Nếu không ngăn chặn được những thông tin xấu độc đang lan tràn trên mạng xã hội thì chúng ta có cố gắng bao nhiêu trong việc đầu tư cho văn hóa truyền thông cũng vô ích.
Chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020...
Nói về vấn đề văn hóa, đại biểu Thuận Hữu (đoàn Thành phố Hải Phòng) cho rằng, nếu không ngăn chặn được những thông tin xấu, độc đang lan tràn trên mạng xã hội thì chúng ta có cố gắng bao nhiêu trong việc đầu tư cho văn hóa truyền thông cũng vô ích.
Nêu thực trạng thông tin xấu, độc đang hàng ngày hàng giờ tác động xấu đến đạo đức, làm mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp, đại biểu nhấn mạnh: “Có lẽ không có nước nào như Việt Nam, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai”.

Theo đại biểu Thuận Hữu, mạng xã hội tác động ghê gớm đến sinh hoạt, tập quán phong tục, nhất là với giới trẻ đang có những giá trị về đạo đức xã hội bị lung lay. Từ đó, hình thành một lớp người ích kỷ, vô cảm, thờ ơ, thiếu lý tưởng và thực dụng.
Đại biểu Thuận Hữu bày tỏ lo ngại khi nền tảng gia đình "có nhiều điều phải nói, giá trị nền tảng đạo đức, truyền thống lung lay nhưng hình như chưa được chú ý đúng tầm".

Bên cạnh đó, nhiều lúc chúng ta bất lực trong việc ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội nên những tin tức giả mạo xuất hiện thường xuyên. Những thông tin giả, thông tin có tính kích động tung ra nhưng rất đáng tiếc là các cơ quan công quyền nhiều khi lại chạy theo truyền thông để xử lý vấn đề. Trong khi đó tại Thái Lan, có trường hợp lên mạng xã hội xúc phạm nhà vua một câu thôi là bị bỏ tù.

“Có lẽ công an bây giờ sợ dư luận, cảnh sát sợ cả người vi phạm quay phim, chụp ảnh làm lung tung cả lên. Có tình trạng chửi cơ quan công quyền như hát hay”, đại biểu Thuận Hữu lo ngại.
Nghiên cứu quy luật của tham nhũng để phòng chống hiệu quả hơn
Về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) dẫn ra vụ án MobiFone mua AVG và cho rằng bước tiến chính là điều tra, chứng minh làm rõ được hành vi tham nhũng trong vụ án lớn. Bởi trước đây ít chứng minh được thì nay làm rõ được khá nhiều vụ.
“Có vụ đấu tranh khá cương quyết, truy tố được tội nhận hối lộ với số tiền lớn như vụ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Đây là vụ đưa, nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt”, bà Nga dẫn chứng và cho biết thu hồi tài sản tham nhũng theo báo cáo cũng khá hơn so với trước đây.

Tuy vậy, đại biểu Lê Thị Nga cũng cho rằng Chính phủ phải có cơ quan nghiên cứu về quy luật của tham nhũng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Tham nhũng lớn, lợi ích nhóm, sân sau sân trước có biểu hiện gì, cách thức thế nào?
“Cần có Viện nghiên cứu, như qua các vụ AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn thua lỗ... rút ra cái gì để phòng ngừa? Chúng ta mãi đi chống mà thiếu nghiên cứu quy luật trong khi tham nhũng có quy luật. Đằng sau các sai phạm có yếu tố vụ lợi, tham nhũng, chỉ có điều ta không chứng minh được thôi”, bà Lê Thị Nga nêu ý kiến./.
St

Đăng nhận xét

 
Top