Cán bộ và công tác cán bộ luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, đất nước và chế độ. Công tác cán bộ được xác định là “then chốt của then chốt”. Mọi sự thay đổi công tác nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao đều rất được sự quan tâm của xã hội.



Chính vì vậy, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để khai thác các diễn biến của tình hình chính trị nội bộ, nhất là kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tổ chức, nhân sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tiến hành liên tiếp các chiến dịch tuyên truyền chống phá, công khai, trắng trợn; tạo thành các “điểm nóng truyền thông” trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực ngày càng bài bản, quyết liệt và đi vào thực chất. Nhiều cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất vì đồng tiền, lợi ích cá nhân đã phải trả giá đắt cho hành vi tham nhũng, tiêu cực của mình. Tuy nhiên, đây lại nhanh chóng trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch ra rả các luận điệu xuyên tạc, chống phá để công kích công tác nhân sự, công tác tổ chức của Đảng.

Một mặt, các thế lực thù địch cố tình phủ nhận kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng ta chỉ đạo. Một mặt, các đối tượng khoét sâu các vụ việc, vụ án trọng điểm, liên quan sai phạm, vi phạm của cán bộ, đảng viên để công kích công tác nhân sự, công tác tổ chức của Đảng. Đồng thời tung tin kích động gây mâu thuẫn nội bộ, quy kết trách nhiệm của Đảng, quy chụp tham nhũng là bản chất chế độ.

Những kẻ phản động, thù địch vu cáo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ đảng viên sai phạm chỉ là trò “đánh trống” “khua chiêng” nhằm “che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá giữa các phe nhóm trong đảng”; “trả thù cá nhân”.

Đặc biệt, lợi dụng sự thay đổi về nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước, việc bổ nhiệm một số lãnh đạo cấp vụ, sở ở một số bộ, ngành địa phương, các tổ chức phản động đồng loạt đăng tải các bài viết xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng là “không bảo đảm dân chủ”, “áp đặt”; “đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích quốc gia – dân tộc”; “không thể lựa chọn” được người đủ năng lực và đạo đức để lãnh đạo đất nước…

Không chỉ dừng lại ở đó, một số tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan cũng ra sức tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng là mất dân chủ; ca ngợi nền dân chủ phương Tây; cổ xúy tư tưởng đa đảng, kích động người người dân biểu tình chống phá chế độ.

Khi có lãnh đạo Đảng, Nhà nước xin từ chức thì những kẻ này lại vu khống, xuyên tạc, quy chụp cho rằng đó là bị bắt ép. Trong khi trước đó, chỉ cần lãnh đạo các nước trên thế giới tuyên bố từ chức, dù với bất kỳ lí do gì thì họ ca ngợi, cho rằng đó là hành động văn minh, tiến bộ, dân chủ là “văn hóa từ chức” và ca thán cho rằng “không biết khi nào ở Việt Nam mới có lãnh đạo xin từ chức”.

Chiêu bài thâm hiểm khác mà các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng là tung tin bịa đặt, bôi nhọ cán bộ từ nguồn gốc xuất thân, gia đình, tới quá trình phấn đấu; quá trình điều hành, lãnh đạo… nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp chiến lược và chính quyền các cấp.

Thủ đoạn nói xấu, bôi nhọ cán bộ, đảng viên đã được các thế lực thù địch thực hiện để chống phá cách mạng nước ta từ lâu. Tuy nhiên, thời gian qua, cách thức tiến hành được che đậy bởi chiếc “bình mới” tinh vi hơn. Nếu như trước đây, các đối tượng tập trung chống phá trọng tâm trên Facebook, Youtube, thì hiện nay các đối tượng đã đẩy mạnh sang TikTok, Telegram, X (trước đây là Twitter)…. gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn của các cơ quan chức năng.

Các tuyến bài viết được tổ chức với tần suất dày đặc trên không gian mạng, mạng xã hội để hình thành tâm lý lo ngại “bất ổn chính trị” trong dư luận xã hội.

Không khó để nhận ra, các đối tượng trọng điểm khai thác triệt để diễn biến tình hình, nhất là các vấn đề, vụ việc, vụ án nóng, nhạy cảm… để từng bước khơi gợi, đưa đẩy thông tin nhạy cảm. Sự tinh vi của các thế lực thù địch, phản động được thể hiện ở chỗ thường “lập lờ đánh lận con đen”, “đánh tráo khái niệm”, kết hợp đưa những thông tin chính thức được cơ quan truyền thông công bố rồi lồng ghép với nội dung, hình ảnh xuyên tạc, sai trái theo các kịch bản thuyết âm mưu.

Các thế lực thù địch tung nhiều tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, bôi lem, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Cùng với đó, các đối tượng triệt để sử dụng ảnh hưởng của tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để biên tập, tung tin với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn như: Tìm cách che giấu nguồn (không đề cập nguồn cấp, lảng tránh khi được hỏi về nguồn tin, đưa các thông tin không liên quan để “pha loãng”, “đánh lừa” dư luận…), từng bước biến “tài khoản cá nhân” thành địa chỉ thu nhận và “loa phát tin” có yếu tố nội bộ.

Để kích thích sự tò mò, các đối tượng thường viết những dòng status ngắn gọn, lấp lửng hoặc chỉ một câu cảm thán tưởng như vô hại nhưng hàm chứa đầy ẩn ý.

Người viết có thể chỉ là một “chim mồi”, sau đó dưới bình luận có thêm nhiều đối tượng khác đóng vai “nhân chứng” chứng minh “độ tin cậy” của thông tin xuyên tạc vào bình luận. Những tin giả được tạo ra một cách có tổ chức, chủ đích cộng thêm sự hỗ trợ và tham gia của công nghệ tự động hiện đại sẽ tác động mạnh đến dòng chảy thông tin chính thống, gây hoang mang trong dư luận.

Nguy hiểm hơn, lợi dụng những tiện ích vượt trội của Internet, các thế lực thù

địch còn tích cực phát trực tiếp video để tương tác, thu hút dư luận trên mạng xã hội… Để đạt mục đích, các thế lực chống phá không từ một thủ đoạn nào; trong đó, có sử dụng công nghệ “trí tuệ nhân tạo” để giả tạo hình ảnh, video, clip bôi nhọ cán bộ rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội

Đặc biệt, các đối tượng phát tán thông tin, hình ảnh các văn bản mật liên quan trực tiếp tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số bộ, ngành, địa phương, tạo “điểm nhấn” để các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc về tình hình nội bộ, tạo “điểm nóng truyền thông mạng xã hội”. Các nguồn tán phát thông tin, hình ảnh đầu tiên trên mạng chủ yếu là đối tượng trọng điểm ở nước ngoài, đã tạo ra dư luận nghi ngờ, đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn về “nguồn tin trong nội bộ” cung cấp ra bên ngoài cho các đối tượng hoạt động chống phá.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận định, việc nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cán bộ, đảng viên đã và đang được các thế lực thù địch coi là trọng điểm chống phá, tiến hành liên tục, vừa tinh vi, vừa trắng trợn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được coi là một cái cớ để các thế lực “vơ đũa cả nắm”, “thổi phồng” đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của đại bộ phận cán bộ, đảng viên.

“Điều hết sức nguy hiểm là các thế lực thù địch phản động thường kết hợp, trộn lẫn thông tin thật – giả, thật – ảo. Những thông tin này thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người, làm những người nhẹ dạ cả tin không phân biệt được đúng – sai, trắng – đen”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dù phương thức, thủ đoạn mới có tinh vi đến đâu thì bản chất vẫn không thay đổi, vẫn là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Từ những luận điệu xuyên tạc đó, họ bác bỏ hoàn toàn vai trò của công tác nhân sự trong việc xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo đất nước.

“Mưu đồ đằng sau những luận điệu xuyên tạc không gì khác là nhằm làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, thao túng tâm lý một bộ quần quần chúng nhân dân, chia rẽ nội bộ, chia rẽ Nhân dân với Đảng, Nhà nước” – TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Công tác cán bộ được Đảng ta xác định là “then chốt của then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ. Vì vậy, Đảng luôn đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân; đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất khỏi Đảng và bộ máy lãnh đạo.

Quan điểm nhất quán của Trung ương trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật.

Thực tế, trong công cuộc này, chúng ta đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Kể cả các vụ việc tồn đọng, phức tạp như những vụ việc liên quan đến Công ty AIC và đặc biệt là mới phát sinh như những vụ việc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vụ việc liên quan đến Công ty Phúc Sơn, Công ty Thuận An, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng mang lại nhiều cái được. Chống tham nhũng hiệu quả sẽ tạo nên sự minh bạch trong các chính sách kinh tế, tài chính, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cái được lớn nhất, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, như phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 ngày 30/6/2022, đó là “chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”.

Lẽ đương nhiên, cán bộ có vi phạm thì có xử lý, kỷ luật. Việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của các đồng chí lãnh đạo cho thấy công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện đúng phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra”, bất kể người đó là ai và đang giữ chức vụ gì. Khi cán bộ có sai lầm, khuyết điểm, vi phạm và không còn đủ uy tín thì việc thôi giữ chức vụ cũng là điều hoàn toàn phù hợp. Đó hoàn toàn không phải là “đấu đá quyền lực”, “trả thù cá nhân ” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Việc miễn nhiệm, từ chức cũng là việc diễn ra bình thường trong công tác cán bộ, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới, không phải đến bây giờ mới có. Vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Cụ thể, Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã quy định rất rõ các căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

St

Đăng nhận xét

 
Top