Một vụ tranh chấp liên quan đến mạng xã hội vừa diễn ra có thể để lại nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo thông tin trên báo chí, ngày 21-8-2019, vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Trường mầm non Hoàng Ngọc (quận Thủ Đức) với bị đơn Nguyễn Huy Hoàng được TAND TP.HCM xử phúc thẩm. Trong đơn khởi kiện, trường cho rằng, khoảng giữa năm 2016 ông Hoàng dùng Facebook tài khoản Henry Nguyễn đăng bài Ai có con em học ở trường nầm non Hoàng Ngọc thì cẩn thận, trường đang dùng nước giếng khoan gần nghĩa địa cho các cháu dùng. Theo nguyên đơn, việc ông Hoàng đăng tin không đúng sự thật khiến 11 phụ huynh rút hồ sơ không cho con theo học, khiến nhà trường thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Do đó, trường yêu cầu ông Hoàng bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai.
Phía ông Hoàng phủ nhận là chủ nhân Facebook Henry Nguyễn, không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn. TAND quận Thủ Đức đã đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM hỗ trợ xác minh tài khoản Henry Nguyễn là của ai, và truy xuất một số hình ảnh liên quan tài khoản này... Tuy nhiên, cơ quan giám định cho biết không đủ khả năng thực hiện các yêu cầu của tòa.
Tháng 5-2019, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm, bác yêu cầu của trường mầm non Hoàng Ngọc, bởi không cung cấp được chứng cứ xác định ông Hoàng là chủ tài khoản Henry Nguyễn. Không đồng ý với phán quyết này, nguyên đơn kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, các bên giữ nguyên quan điểm như phiên sơ thẩm. Ông Hoàng cho rằng nguyên đơn không chứng minh được ông là người đăng thông tin "nói xấu" nhà trường trên Facebook nên không đồng ý bồi thường và xin lỗi. Quan điểm này được tòa phúc thẩm chấp thuận. Theo Tòa, trường mầm non không cung cấp được chứng cứ các cháu bé nghỉ học là do Henry Nguyễn đăng thông tin lên Facebook, không chứng minh được tài khoản này do ông Hoàng tạo lập. Do đó, tòa bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.
Tính đúng sai của vụ việc này đã có tòa án ra phán quyết. Nhưng từ đây cho thấy, có thể có một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin, hình ảnh vu khống, bịa đặt, xúc phạm để tổ chức, cá nhân hoặc xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được. Đó là tình trạng người dùng mạng xã hội mạo danh người khác, hoặc lập ra tài khoản ảo hay tài khoản không thể xác định được chủ nhân thực sự, hoặc đột nhập vào tài khoản của người khác, hoặc lợi dụng các nhóm, fanpage để đăng tải thông tin có dụng ý riêng… Chẳng hạn, một người nào đó có thể sử dụng thông tin, hình ảnh của một cá nhân (có thể được nhiều người biết đến) để lập một tài khoản mới mang tên người đó, rồi kết bạn với nhiều người, sau đó đăng những thông tin sai trái nhằm bôi nhọ, xúc phạm ai đó; khi cá nhân bị xúc phạm khởi kiện thì cơ quan chức năng có thể không xác định ai đã làm việc đó nên không thể xử lý đến nơi đến chốn, khiến “khổ chủ” chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt. Hay một người bằng cách nào đó chiếm tài khoản (hack) của người khác rồi dùng tài khoản đó đăng những thông tin sai trái, khi bị phát giác cũng rất khó tìm ra thủ phạm thực sự để xử lý. Hoặc cũng có người lập tài khoản mà không để lại bất kỳ thông tin cá nhân nào hoặc các thông tin đó là giả để nhắn tin công kích người khác, đăng tải thông tin bị đặt, vu không người khác… thì không phải trường hợp nào cũng tìm ra được “chính chủ” để xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng trường hợp một thành viên lợi dụng fanpage hoặc diễn đàn để đăng tải thông tin không đúng sự thật, có thể xem xét đến trách nhiệm của người quản trị (admin) nhưng cũng chưa đầy đủ nếu không tìm cho ra thủ phạm thực sự…
Những điều đó là khe hở của mạng xã hội mà kẻ xấu có thể lợi dụng. Trên thực tế, thời gian qua những vụ việc tương tự xảy ra không hiếm, mà phần đông người bị thiệt hại chỉ lờ đi hoặc dùng “biện pháp kỹ thuật” để tự xử là chính (như tìm cao thủ hacker để đánh sập tài khoản đó hoặc lấy lại tài khoản của mình, hoặc sử dụng biện pháp “báo cáo” (report) với bên cung cấp dịch vụ mạng xã hội để họ đóng tài khoản đó hoặc rút nội dung sai trái). Như vậy, trong nhiều trường hợp, thủ phạm vẫn nhởn nhơ, không thể bị chế tài theo quy định của pháp luật, người bị hại không thể được bồi thường do những mất mát từ hành vi sai trái đó gây ra.
Hành vi “ném đá giấu tay” của một số người dùng mạng xã hội có thể gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, có khi không chỉ cho một cá nhân hay tổ chức cụ thể. Chẳng hạn, trường hợp thông tin bịa đặt (fake news) về một vụ tai nạn nghiêm trọng (vỡ đê chẳng hạn[1]) hay một vụ bệnh dịch[2] hoặc cách hành xử của một nhân viên công quyền[3] – thực tế các vụ việc này đã từng xảy ra – thì hậu quả có thể rất nặng nề, do nhiều người dân hoang mang hoặc uy tín của cơ quan công quyền bị xâm hại… Trong khi đó, với tính chất “ẩn danh” khá kín như thế, việc tung tin giả hay công kích người khác vẫn diễn ra thường xuyên mà các biện pháp xử lý vẫn còn hạn chế.
Hiện nay nước ta đã có Luật An ninh mạng để điều chỉnh hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện các vi phạm pháp luật. Thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở, trong khi ý thức người sử dụng chưa phải tất cả đều tích cực. Nếu các mạng xã hội của Việt Nam được sử dụng rộng rãi và có tính năng tốt có thể góp phần khắc phục tình trạng này, do máy chủ và bộ phận quản trị đều ở trong nước, các hành vi sai trái có thể dễ bị phát hiện. Đây là một đòi hỏi cấp thiết để góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, chứ không phải là biện pháp kiểm soát tự do cá nhân như một số kẻ đã rêu rao. Trên thực tế, nếu tự do cá nhân bị đánh đồng với tự do đả kích, xúc phạm người khác, tự do bịa đặt, xuyên tạc sự thật… thì tự do ấy cần phải được hạn chế, để bảo đảm các quyền tự do hợp pháp, chính đáng của người khác!
ST
[1] Ngày 22-7-2018, tài khoản Facebook “Vi Phượng” đăng tải một số hình ảnh về tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Sau đó, tài khoản “Ngoc Tuấn Lương” đã bình luận: “Đê Mường Mộc cách Nậm Nô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay…”. Chủ tài khoản này tên là L.N.T., trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An), là kỹ sư tổ sửa chữa Nhà máy Thủy điện Nậm Mô, sau đó bị phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng vì hành vi đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
[2] Ngày 24-3-2019, bà T.T.T.H. (ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị phạt số số tiền 10 triệu đồng vì đã đăng tải bài viết sai sự thật về việc 800 con heo bị dịch bệnh đã được chôn sau đó đào lên để bán, gây nhiều hoang mang và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của địa phương.
[3] Ngày 23-7-2019, tại địa bàn tiểu khu 2, thị trấn Thiệu Hóa (Thanh Hóa)xảy ra vụ xô xát, ẩu đả giữa 2 nhóm thanh niên. Chứng kiến vụ việc, L.V.S. đã chụp ảnh và đưa lên trang facebook cá nhân với dòng trạng thái “Trưởng Công an huyện Thiệu Hóa bị xúc hội đồng... các anh chơi lớn quá” nhưng hoàn toàn sai sự thật, nhằm mục đích câu like, nên bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng.
Đăng nhận xét