cuộc họp này do toàn thể người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tổ chức, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế thì cái gọi là “Cuộc họp thường kì của bà con xã Đồng Tâm” thực chất chỉ là cuộc họp tự phát của một số cá nhân, mà ở đây là nhóm “Đồng Thuận”.

Đây chính là hội nhóm bất hợp pháp do ông Lê Đình Kình lập ra, lợi dụng danh nghĩa kêu gọi chống tham nhũng để tiến hành các hoạt động gây rối an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm như: kêu gọi quần chúng nhân dân không nhận đất sản xuất, phản đối việc thực hiện phương án giao chia đất của chính quyền; xuyên tạc tự do tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết lương giáo; tụ tập đông người trái phép tại trụ sở các cơ quan nhà nước, cản trở hoạt động của chính quyền địa phương, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Ấy vậy mà nhóm “Đồng Thuận” lại dám đại diện cho toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm đứng ra tổ chức cuộc họp lạ đời này thì đúng là không thể ngửi được. Bên cạnh đó, cuộc họp này được tổ chức bởi những cá nhân cực đoan, bất mãn, đã từng bị chính quyền địa phương xử lý kỉ luật như: ông Lê Đình Kình, Lê Đình Công và ông Bùi Viết Hiểu. Đây đều là những cái tên khá quen thuộc đối với cộng đồng mạng xã hội. Bởi lẽ, đây chính là những nhân vật cốt cán, cầm đầu trong nhóm “Đồng Thuận”.

Ông Lê Đình Kình nguyên Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn bất chấp các quy định của pháp luật, ký giấy cho 1 số hộ trong 14 hộ dân sinh sống trên đất thuộc dự án quốc phòng (trong toàn bộ 208 ha đất tại khu vực Đồng Tâm, Mỹ Đức đã được Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng tại Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 do Phó thủ tướng Đỗ Mười ký với mục tiêu sử dụng để xây dựng căn cứ không quân ở Miếu Môn).

Hơn nữa, khi công ty Viettel tổ chức triển khai thi công dự án thì chính ông Lê Đình Kình lại kích động người dân ở xã Đồng Tâm tụ tập, tổ chức ngăn cản, nhổ biển báo “Khu vực quân sự”, đưa máy móc nông nghiệp vào cày bừa, canh tác tại khu vực Đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm; dựng trái phép 1 túp lều, đổ đá mạt làm đường, cắm cờ dọc đường, căng băng rôn với nội dung “đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp xã Đồng Tâm”; sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền nhiều nội dung trái phép, kích động, tụ tập đông người kéo lên trụ sở UBND xã Đồng Tâm để phản ứng chính quyền, cắt loa phóng thanh xã, buộc con em nghỉ học…gây mất trật tự, khiến tình hình ngày càng phức tạp.

Lê Đình Công (con trai ông Lê Đình Kình) là người đã trực tiếp chỉ đạo một số người dân tham gia khiếu kiện tại địa bàn bao vây trụ sở UBND xã Đồng Tâm khi các đoàn công tác của huyện đến thực hiện nhiệm vụ; có nhiều hành vi gây mất ANTT như: Gây mất trật tự tại phòng họp nơi đoàn công tác đang làm việc; tổ chức chiếm đài phát thanh, sử dụng hệ thống loa phóng thanh để tuyên truyền trái phép trong khu vực UBND xã và trước cửa phòng họp của tổ công tác huyện ủy Mỹ Đức; tụ tập đông người trước cổng UBND xã, đóng cổng UBND xã không cho các phương tiện của đoàn công tác của huyện rời khỏi trụ sở UBND xã; khi lực lượng công an huyện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đoàn công tác trên thì ngăn cản, tuyên truyền xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Ông Bùi Viết Hiểu chính là nhân vật thứ hai sau ông Lê Đình Kình trong nhóm “Đồng Thuận”. Ông Hiểu được biết đến với vai trò là người kêu gọi, xúi giục những người dân khác tham gia khiếu kiện, đòi 59ha trong khu vực Viettel thi công dự án quốc phòng là đất nông nghiệp. Ông Hiểu nguyên là Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Đồng Tâm. Trong quá trình công tác, ông Hiểu đã thiếu trách nhiệm làm hỏng 1 tấn hạt giống chè của hợp tác xã, chơi hụi bị vỡ nợ nên đã chiếm dụng tiền nhà nước. Vì vậy, huyện ủy Mỹ Đức lúc đó đã xử lý kỷ luật và có nghị quyết kỷ luật khai trừ Đảng với ông Hiểu.

Ngoài ra, vào ngày 25/7/2017, thanh tra thành phố Hà Nội đã công khai báo chí trong và ngoài nước, công bố Kết luận Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Trong đó, kết luận thanh tra nêu rõ: “Diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có hơn 64 ha. Việc ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha là không đúng. Thực tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu.

Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”. Đây là điều quá rõ ràng, ấy vậy mà nhóm “Đồng Thuận” không những không thực hiện kết luận thanh tra mà lại còn tiếp tục có hành động kích động người dân tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức thì đúng là không thể chấp nhận được


Có thể thấy rằng việc nhóm Đồng Thuận tổ chức cái gọi là “Cuộc họp thường kì của bà con xã Đồng Tâm” thực chất là cách để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước nhằm tập hợp lực lượng để tiến hành các hoạt động gây rối an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là hành động coi thường pháp luật Việt Nam. Nếu không sớm hối cải, quay đầu lại là bờ thì có lẽ ngày mà ông Kình và các thành viên trong nhóm Đồng Thuận phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình sẽ không còn xa nữa.

Đăng nhận xét

 
Top