Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, trong đó nêu việc có 10 nước trên thế giới trong diện theo dõi về chính sách tiền tệ, riêng Thụy Sĩ và Việt Nam rơi vào diện những nước "thao túng tiền tệ".



"Thao túng tiền tệ" (currency manipulation) - một cụm từ mà mới đọc qua dễ khiến người ta cảm thấy "lạnh gáy". Tuy nhiên, việc bị "gán mác" này thực chất là rủi ro mà quốc gia nào giao thương với Mỹ cũng phải đối mặt.

Có 3 tiêu chí mà phía Mỹ căn cứ để nhận diện một quốc gia bị cho là thao túng tiền tệ. Một quốc gia bị vướng vào 2 trong 3 chỉ tiêu trên được liệt vào danh sách thao túng tiền tệ; thời hạn xem xét chỉ 6 tháng 1 lần.

Trước sự việc nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, "quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm mục đích hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại".

Trong thông cáo chính thức của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng nhấn mạnh: "Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia".

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Chúng ta hy vọng và tin tưởng, hai bên sẽ có hướng giải quyết phù hợp và tới đây, Mỹ sẽ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Mỹ là một thị trường tiêu dùng khổng lồ, đương nhiên, sự cạnh tranh ở thị trường này rất lớn. Những năm gần đây, cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ đã dần chuyển từ thâm hụt sang thặng dư; mức thặng dư thương mại cũng không ngừng cải thiện.

Nhìn ở góc độ tích cực và đơn thuần trên phương diện số liệu, hàng hóa Việt Nam sang Mỹ ngày càng nhiều và chúng ta có quyền tự hào "Made in Vietnam" đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Tuy vậy, trong nỗ lực để giải quyết vướng mắc, chúng ta cũng cần rà soát lại vấn đề thương mại. Bên cạnh tạo điều kiện tăng nhập hàng Mỹ chất lượng cao nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ thì cần chống lại tình trạng "đội lốt", "mượn đường" xuất khẩu của những nước khác.

Điều quan trọng là lợi ích quốc gia, lợi ích chân chính của doanh nghiệp Việt. Bảo vệ "Made in Vietnam" là bảo vệ thương hiệu quốc gia, bảo vệ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động Việt.

Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump có khẩu hiệu "Make America great again" (làm nước Mỹ vĩ đại trở lại). Còn chúng ta, thiết nghĩ cũng cần khiến "Made in Vietnam" ngày càng trở nên mạnh mẽ, khẳng định vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế bằng chất lượng của mình, để ngay cả trường hợp bị đánh thuế cao hơn và giá cao hơn thì vẫn được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng./.

 

Đăng nhận xét

 
Top