Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng gần 40 năm, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.



Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận đánh giá thẳng thắn, khách quan kết quả của công cuộc đổi mới, thì lâu nay một số phần tử cơ hội, bất mãn, trở cờ, phản động lại ra sức tuyên truyền, rêu rao những luận điệu sai lệch, xuyên tạc về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội là quái thai của nhân loại, là một bước thụt lùi của lịch sử; rằng học thuyết về hình thái kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa của Mác – Lênin đã lỗi thời, là đồ bỏ đi trong thế giới hậu công nghiệp ngày nay; hiện nay, chỉ còn một vài nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên...

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và bổ sung, từng bước hoàn chỉnh đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Nói như Đảng ta, thì con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội đã rõ nét hơn. Đường lối này đã được thực tiễn khẳng định là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tế đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đem lại những thành tựu to lớn, không chỉ được nhân dân Việt Nam ghi nhận mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới vào năm 1986, trải qua 37 năm vừa làm vừa nghiên cứu, tổng kết và bổ sung, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý, đó là kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức khá, bình quân hơn 7% trong giai đoạn 1986-2016, thậm chí trong 2 năm liên tiếp 2021, 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nhiều quốc gia chao đảo, tăng trưởng âm thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 2%. Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng trở thành thị trường thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp. Các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập trên khắp cả nước, thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh quốc tế, kể cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục và y tế... Như vậy, có thể khẳng định, mặc dù mô hình chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, song lý luận về hình thái kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa của Mác, Ăng-ghen và Lênin vẫn còn nguyên giá trị, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Chính trị đã và đang chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn 40 năm đổi mới, nhằm nhận thức sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn, trong quá trình đổi mới đất nước mà Đảng ta đã tổng kết được, góp phần tiếp tục làm sáng tỏ, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH; tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Do đó, những hành động chống phá và những luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động là hết sức phản khoa học, không ngoài mục đích là làm suy yếu, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Đăng nhận xét

 
Top