Chuyện Triều Tiên trở thành mục tiêu bị săm soi trong suốt tuần qua thực ra không có gì khó hiểu, bởi lẽ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump vừa bước ra khỏi một cuộc gặp thượng đỉnh mà kết quả không như nhiều người mong đợi.
Có rất nhiều lý giải cho chuyện đó, bao gồm việc Bình Nhưỡng và Washington chưa tìm được tiếng nói chung trong việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy các cơ sở chế tạo tên lửa/hạt nhân. 

Vậy nên, việc hình ảnh của những cơ sở quân sự mà Triều Tiên đã từng cam kết đóng cửa trong cuộc gặp thượng đỉnh lần trước ở Singapore, lần này bị phơi bày trên mặt báo phương Tây không thể bị đặt ngoài bối cảnh đó.
Dựa trên các bức ảnh được chụp bởi vệ tinh thương mại ngày 2-3, tức chỉ hơn hai ngày sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cùng chuyên trang về Triều Tiên của Mỹ là 38 North đã khẳng định có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã khôi phục bãi phóng tên lửa Sohae gần biên giới Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu của CSIS nhận định hành động của Triều Tiên nhằm thể hiện thái độ quyết tâm của nước này sau khi bị Mỹ từ chối đề nghị dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Trong cùng thời gian những thông tin và hình ảnh trên được công bố, Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) tuyên bố Bình Nhưỡng đã khởi động cơ sở làm giàu uranium tại Yongbyon từ trước khi thượng đỉnh lần 2 với Mỹ diễn ra. 
NIS cũng khẳng định đã phát hiện các hoạt động mới tại Sohae và Sanumdong - cơ sở chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên. Những thông tin này tràn ngập trên các tờ báo Hàn Quốc ngày 6 và 7-3.
Song có một điều đáng lưu ý là tất cả các thông tin có liên quan đến NIS trên mặt báo Hàn Quốc chỉ là lời thuật lại của các nghị sĩ tham gia phiên họp kín hôm 5-3. 
Còn trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan này vẫn chưa công bố bất kỳ hình ảnh hay kết luận nào liên quan đến các cơ sở quân sự của Triều Tiên.
Như vậy, các hình ảnh và kết luận Triều Tiên đang khôi phục các cơ sở chế tạo tên lửa sau thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn chỉ là những lời phán dựa trên hình ảnh vệ tinh của các tổ chức dân sự. Chưa có sự xác nhận hay phủ nhận chính thức nào từ chính quyền Hàn Quốc hay Mỹ.
Phản ứng cấp cao nhất đáng chú ý nhất có lẽ là phát biểu đầy thận trọng của Tổng thống Trump tại phòng Bầu dục ngày 6-3 (giờ Mỹ). 
"Vẫn còn quá sớm để kết luận điều gì. Các báo cáo này cũng chỉ mới sơ bộ. Chính chúng ta là người đưa ra các thông tin đó chứ ai. Nhưng tôi phải nói rằng tôi sẽ cực kỳ thất vọng Chủ tịch Kim dù tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ không phải thất vọng như vậy. Chờ xem thế nào đã".
Trước ông Trump, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt nếu Triều Tiên không phi hạt nhân hóa. 
Lời cảnh báo đó có thể được hiểu theo hai nghĩa: hoặc là ông Bolton đã nắm được gì đó trong tay nên đe dọa; hoặc là ông chẳng có bằng chứng gì nhưng vẫn phản ứng theo kiểu "rào trước đón sau" trước các thông tin trên mặt báo.
Một vài người tự hỏi truyền thông nhà nước Triều Tiên đã ở đâu trong lúc các thông tin có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của họ lại chỉ đang được phát đi từ các nguồn phương Tây. Im lặng dường như là hành động mặc nhiên của Bình Nhưỡng trước các thông tin dạng này.
Sau khi đã thể hiện bộ mặt rất mới trong thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, bằng việc đưa tin liên tục và cập nhật sát sao, có lẽ sẽ sớm thấy truyền thông Triều Tiên thể hiện sự phản ứng một cách nhanh chóng đối với các luận điệu của truyền thông phương Tây.

Đăng nhận xét

 
Top