Tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người được công nhận bằng văn bản luật. Chất lượng bảo đảm quyền tự do báo chí là thước đo thực hành dân chủ, là “gương mặt” thể hiện trình độ khoa học, pháp luật và văn hóa của mỗi quốc gia. Tự do báo chí là tự do thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật; mọi hành động lợi dụng tự do báo chí phục vụ cho những mưu đồ xấu, vi phạm dân chủ, đạo đức và thuần phong mỹ tục, pháp luật nhất thiết phải bị nghiêm trị.
Hiện nay, bằng nhiều thủ đoạn, phương tiện khác nhau, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Việt Nam, nhất là trong bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Chúng tìm mọi cách tác động Quốc hội Hoa Kỳ và các nước phương Tây, tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên, như: Báo cáo Nhân quyền thế giới hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế: Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ). Đồng thời, lôi kéo một số chính khách cực đoan trong Quốc hội Hoa Kỳ, Anh, Ca-na-đa, Úc,… tổ chức điều trần, hội thảo,…; tổ chức ra các tờ báo, kênh phát thanh - truyền hình và lập hàng nghìn báo điện tử, blog phản động bằng tiếng Việt,… với mục đích vu khống Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, là bởi “Nhà nước Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do In-tơ-nét”, v.v. Cần khẳng định rằng: đây là những cáo buộc vô căn cứ, không chỉ xuyên tạc quyền tự do báo chí ở Việt Nam, mà còn vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người, quyền công dân, cũng như pháp luật Việt Nam. Thực chất các luận điệu của họ là làm cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu lầm rằng: tự do báo chí là một quyền tuyệt đối; cổ súy các phần tử cơ hội, bất mãn, các đối tượng chống đối chế độ lợi dụng quyền tự do báo chí để tăng cường các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.
Ai cũng biết, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người. Song, thực hiện quyền đó ra sao lại phải căn cứ vào quy định của các điều ước quốc tế; truyền thống văn hóa, đạo đức, chế độ xã hội và hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia. Đó là tất yếu khách quan mà mỗi tổ chức và cá nhân ở bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam đều phải tuân thủ. Mọi hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận xâm phạm tới quyền và lợi ích của mọi cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia, dân tộc là vi phạm pháp luật và nhất thiết bị nghiêm trị. Có như vậy, quyền tự do báo chí mới được sử dụng một cách thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tích cực với xã hội theo tinh thần “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Nếu, Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc (Tuyên ngôn) khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ những ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có biên giới”, thì Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn lại chỉ rõ: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (Công ước), tại Khoản 2, Điều 19, khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia” và Khoản 3, Điều 19, Công ước chỉ rõ: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.
Việt Nam thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong Tuyên ngôn, Công ước; đồng thời, căn cứ vào thực tiễn đất nước đã cụ thể hóa thành những quy định trong hệ thống luật pháp để mọi tổ chức và công dân thực hiện. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”1. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên) và các Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung (1959, 1980, 1992, 2013) của nước ta, đều khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; Điều 25, khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016,… gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018. Điều 1, Luật Báo chí năm 2016, chỉ rõ “Phạm vi Điều chỉnh: Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí”. Đây là sự luật hóa quyền tự do báo chí và xác lập nội dung luật pháp tương ứng, nhằm tạo điều kiện bảo đảm tốt nhất cho việc thực thi quyền tự do báo chí của mỗi tổ chức, cá nhân. Điều 10, Luật Báo chí 2016, quy định công dân có quyền tự do: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in. Điều 11 của Luật, quy định công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí, như: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Điều 12 của Luật quy định: cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích; trường hợp không đăng, phát phải trả lời, nêu rõ lý do khi có yêu cầu; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Điều 13 cũng quy định rõ: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền này và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận báo chí tự do “ngoài vòng pháp luật”. Những cá nhân, tổ chức lợi dụng báo chí để “tự do” xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lịch sử, kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ, gây hận thù, truyền bá chủ nghĩa ly khai, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước, tung ra những thông tin, hình ảnh khiêu dâm, kích dục độc hại không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc,… sẽ bị nghiêm trị. Ngay ở Hoa Kỳ, một quốc gia vốn được coi là “đất nước của tự do báo chí”, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Hoa Kỳ nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Hoa Kỳ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.
Như vậy, luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều thừa nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của mọi tổ chức, cá nhân, nhưng cũng khẳng định, đó không phải là quyền “tự do tuyệt đối”. Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân.
Thực tế cho thấy, với chủ trương, đường lối nhất quán, nhân văn của Đảng, chính sách “đúng và trúng”, hệ thống pháp luật chặt chẽ, mang tính khoa học, thực tiễn của Nhà nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Hiện nay, Việt Nam có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, làm việc ở gần 900 cơ quan báo chí đủ các loại hình từ truyền thống đến hiện đại. Các cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại và đội ngũ nhà báo luôn “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” đang hằng ngày, hằng giờ chuyển tải thông tin trong nước và quốc tế một cách khách quan, trung thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân trong cuộc sống. Báo chí còn là diễn đàn, phương tiện phản biện xã hội tích cực, tham gia có hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, tiến bộ. Vì thế, báo chí Việt Nam thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là phương tiện kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, công cụ bảo vệ lợi ích xã hội và quyền, nghĩa vụ của người dân. Cùng với đó, qua In-tơ-nét, người dân Việt Nam còn được tiếp nhận những thông tin nhiều chiều từ những hãng thông tấn, báo chí lớn, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg, AFP, AP, Reuters, Kyodo, v.v. Nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế đánh giá: Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển In-tơ-nét hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng xã hội. Hiện tại, Việt Nam có 50 triệu người sở hữu tài khoản Facebook; trong đó, 30 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động và là quốc gia có lượng người dùng In-tơ-nét lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á. Đây là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, tự do In-tơ-nét ở Việt Nam; đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của nền báo chí Việt Nam hiện đại, cách mạng đã khẳng định: “Tự do tư tưởng. - Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tư do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của con người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.
Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”2.
Như vậy, cả về lý luận, thực tiễn và pháp lý đều khẳng định, tự do báo chí thực chất là thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật.
Đăng nhận xét