Nhân vụ việc liên quan đến tình hình ở bãi Tư Chính, có nhiều ý kiến khác nhau về cách thức chỉ đạo thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, trong đó có không ít ý kiến đầy ác ý, chủ bại, xin lược lại một “bài học thấm thía về vấn đề nguyên tắc và vận dụng sách lược khi viết bài đưa lên báo, lên đài” (lời của cố Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm).
Chuyện rằng, cuối tháng 2-1946, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Sainteny, sau khi Chính phủ Pháp và Chính phủ Tưởng Giới Thạch ký với nhau một thỏa hiệp ở Trùng Khánh (Trung Quốc), rồi đầu tháng 3-1946, được tin Hồ Chí Minh và Sainteny sắp ký một hiệp định gì đó, bọn phản động liền đưa xe rêu rao là Hồ Chí Minh bán nước cho Pháp, đầu hàng Pháp… Không thể im lặng trước hành vi ngang ngược của chúng, nhà báo Trần Lâm liền viết bài Tại sao Pháp phải điều đình với Việt Nam? Bài viết thận trọng không đả động gì đến các luận điệu xấu xa của bọn Việt quốc, Việt cách mà chỉ phân tích sở dĩ Pháp phải điều đình với ta vì ở chiến trường miền Nam, chúng đang bị thua đau (binh sĩ chết nhiều, các cơ sở kinh tế bị phá hoại…), bên Pháp thì phong trào phản chiến lên cao… Theo Trần Lâm, mục đích của bài viết này là để giải thích cho nhân dân yên tâm, vì tin đàm phán đã lọt ra ngoài, nếu để quần chúng nghe tin thất thiệt, xuyên tạc của bọn phản động, dư luận có thể sẽ hoang mang.
Bài bình luận được phát vào buổi thời sự 18g ngày 3-3-1946, thì ngay sáng hôm sau, 4-3, Giám đốc Trần Lâm đã nhận được điện thoại của Bác Hồ hỏi: Ai viết bài bình luận phát 18g chiều qua? Ông Trần Lâm nói là mình viết thì được Bác gọi sang Phủ Chủ tịch nói chuyện. Sang bên đó, nhà báo Trần Lâm giật mình khi được Bác cho biết: Tối qua, sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài bình luận, Sainteny đã điện thoại cho Bác, phản đối kịch liệt và tuyên bố cắt đứt cuộc đàm phán đã sắp đi đến thỏa thuận. Lý do Sainteny trách Bác Hồ, một mặt thì đàm phán, mặt khác lại dùng đài phát thanh để nhục mạ nước Pháp, nói là vì Pháp thua đau mà phải đàm phán với Việt Nam…[1] Bác Hồ phê bình Trần Lâm là còn trẻ người non dạ[2] và liều lĩnh tự động viết bài về ngoại giao có tầm quan trọng như vậy. Trần Lâm nghe vậy thì vô cùng lo lắng vì sợ làm hỏng việc lớn của Chính phủ. Nhưng sau đó, bằng cách nỗ lực ngoại giao, Hiệp định Sơ bộ 6-3 đã được ký kết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp Sainteny…
Câu chuyện kể trên quả thực là một bài học sâu sắc về công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là với các vấn đề ngoại giao, chủ quyền, vốn ít nhiều liên quan đến vận mệnh của đất nước.
Trở lại vấn đề của bãi Tư Chính, đến thời điểm này chúng ta thấy rõ là đã có sự đe dọa chủ quyền hết sức nghiêm trọng từ phía Trung Quốc. Trong nhiều ngày liên tục, họ đã đưa tàu thăm dò địa chất và các tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu dân quân biển hộ tống đến bãi Tư Chính, khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Trong suốt thời gian đó, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật để bảo vệ vùng biển Việt Nam. Việc các cơ quan chức năng và báo chí trong nước chưa có thông tin cụ thể về vụ việc này hoàn toàn nằm trong các tính toán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, gắn trực tiếp với đối sách của Việt Nam về vấn đề của bãi Tư Chính, cũng như chiến lược bảo vệ biển đảo. Việc làm này cũng không phải là sự bưng bít, che đậy thông tin như một số kẻ đã rêu rao. Trên thực tế, vụ việc trên cũng được thông tin rất hạn chế trên truyền thông khu vực và thế giới, chủ yếu qua một vài bài viết có tính phỏng đoán là chính chứ không có các thông tin được kiểm chứng xác thực. Và, chưa thông tin cụ thể không có nghĩa là các lực lượng chức năng của nước ta không thực thi các quyền của mình một cách hợp pháp!
Bởi trên thực tế, ít nhất bằng con đường ngoại giao công khai, chúng ta đã có những bước đi thích hợp và được thế giới đánh giá là mềm dẻo, khôn ngoan và hiệu quả. Đầu tiên, ngày 16-7-2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên”.
Đến ngày 19-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”. Người đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam còn cho biết phía Việt Nam “đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau” như trao công hàm phản đối yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực…
Tiếp đó, ngày 25-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời hoan nghênh đóng góp tích cực của cộng đồng quốc tế. Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".
Dĩ nhiên, cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam ở bãi Tư Chính không chỉ có con đường ngoại giao. Chúng ta đều hiểu từ lúc xảy ra vụ việc và lúc chưa có thông tin gì về vụ việc thì các lực lượng chấp pháp của Việt Nam (lực lượng cảnh sát biển, hải quân…) đã có mặt tại thực địa, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh này, họ phải thể hiện lòng dũng cảm, sự mưu trí, sự tuân thủ chặt chẽ các chỉ đạo của cấp trên, sự linh hoạt trong các hành xử… trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Một số lực lượng khác (như không quân, tên lửa…) cũng được đặt trong tình huống sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, các hoạt động đấu tranh khác thông qua nhiều cách thức khác cũng được tiến hành khẩn trương, ráo riết. Chỉ có điều, tất cả những điều đó không thể được thông tin một cách cụ thể, chi tiết, công khai.
Bất kỳ cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước ta trong hoàn cảnh nào, thời kỳ nào cũng cần có sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân cả nước, trong đó chủ lực là lực lượng vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với lịch sử diễn ra các hoạt động bảo vệ đất nước trong thời gian qua, nhân dân ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào đường lối, sách lược lãnh đạo của Đảng. Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam trong bất kỳ tình huống nào cũng không thể hy sinh chủ quyền của quốc gia, dân tộc, bởi điều đó cũng đồng nghĩa với sự tự từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình.
Trong bối cảnh phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước ở giai đoạn hiện nay, bên cạnh các tình huống cam go của các vụ việc, dường như còn có sự nhiễu loạn đến từ các “anh hùng bàn phím”, các nhà “rận chủ”, các thế lực thù địch. Nên nhắc lại bài học thông tin, tuyên truyền ở thời kỳ đầu cuộc đấu tranh chống Pháp sau khi giành được độc lập cũng là cần thiết để mỗi người thêm củng cố lòng tin và nâng cao tinh thần cảnh giác!
Đăng nhận xét