Thực tế cho thấy, để xuyên tạc, vu cáo, chống phá chế độ,... các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí đã thực hiện nhiều thủ đoạn tác động tới nhận thức của một bộ phận xã hội, trong đó có thủ đoạn phát tán tài liệu dưới nhiều hình thức khác nhau, từ rải tờ rơi ở chỗ đông người đến rao bán như hàng hóa trên in-tơ-nét...
Vào thời kỳ trước khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, một trong các thủ đoạn mà thế lực thù địch, thiếu thiện chí với chính quyền ở các quốc gia này đã tiến hành là tìm mọi cách phát tán trong xã hội các tài liệu xuyên tạc, chống đối. Thủ đoạn đó được gọi là “samizdat” và ở thời kỳ đầu, vì chủ yếu liên quan tác phẩm văn học mà “hầu hết bị cấm hoặc có nội dung không phù hợp với các tiêu chí chính trị, xã hội và cả thẩm mỹ mà các cơ quan hữu trách đã đặt ra” cho nên trong tiếng Anh, “samizdat” có nghĩa là “xuất bản lậu những sách bị cấm”. Với Việt Nam, ngay từ đầu, các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí đã sử dụng samizdat như một công cụ xâm nhập, tiến công, lung lạc đời sống tinh thần xã hội. Dần dà họ mở rộng phạm vi, không chỉ phát tán một số tác phẩm nghệ thuật có nội dung như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ rõ là “Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Ðảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Ðảng” mà còn phát tán tài liệu có tính phản tuyên truyền như: “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai… Hạ thấp, phủ nhận các thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Ðảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Ðảng, Nhà nước”. Và khi sự phát triển của in-tơ-nét đã cung cấp một phương tiện truyền bá mới thì các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí cũng rất nhanh chóng tận dụng để phát tán tài liệu loại này qua một số trang mạng, blog, facebook... Mục đích của họ là khuếch tán tài liệu phản tuyên truyền, từ đó len lỏi, thấm dần vào suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Tuy nhiên, vì không phải người nào cũng có thể đọc tài liệu phát tán qua in-tơ-nét, cho nên các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí vẫn tiếp tục sử dụng samizdat với hình thức nguyên thủy là in ấn tài liệu để phát tán. Khi ở Việt Nam máy in, máy phô-tô-cóp-py được mua bán rộng rãi, thì việc in ấn như vậy khá dễ dàng, kẻ xấu có thể tổ chức in ấn ngay tại nhà. Và việc phát tán cũng đã được thực hiện với nhiều cách thức khác nhau, như: gửi qua đường bưu điện, rải tờ rơi tại một vài địa điểm công cộng, dán lên tường, lên gốc cây nơi có nhiều người qua lại, ngang nhiên tụ tập ở nơi đông người để phân phát... Thậm chí gần đây, có người còn “xuất bản” một cuốn sách được ví như “nồi lẩu thập cẩm” về chính trị vì khai thác, nhặt nhạnh từ một số sách vở, địa chỉ trên in-tơ-nét rồi rao bán trên Amazon, và lập tức một số kẻ đã xúm vào ca ngợi, quảng bá!
Có thể nhận diện thủ đoạn truyền bá quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam qua việc họ cắt xén, xuyên tạc Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (Hiến pháp), Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (Tuyên ngôn), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước)... Thí dụ, biện hộ cho hành vi vi phạm pháp luật, họ cho rằng theo Hiến pháp thì “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Thực chất, đó là sự cắt xén nguyên bản, bởi Ðiều 25, Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, tức là Hiến pháp quy định các quyền đó phải thực hiện trên cơ sở pháp luật. Với Tuyên ngôn và Công ước cũng vậy, họ phát tán các tài liệu này để vu khống Việt Nam “vi phạm nhân quyền” nhưng chỉ nhấn mạnh nội dung phù hợp với họ, còn bỏ qua nội dung không phù hợp. Như họ tảng lờ khoản 2, Ðiều 29, Tuyên ngôn xác định: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; khoản 3, Ðiều 18, Công ước xác định: “Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác”; hoặc khoản 3, Ðiều 19, Công ước xác định: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (…) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”. Như vậy, các văn bản kể trên của Liên hợp quốc luôn tôn trọng luật pháp của các quốc gia, coi việc thực thi quyền con người phải đặt trong tương quan với an ninh quốc gia, trật tự công cộng, với trách nhiệm, bổn phận, đạo đức, với quyền của người khác...
Trong bối cảnh các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí đang bày ra nhiều âm mưu, tận dụng mọi hình thức chống phá nhằm gia tăng sự tác động của luận điệu xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, cổ vũ hành vi chống phá chế độ,... vào đời sống xã hội, chúng ta cần thực hiện tốt quan điểm được Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII xác định: Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; và để “chống” có hiệu quả, Nghị quyết chỉ rõ phải: “Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị”. Với hiện tượng lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” để phát tán tài liệu vu cáo, vu khống Ðảng và Nhà nước Việt Nam, cần phải chủ động tuyên truyền rộng rãi, dễ hiểu, dễ nắm được bản chất vấn đề để toàn xã hội thống nhất về mục tiêu, định hướng, bước đi,... phát triển đất nước; kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên có hành vi làm tổn hại lợi ích của xã hội, lợi ích của nhân dân; khách quan và minh bạch trong hoạt động của chính quyền các cấp để củng cố niềm tin của xã hội; xây dựng sách lược thống nhất, phối hợp chặt chẽ, có khả năng dự báo và lường trước mọi luận điệu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, để vừa làm chủ trận địa truyền thông vừa có đối sách thích hợp, nhanh chóng vạch trần và chứng minh, bác bỏ...; cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, nghiêm khắc xử lý mọi hành vi lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” để phát tán tài liệu vu cáo, vu khống Ðảng và Nhà nước. /.
TC

Đăng nhận xét

 
Top