Chắc hẳn kiện vượt cấp là từ ngữ không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, kể cả những người chưa từng phải đi kiện lần nào. Kiện vượt cấp xảy ra phổ biến hơn đối với các vụ việc, vụ án hành chính, liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước.
Vậy kiện vượt cấp nếu đối chiếu thực tế với các quy định của pháp luật, nên hiểu đó là như thế nào?
Kiện vượt cấp thực ra chính là việc chủ thể khiếu nại chưa đúng người có thẩm quyền giải quyết. “Kiện” nếu xét theo từ ngữ dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật, thường được hiểu là việc chủ thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, thông thường việc khởi kiện ra Tòa án, ngoài việc quy định khá rõ ràng vế thẩm quyền trong Bộ luật Tố tụng dân sự, thì nếu như chủ thể khởi kiện nộp đơn lên Tòa án không đúng thẩm quyền, thì Tòa án sẽ hướng dẫn người khởi kiện ngay khi họ nộp đơn. Thêm vào đó, cũng do tính chất và đặc thù của việc khởi kiện ra Tòa án nên không có nhiều trường hợp được cho là kiện vượt cấp. Vì vậy, kiện vượt cấp có thể gọi một cách chính xác hơn là “khiếu nại vượt cấp”.
Theo quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo 2011 thì:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến việc khiếu nại của công dân đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Khiếu nại vượt cấp, sẽ liên quan chủ yếu đến 2 chủ thể, đó là Người khiếu nại và Người giải quyết khiếu nại. Để cho dễ hiểu hơn, tôi sẽ lấy ví dụ:
Ông A và ông B đang có tranh chấp một thửa đất tại quận X, thành phố Y, thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ). Khi tranh chấp chưa được 2 bên giải quyết, UBND Quận X đã có Quyết định giao thửa đất đó cho ông B quản lý, sử dụng. Ông A cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nên đã khiếu nại Quyết định giao đất của UBND Quận X.
Như vậy trong ví dụ trên, ông A chính là Người khiếu nại, UBND Quận X chính là người bị khiếu nại. Còn ai là người giải quyết khiếu nại, đó chính là câu trả lời cho câu hỏi có việc khiếu nại vượt cấp hay không.
Câu trả lời nằm ở Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 về Trình tự khiếu nại, cụ thể như sau:
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Như vậy có thể thấy rằng, đối với quyền khởi kiện ra Tòa án, người khiếu nại có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Nhưng thông thường, vì một số lý do khác nhau, người khiếu nại sẽ chưa thực hiện việc khởi kiện ngay từ lần đầu, mà đa số họ sẽ chọn hình thức khiếu nại. Và nếu ngay từ lần đầu, người khiếu nại đã gửi đơn khiếu nại cho Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc cấp trên cao hơn nữa thì đó được coi là khiếu nại vượt cấp hay chính là “kiện vượt cấp” mà mọi người vẫn thường nhắc đến.
Quay trở lại ví dụ trên:
- Người giải quyết khiếu nại lần 1 của ông A chính là: UBND Quận X
- Người giải quyết khiếu nại lần 2 của ông A chính là: UBND thành phố Y
Vậy nên nếu như ông A khiếu nại lần 1 đến Chủ tịch UBND thành phố Y thì đó chính là khiếu nại vượt cấp.
Trường hợp ông A khiếu nại lần 1 đến Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Thủ tướng chính phủ, đó cũng có thể coi là khiếu nại vượt cấp.
Giải pháp khi có ý định kiện vượt cấp
Bất cứ người nào khi đã khiếu nại vượt cấp đều không ngoài mong muốn vụ việc của mình được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định, mong được nghe những lời giải thích hợp tình, hợp lý từ phía cơ quan nhà nước hay ít ra là vụ việc của mình đến được với những lãnh đạo cao nhất của đất nước. Tuy nhiên liệu việc khiếu nại vượt cấp có thực sự đáp ứng được những mong muốn trên của người khiếu nại hay không?
Nguyên nhân của việc khiếu nại vượt cấp là do đâu:
Trước tiên phải khẳng định rằng, khiếu nại vượt cấp là hành vi không đúng theo quy định của pháp luật nhưng không phải hành vi bị nghiêm cấm hoặc bị xử phạt, lại càng không phải hành vị phạm tội.
Nguyên nhân của việc khiếu nại vượt cấp theo kinh nghiệm thực tế của tôi, có một số nguyên nhân sau:
- Người giải quyết khiếu nại không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định, không triệt để, không khách quan, không minh bạch.
- Thái độ tiếp công dân của người giải quyết khiếu nại không đúng mực, không tôn trọng người khiếu nại
- Vụ việc có thể đã được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật nhưng vì cho rằng đã làm đúng quy định nên người giải quyết khiếu nại không giải thích cụ thể để người khiếu nại hiểu rõ.
- Người khiếu nại khi không được đáp ứng yêu cầu thì cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc muốn yêu cầu những quyền lợi cao hơn những quyền lợi mình được hưởng
- Việc giải quyết khiếu nại có thể có lý, đúng quy định nhưng đôi khi quá cứng nhắc, chưa có tình, chưa áp dụng những tập quán truyền thống và lâu đời của địa phương.
Bất cứ người nào khi đã khiếu nại vượt cấp đều không ngoài mong muốn vụ việc của mình được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định, mong được nghe những lời giải thích hợp tình, hợp lý từ phía cơ quan nhà nước hay ít ra là vụ việc của mình đến được với những lãnh đạo cao nhất của đất nước. Tuy nhiên liệu việc khiếu nại vượt cấp có thực sự đáp ứng được những mong muốn trên của người khiếu nại hay không? Tôi sẽ phân tích theo quan điểm của tôi dưới đây
- Khi khiếu nại vượt cấp, đơn của người khiếu nại sẽ được chuyển đến bộ phận tiếp nhận đơn của Cơ quan đó (UBND tỉnh, các Bộ, văn phòng thủ tướng, văn phòng chủ tịch nước…), khi nhận đơn, bộ phận tiếp nhận thường sẽ chỉ đọc sơ qua nội dung vụ việc, còn điều đầu tiên và quan trọng mà bộ phận này quan tâm đó là Cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết hay không.
- Sau khi xem xét đơn đã được nộp đúng nơi, đúng thẩm quyền hay chưa, nếu chưa đúng (mà phần nhiều là chưa đúng), họ sẽ làm phận sự và trách nhiệm của mình đó là chuyển đơn về đúng địa chỉ, nói cách khác là chuyển đơn về đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc họ chỉ ra văn bản trả lời với nội dung hướng dẫn công dân nộp đơn ở đâu để người dân mang về nộp. Đó là họ đã làm đúng trách nhiệm của mình.
Như vậy, nếu nộp đơn khiếu nại vượt cấp, chắc chắn phần lớn những lá đơn đó sẽ không đến được với người mà người khiếu nại mong muốn đọc (chằng hạn Chủ tịch nước, Thủ tướng…). Quan trọng là, quá trình kể từ lúc nộp đơn đến lúc ra được kết quả nêu trên, không phải chỉ vài ngày mà có thể lên đến 1-2 tháng. Như vậy người khiếu nại vượt cấp đã mất 2 tháng chỉ để nhận được kết quả là phải nộp đơn về đúng thẩm quyền.
Vấn đề này đang dần được cải thiện một cách tích cực trong thời gian gần đây, kể từ khi Luật tiếp công dân 2013 có hiệu lực (01/7/2014)
Quy trình giải quyết khiếu nại vượt cấp như vậy thực ra là phù hợp và hợp lý đối với việc quản lý nhà nước, nếu như không giải quyết khiếu nại theo trình tự như vậy, thì sự tồn tại của bộ máy quản lý nhà nước cấp địa phương sẽ trở nên vô nghĩa, và riêng việc xử lý đơn thôi cũng có thể khiến cho những người đứng đầu các cơ quan nhà nước ở trung ương không còn thời gian đi làm các công việc khác.
Vậy khi không may rơi vào một vụ việc mà người khiếu nại mong muốn khiếu nại vượt cấp vì cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm hoặc vì quá bức xúc với cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, người khiếu nại nên làm thế nào, có thể tham khảo một số cách giải quyết sau đây:
– Người khiếu nại nên nộp đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết đồng thời có thể nộp nhiều đơn khác đến các cơ quan khác nếu muốn. Cách làm này cũng đã được nhiều người khiếu nại áp dụng, làm như vậy vừa đạt được mong muốn “vượt cấp” của mình (mặc dù như tôi đã phân tích ở trên, thường là mục đích chính sẽ khó đạt được), lại vừa đảm bảo thời gian giải quyết vụ việc theo quy định. Khi nộp đơn khiếu nại lần 2 hoặc nộp đơn khởi kiện ra Tòa án, người khiếu nại cũng có thể áp dụng cách làm này. Thực ra việc nộp đơn đồng thời như vậy chỉ là cách làm có tác dụng chính về tinh thần, để người khiếu nại yên tâm về mặt tâm lý còn cách làm này cũng không nên khuyến khích.
– Người khiếu nại ngoài việc nộp đơn, để thúc đẩy việc giải quyết nhanh hơn và hiệu quả hơn, người khiếu nại có thể đồng thời liên hệ phản ánh vụ việc với các cơ quan truyền thông như báo, báo mạng, đài phát thanh, truyền hình… bằng cách liên hệ với bộ phận phụ trách đơn thư khán giả/bạn đọc, cũng có thể liên hệ trực tiếp với phóng viên, nhà báo… Cách làm này thường có hiệu quả với những vụ việc lớn, trọng điểm, có ảnh hướng rộng trên một địa bàn, ảnh hưởng đến nhiều người dân, đến chủ trương, chính sách của nhà nước. Đối với những vụ việc khiếu nại nhỏ, đơn lẻ cũng có thể có tác dụng nhất định.
Người khiếu nại có thể thực hiện đồng thời các phương pháp trên, nhưng nhất thiết phải có một phương pháp theo đúng quy định và trình tự của pháp luật.
– Về việc có nên khởi kiện ra Tòa án hay không và nên thực hiện vào thời điểm nào, về vấn đề này theo quan điểm của tôi, người khiếu nại nên thực hiện việc khiếu nại lần đầu và chưa nên khởi kiện ra Tòa ngay từ lần đầu. Mục đích của việc khiếu nại này là để biết được quan điểm và thái độ của người bị khiếu nại, cũng chính là người giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu xét về thời gian thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là khoảng 30-45 ngày, trong khi đó thời gian từ lúc nộp đơn khởi kiện đến lúc vụ án được đưa ra xét xử thường lâu hơn thế, có trường hợp lâu hơn rất nhiều. Kể cả khi vụ việc khá rõ ràng về đúng-sai, theo tôi vẫn nên thực hiện khiếu nại lần đầu mà chưa nên khởi kiện ngay.
Sau khi nhận được hoặc không nhận được văn bản hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, khi đó tùy khả năng đánh giá tình hình và tính chất của vụ việc, người khiếu nại có thể lựa chọn khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện.
Lưu ý quan trọng: Trong cùng 1 giai đoạn và dù ở bất cứ giai đoạn nào thì việc khiếu nại hành chính và khởi kiện ra Tòa hành chính không bao giờ được thực hiện đồng thời, nếu làm vậy sẽ chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Bạn chỉ được lựa chọn 1 trong 2 mà thôi.
|
Tất nhiên là không một nhà nước nào muốn thấy tình trạng kiện vượt cấp, tôi nghĩ người dân cũng vậy thôi, bức xúc quá rồi họ mới phải kiện vượt cấp, khiếu nại vượt cấp. Đối với một luật sư như tôi thì tham gia và theo một vụ án hành chính bao giờ cũng có thời gian kéo dài lâu nhất và nhiều vấn đề nhất. Mặc dù biết đó là quy trình nhưng nhiều khi tôi cũng cảm thấy rất muốn “kiện vượt cấp” cho thân chủ!
Thực ra nếu nói về các vụ việc hành chính, để giải quyết được hiệu quả, tôi vẫn đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông hơn cả, đó là nơi phản ánh được vụ việc đến với những người cần đến một cách nhanh nhất và xác thực nhất.
Đăng nhận xét