Sau khi kích động tụ tập, tuần hành, gây rối hòng tạo ra các đợt “biểu tình toàn quốc kéo dài”, điểm nóng bạo loạn bị thất bại, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng hai vấn đề Luật An ninh mạng và xây dựng dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt để thực hiện các chiêu trò nham hiểm. Cùng với sự tỉnh táo, rút kinh nghiệm đấu tranh vừa qua, chúng ta cần chủ động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, không để những “bàn tay đen” tiếp tục ném đá giấu tay.



Những thủ đoạn  xuyên tạc, chống phá “hậu biểu tình”
Hiện nay chúng tiếp tục “la làng”, “tát nước theo mưa”, xuyên tạc trắng trợn rằng, việc xử lý những người vi phạm pháp luật vừa qua là “đàn áp dã man” những người biểu tình ôn hòa, yêu nước, kêu gọi đưa vấn đề ra Liên hợp quốc và kêu gọi các tổ chức quốc tế vào cuộc.  
Đặc biệt, sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố ban hành Luật An ninh mạng, chúng tiếp tục thổi phồng đạo luật này nhằm “bịt mồm nhân dân”, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống người dân và vi phạm chính bản Hiến pháp 2013. Từ đó, chúng kêu gọi người dân không chỉ dùng Facebook mà chuyển sang dùng nhiều mạng xã hội khác để “đấu tranh”. Chúng cũng phát động cái gọi là phong trào “bất tuân dân sự” đối với Luật An ninh mạng và sự quản lý của Nhà nước.
Còn đối với dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, mặc dù Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua để có thời gian bổ sung, hoàn thiện nhưng chúng tiếp tục lập luận bậy bạ rằng đây là đạo luật “bán nước”; kích động phải đưa vấn đề này ra trưng cầu ý dân toàn quốc theo Luật Trưng cầu ý dân 2015.
Không dừng lại ở đó, chúng tiếp tục kích động, cho rằng để giải quyết tận gốc của vấn đề thì không chỉ dừng ở đấu tranh cho 1, 2 đạo luật mà phải thực hiện đa nguyên, đa đảng theo mô hình dân chủ phương Tây, lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chúng tiếp tục lợi dụng lòng yêu nước, cổ súy các đợt biểu tình, tuần hành vừa qua bằng những mỹ từ mị dân như “khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân”, “nhiều người trong bộ máy cầm quyền thức tỉnh”… Chúng kêu gọi cần tiếp tục biểu tình phản đối với những chiêu trò mới như gây kẹt xe ở các đô thị, biểu tình trên mạng, hô hào các tổ chức phản động tổ chức biểu tình ở nước ngoài…
Tỉnh táo hơn, chủ động hơn, kiên quyết hơn
Những sự việc gần đây cho thấy, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng thể hiện rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn chính trị; bộc lộ rõ lực lượng, phương tiện, phương thức, âm mưu thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm; có lúc công khai, trực diện, có sự hỗ trợ, tham gia của các đối tượng từ nước ngoài… Từ kích động tuần hành, biểu tình, tạo cớ đẩy lên thành bạo loạn; từ thăm dò phản ứng, hiệu quả ứng phó của cơ quan chức năng, chúng có thể tập dượt để đi tới tổng biểu tình đi kèm bạo loạn lật đổ chính quyền, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Thời gian vừa qua, tuy có địa phương xử lý ban đầu còn chậm trễ, lúng túng, thiếu linh hoạt, thiếu kiên quyết nhưng nhìn chung, chúng ta đã tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, chặn đứng những “bàn tay đen”, không để tình hình phức tạp kéo dài. Dù các thế lực thù địch ra sức cổ súy, ba hoa cho rằng, đó là “thắng lợi lớn” và tiếp tục nhiều lần kêu gọi các đợt “tổng biểu tình toàn quốc” vào các ngày nghỉ sau đó nhưng âm mưu của chúng đã bị ngăn chặn. Đông đảo nhân dân, trong đó có phần lớn người dân ở những nơi từng xảy ra sự cố đã đề cao cảnh giác, đấu tranh, lên án làm thất bại mọi thủ đoạn kích động.
Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá “hậu biểu tình” hiện nay, từ kinh nghiệm thời gian qua, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và nhân dân phải tỉnh táo hơn nữa, cảnh giác hơn nữa, chủ động hơn và kiên quyết hơn trong phòng ngừa, đấu tranh. Cần chủ động nắm chắc tình hình, âm mưu, ý đồ của kẻ xấu để có biện pháp ngăn chặn, dập tắt ngay từ đầu những mầm mống mới phát sinh. Khi có tình huống phải xử lý kịp thời, linh hoạt, mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả. Đối với lực lượng vũ trang (LLVT), phải làm tốt công tác phối hợp theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ LLVT phải gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh và tuyên truyền vận động nhân dân, gia đình, người thân trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Bảo vệ, hoàn thiện pháp luật vì sự phát triển của đất nước
Không phải ngẫu nhiên mà Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 86,86%. Đây là một đạo luật rất cần thiết không chỉ để bảo vệ an ninh quốc gia mà còn nhằm bảo vệ người dân, để có môi trường xã hội phát triển lành mạnh trên không gian mạng.
Theo thống kê, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong top 10 quốc gia bị mất an toàn an ninh mạng. Để giải quyết vấn đề an ninh mạng, hàng chục quốc gia trên thế giới đã ban hành, thậm chí có những quy định khắt khe hơn cả Việt Nam. Tại Đức, Facebook nếu không quản lý tốt để người dân kích động bạo lực, xuyên tạc xúc phạm cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt nặng cả nhà cung cấp và người dùng; thậm chí nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu về lịch sử truy cập lên đến 6 tháng để phục vụ điều tra. Các hành vi bịa đặt, nói xấu và bôi nhọ danh dự hoặc tổ chức, kích động bạo lực trên Facebook, kêu gọi gây rối trật tự công cộng sẽ bị truy tố. Tại Singapore, cơ quan an ninh mạng được phép tiến hành cuộc điều tra và công ty hoặc thực thể bị ảnh hưởng sẽ phải chia sẻ thông tin với cơ quan này trong vài giờ, nếu không sẽ bị phạt khoản tiền lên tới 100.000 SGD Singapore hoặc bị phạt tù đến 10 năm. Tại Thái Lan, Luật Tội phạm máy tính được thông qua từ năm 2016 quy định mức phạt tới 5 năm tù đối với những người đăng tải những thông tin sai sự thật nhằm phá hoại an ninh quốc gia, an toàn công cộng, gây hoang mang dư luận...
Những kẻ xuyên tạc cũng đưa ra không ít thông tin mù mờ, như Luật An ninh mạng sẽ khiến nhiều công ty lớn cung cấp dịch vụ mạng xã hội rời khỏi Việt Nam, sự ngăn chặn dòng chảy thông tin có thể giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Song thực chất, đây là thông tin được tung ra bởi chính những doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh nhưng không đóng thuế, không làm tăng GDP cho Việt Nam nhiều năm qua. Họ đã cản trở Luật An ninh mạng để chậm nghĩa vụ đóng thuế.
Ngược lại, chính việc quản lý chặt chẽ, kể cả việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng và các dữ liệu quan trọng khác tại Việt Nam, đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng là cơ sở phục vụ tốt công tác quản lý doanh nghiệp và bảo vệ người dân. Thực tế, trong quá trình soạn thảo luật, nhiều công ty lớn như Google, Facebook, Amazon đề nghị được làm việc với ban soạn thảo và chính họ đã đồng ý phối hợp cơ quan chức năng Việt Nam. Trong khi đó, một số công ty nước ngoài khác, trong đó có nhiều công ty ở Mỹ đã tìm cách đối phó với hoạt động quản lý mạng chặt chẽ của các quốc gia ASEAN, trọng tâm là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Song hiện nay, đã có 19 quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ quy định về lưu trữ dữ liệu quan trọng quốc gia trong nước. Các quy định của Việt Nam trong luật đã trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, không vi phạm các cam kết quốc tế.
 Còn đối với dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hiện nay Quốc hội đã lùi thời hạn thông qua để có thời gian rà soát, tiếp thu ý kiến của xã hội, tiếp tục hoàn thiện tốt nhất để trình Quốc hội thông qua. Tiếp xúc cử tri gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: Luật Đặc khu (gọi tắt của Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt-PV) thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, có lợi thì thông qua”.
Trên báo chí quốc tế gần đây, đã có nhiều phân tích đáng suy nghĩ về vấn đề này. Thậm chí, BBC, hãng truyền thông từng đăng tải nhiều thông tin thiếu thiện chí về Việt Nam song cũng đã có bài viết đa chiều, trong đó có những ý kiến khách quan về đặc khu kinh tế. Theo đó, kinh nghiệm từ Ba Lan, một đất nước công nghiệp hóa thành công, từ "bán lông thú đi lên bán máy móc" hiện còn 14 đặc khu kinh tế. Tiến sĩ Beata Glinkowska, Đại học Lodz (Ba Lan) cho rằng, ở Trung và Đông Âu, trong đó có Ba Lan, đặc khu kinh tế trở thành công cụ biến đổi kinh tế. Đặc khu kinh tế phổ biến ở nhiều nước, hỗ trợ phát triển kinh tế. Các quốc gia cần tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và các điều kiện cần minh bạch”. Tiến sĩ Arpita Mukherjee, Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ cho rằng, nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, hiện đang cổ vũ cho đặc khu kinh tế. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi có khoảng trống hạ tầng, các đặc khu này cung cấp hạ tầng tuyệt hảo để thu hút đầu tư (cả trong nước và nước ngoài) và công nghệ. Ban đầu, có thể có biểu tình nhưng chốt lại, chính sách đặc khu là có lợi nhưng phụ thuộc vào cách thiết kế và nội dung cụ thể”.
Những ý kiến nêu trên phần nào cho thấy, xây dựng các đặc khu kinh tế là chủ trương đúng chứ không phải là mô hình “lỗi thời, lạc hậu”, thậm chí bôi đen rằng là để “bán nước” như những luận điệu xuyên tạc. Vấn đề là việc hoàn thiện dự án luật phải làm sao cho thật chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả, không để các lỗ hổng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và để các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Thượng tôn pháp luật, không chấp nhận cái gọi là “bất tuân dân sự”
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, được Chủ tịch nước ký lệnh ban hành thì đạo luật đó phải được tôn trọng, thực thi. Theo Bộ Công an, từ nay đến khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, còn có tới 25 nghị định và thông tư được thông qua. Vì thế, không thể tiếp tay cho các thế lực xấu phá hoại sự thượng tôn pháp luật bằng những thông tin vu vơ, không có cơ sở.
Còn với dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, người dân có quyền được tiếp tục góp ý để Quốc hội hoàn thiện. Chúng ta tin tưởng rằng, dự án luật sẽ được hoàn thiện tốt nhất, tiếp thu đầy đủ nhất mọi góp ý, không để tồn tại những sơ hở, thiếu sót phương hại đến an ninh quốc gia. Nhưng những góp ý phải trên cơ sở tìm hiểu dự thảo luật và có cơ sở khoa học, không tiếp tay cho sự xuyên tạc, kích động, phá hoại đất nước. Không thể dựa trên những bịa đặt vô căn cứ và những ý kiến phiến diện, không đúng quy định của Luật Trưng cầu ý dân để kêu gọi phải trưng cầu ý dân để thông qua dự án luật.
Mặt khác, cũng cần cảnh giác với cái gọi là bất tuân dân sự trước Luật An ninh mạng. Bất tuân dân sự với nguồn gốc là một phong trào đấu tranh từ đầu thế kỷ 20 chống thực dân về sau trở thành phong trào người dân phản kháng những đạo luật không công bằng. Nhưng gần đây, nó đã bị biến tướng gắn với các cuộc “cách mạng nhung” ở Đức, Tiệp Khắc, “cách mạng hoa hồng”, “cách mạng cam” ở Liên Xô (cũ)… Gần đây, các thế lực thù địch đang tìm cách du nhập nó về Việt Nam, kêu gọi nhen nhóm bất tuân dân sự bằng việc lợi dụng một số quy định của pháp luật hay vấn đề thu phí đường bộ… Tuy nhiên, ngay cả luật sư từng có nhiều hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước cũng từng phải thừa nhận, không nên cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật khi “bất tuân dân sự”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động” nhưng cũng chỉ rõ: “Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”. Pháp luật nước ta chỉ hạn chế quyền tự do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Chúng ta ủng hộ phản biện xã hội chân chính để hoàn thiện pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật nhưng cái gọi là bất tuân dân sự để cổ súy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi.
VT

Đăng nhận xét

 
Top