Thời gian qua, hiện tượng một số cá nhân với danh nghĩa tự do sáng tạo, tự do biểu đạt mà có biểu hiện xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng hay phân biệt vùng miền, sắc tộc,… có biểu hiện ngày một nhiều hơn. Trên thực tế, hiện tượng này không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Vừa qua, những hình ảnh phản cảm từ chương trình biểu diễn thời trang tại quán bar Fame Club ở Hà Nội đã nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, cùng với đó là thái độ bức xúc của một bộ phận công dân theo Công giáo. Nguyên nhân xuất phát từ việc người mẫu và vũ công của cơ sở này không chỉ hở hang mà còn khoác trang phục mô phỏng trang phục của các nữ tu Công giáo rồi thực hiện nhiều động tác phản cảm. Hiện cơ quan chức năng đề xuất xử phạt quán bar Fame Club số tiền 64 triệu đồng. Ðây không phải lần đầu, việc trình diễn tùy tiện, thiếu kiểm soát tại một số quán bar phải nhận phản hồi tiêu cực từ phía dư luận. Tháng 5-2017, Ðoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chủ trì đã kiểm tra, lập biên bản đối với Công ty cổ phần thương mại Ðại Cát Việt Nam - đơn vị quản lý và khai thác quán bar Hey Club trên phố Cửa Nam, vì trước đó, quán tổ chức chương trình nghệ thuật có sử dụng vũ công mặc các trang phục xúc phạm cờ Tổ quốc và hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân. UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội xử phạt Hey Club số tiền lên đến 160 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này dường như chưa cảnh tỉnh được hoạt động biểu diễn phản văn hóa tại một số quán bar khác, mà sai phạm mới đây tại Fame Club là một minh chứng.
Trên thực tế, không chỉ dừng lại ở các hiện tượng tự phát ở vài cơ sở, tụ điểm công cộng, hành vi xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng có biểu hiện ngày một nhiều trong các hoạt động sáng tác, biểu diễn. Ngày 19-9 vừa qua, Ban Tổ chức chương trình Tuyệt đỉnh song ca đã phải xin lỗi công chúng và lùi chương trình phát sóng có phần dự thi của hai thí sinh "nhà sư triệu view" vì có biểu hiện xúc phạm Phật giáo. Trước đó, năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập biên bản và xác minh vụ việc liên quan đến bộ ảnh tai tiếng "nude để thiền". Nhân vật thiền sư trong những tấm hình thiếu vải được xác nhận là Phạm Ðình Phong, người từng bị lập biên bản hành chính xử phạt 50 triệu đồng vì hành vi lập website "đen". Tiếp đó, tháng 10-2014, ban nhạc F-Band đã không tôn trọng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái khi sử dụng khăn piêu làm khố trong đêm bán kết chương trình Nhân tố bí ẩn. Bên cạnh đó, phải kể đến sự tồn tại nhan nhản các tiểu phẩm hài, trong đó có một số tiểu phẩm được đưa lên YouTube, có nội dung phân biệt vùng miền, làm sai lệch, méo mó hình ảnh, phong tục, tập quán của một số dân tộc ít người và người nước ngoài. Công thức chung của các tiểu phẩm này rất đơn giản: nhân vật chính được quy ước là thuộc dân tộc ít người, có tật nói ngọng, chọc cười khán giả bằng các câu thoại và hành xử ngây ngô, kệch cỡm. Cá biệt, có nhóm diễn còn xuyên tạc hình tượng nhân vật, cốt truyện tác phẩm văn học nổi tiếng về người dân tộc thiểu số trong sách giáo khoa trung học phổ thông, như Vợ chồng A Phủ, Rừng xà nu...
Có thể thấy nguyên nhân của hầu hết hành vi có màu sắc nhạo báng tôn giáo, tín ngưỡng qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn phần lớn đều bắt đầu từ sự cẩu thả, thiếu hiểu biết, vô ý thức: Khi hành động như vậy, đạo diễn, nhà thiết kế, tác giả, nghệ sĩ đã không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc mình làm. Tuy nhiên, cũng có một số người muốn lợi dụng việc này để gây ra scandal nhằm tạo sự nổi tiếng, như trường hợp người mẫu TNV với bộ ảnh phản cảm, mà đỉnh điểm là "nude để thiền"; hoặc việc giả danh nhà sư để hoạt động tôn giáo trái phép, hoặc sự kiện thi hát bolero của ba "thầy chùa rởm" Tâm Ðức, Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên,…? Có thể thấy hành vi phản cảm, phản văn hóa của một số người không chỉ ảnh hưởng xấu đến văn hóa dân tộc, mà còn tạo cớ cho một số phần tử có thái độ thù địch lợi dụng kích động tâm lý và hành vi, tạo ra mâu thuẫn tiềm ẩn trong xã hội. Cụ thể là ngay sau khi chuỗi hình ảnh của quán bar Fame Club xuất hiện trên mạng xã hội, hàng loạt video, bài viết của nhiều cá nhân, tổ chức, tờ báo chống cộng có nội dung kích động xung đột tôn giáo, tín ngưỡng đã được đăng tải.
Trên thế giới, một số quốc gia, dân tộc đã phải nếm trải những bài học đau lòng xuất phát từ những hành vi nhân danh tự do ngôn luận, sáng tác và biểu đạt để xúc phạm, miệt thị tôn giáo. Lý do chính là ở chỗ các quốc gia này chỉ nghiêm cấm hành vi trực tiếp báng bổ tôn giáo, nhưng lại không cấm các hành vi qua hoạt động nghệ thuật mà sử dụng ngôn từ, hành động xúc phạm tín ngưỡng. Năm 1988, nhà văn S.Rushdie (S.Ru-sờ-đi) bị tuyên án tử hình vắng mặt sau khi cuốn sách Những vần thơ của quỷ Satan có nội dung báng bổ nhà tiên tri Muhammad (Mô-ha-mét) được xuất bản tại Anh. Năm 2015, sau vụ khủng bố đẫm máu của các phần tử Hồi giáo cực đoan với tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, Tổng Thư ký Tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới (OIS) I.A.Madani (I.A.Ma-đa-ni) phải lên tiếng: "Thế giới Hồi giáo lên án vụ tiến công tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris. Một số lượng lớn người Hồi giáo tại Pháp cũng như lãnh đạo thế giới Hồi giáo đã tham gia cuộc diễu hành để lên án những hành động như vậy. Mọi người ủng hộ tự do ngôn luận. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không nên xúc phạm đến tín ngưỡng của người khác". Tại Việt Nam, tự do tín ngưỡng và tôn giáo luôn luôn được tôn trọng, được quy định trong Hiến pháp và cụ thể hóa qua nhiều văn bản pháp luật, mà mới đây nhất là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Nói cách khác, Ðảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện để các tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật.
Từ cảm hứng, đức tin về tôn giáo, tín ngưỡng mà nhiều công trình, tác phẩm hay đã ra đời, phản ánh các giá trị nhân văn mà một số tôn giáo, tín ngưỡng hướng tới, phê phán những kẻ lạm dụng tôn giáo để trục lợi, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tiểu thuyết Cha và con, và… của nhà văn Nguyễn Khải đã sớm đi vào lòng người. Bối cảnh của tiểu thuyết chỉ bó gọn trong xứ đạo Nhất nhưng đã kịp thời phản ánh, lý giải sự hài hòa giữa chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước Việt Nam không hề mâu thuẫn với đời sống tôn giáo của người Công giáo. Lần lượt ra mắt vào năm 2006 và 2011, hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về đề tài tín ngưỡng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là Mẫu thượng ngàn và Ðội gạo lên chùa không chỉ dừng lại trong địa hạt văn học, mà còn là đối tượng nghiên cứu, trích dẫn trong nhiều công trình khoa học nghiên cứu tôn giáo, văn hóa quan trọng khác. Kể từ khi ra mắt năm 2010, tiểu thuyết Ðức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái đã được tái bản nhiều lần. Trong mỹ thuật, có thể kể đến bức tranh khắc gỗ A di đà phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân được trao Huy chương vàng triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Ðó là chưa kể hàng nghìn sáng tác trong các loại hình nghệ thuật từ sân khấu truyền thống đến điện ảnh, múa, âm nhạc, kịch đương đại… Không thể phủ nhận nhiều tác phẩm, văn hóa phẩm lớn về đề tài tôn giáo, tín ngưỡng mang giá trị nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và còn là sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa đời sống tôn giáo và thế tục, giữa tín đồ theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào. Chính vì vậy, hiện tượng cẩu thả, thiếu hiểu biết, vô ý thức và lợi dụng quyền tự do biểu đạt, tư duy sáng tạo trong văn học, nghệ thuật để xúc phạm, báng bổ tín ngưỡng tôn giáo,… cần phải bị xử lý nghiêm minh; đồng thời qua đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm với ý nghĩa tích cực, phù hợp quy định của pháp luật.

Đăng nhận xét

 
Top