Trần Thế Trung, quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2019, cho biết cuộc sống của mình có nhiều thay đổi sau khi giành ngôi vô địch.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện naydo Báo điện tử Đảng Cộng sản, Ban Tuyên giáo T.Ư, tổ chức ngày 8.10, Trần Thế Trung, quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2019, cho biết cuộc sống của mình có nhiều thay đổi sau khi giành ngôi vô địch.
Quán quân Olympia 2019 Trần Thế Trung chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 8.10
“Em cũng thấy cuộc sống không hề đơn giản như trước kia”
Chia sẻ cảm giác hồi hộp, xúc động khi giành chức vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2019 đã qua, song Trần Thế Trung cho biết, vẫn chưa thể quen được với việc nhiều người muốn được em chia sẻ kinh nghiệm hay các nhà báo phỏng vấn.
“Em chỉ là một học sinh bình thường và muốn được tiếp tục công việc học tập”, Trung chia sẻ.
Trả lời câu hỏi cuộc sống của em có gì khác đi không so với trước kia, Trung cho hay, sau khi trở về từ chung kết Đường lên đỉnh Olympia, cuộc sống của em thay đổi khá nhiều, khi có nhiều người quan tâm tới em hơn.
Theo quán quân Olympia năm 2019, có nhiều bạn muốn lấy em làm động lực, mong em chia sẻ kinh nghiệm học tập, song cũng có nhiều người chú ý và soi xét những hành động, lời nói của em.
“Thậm chí là trên trang cá nhân trên mạng xã hội của em có một số phần tử phản động cũng vào theo dõi và biết được em là một người có bản lĩnh chính trị tư tưởng khá là vững vàng thì chúng cũng ra sức tuyên truyền hòng thay đổi tư tưởng của em”, Trung nói, và chia sẻ thêm: “Thực sự em cũng thấy cuộc sống không hề đơn giản như trước kia nữa”.
Trở về để làm cho một tờ báo địa phương hoặc đài truyền hình
Trả lời về dự định của mình sau khi du học tại Australia, Trung cho biết, đây là câu hỏi đã được nhiều nhà báo hỏi mình từ sau khi em giành giải quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia và cũng là câu hỏi đeo đuổi các quán quân của chương trình trong suốt 19 năm qua.
Trung chia sẻ việc ở hay về là quyền của mỗi người. “Quán quân của chương trình họ cảm thấy có điều kiện hơn để sinh sống, phát triển khả năng của mình để đóng góp nhiều hơn cho nhân loại thì đó cũng là điều tốt”, Trung bày tỏ.
Về cá nhân, Trung cho biết em quyết định sẽ trở về vì cảm thấy gắn bó với Việt Nam và hiện tại cuộc sống ở Việt Nam cũng đã ổn. Hơn nữa, ngành học em dự định theo đuổi là ngành truyền thông cũng có thể phát huy và đóng góp được khi về Việt Nam.
“Với thời buổi công nghệ thông tin, internet như hiện nay, báo chí truyền thông, internet vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong định hướng dư luận và đưa các thông tin để gây ảnh hưởng cho xã hội. Em nghĩ với khả năng của mình, em có thể quay về Việt Nam để giúp cho một số tờ báo địa phương hoặc xin làm ở các đài truyền hình, đóng góp công sức trên mảnh đất quê hương mình”, Trung chia sẻ.
Giành câu hỏi 30 điểm nhờ cuốn sách lịch sử bố mua
Chia sẻ về niềm đam mê với môn lịch sử, Trần Thế Trung cho biết, đây là môn học mà em yêu thích nhất và khẳng định đây không phải là môn học chỉ ghi nhớ sự kiện, địa điểm, tên người, mà là môn học để từ đó tư duy, rút ra các bài học kinh nghiệm cho hiện tại.
“Theo hiểu biết của em, lịch sử vận động theo hình xoáy trôn ốc và việc học lịch sử, nhận thức đúng lịch sử là để vận dụng vào sự vận động phát triển của xã hội”, Trung nói.
Trung cho hay, em có niềm đam mê với môn lịch sử ngay từ khi còn nhỏ với sự hỗ trợ từ bố mình. Từ lúc còn là học sinh tiểu học, bố đã mua cho em 3 cuốn sách lịch sử bằng tranh. Trong đó, có một trang sách khá ấn tượng về sự kiện được cho là Trần Thủ Độ đã ám sát cả dòng họ nhà Lý và làm cho hoàng tử Lý Long Tường phải đưa gia đình di cư sang Cao Ly (Hàn Quốc bây giờ).
“Đó cũng là nội dung của câu hỏi 30 điểm về lịch sử trong trận chung kết Olympia và có thể nói, nhờ bố, nhờ cuốn sách đó mà em giành được 30 điểm quý báu này”, quán quân Olympia chia sẻ.
Trần Thế Trung hiện là học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. Tại trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2019, với 245 điểm, Trần Thế Trung đã giành ngôi vô địch với phần thưởng là học bổng 35.000 USD.
Trung cũng là học sinh đầu tiên của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) giành được vòng nguyệt quế.
Đăng nhận xét