Những năm gần đây, để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch thường sử dụng một thủ đoạn mới mang tên "bất tuân dân sự". "Bất tuân dân sự" thể hiện tư tưởng cực đoan, "vô chính phủ", đang được lợi dụng gắn với cái gọi là xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.
Thuật ngữ "bất tuân dân sự" lần đầu tiên xuất hiện
trong tập tiểu luận của Henry David Thoreau-nhà văn, nhà tư tưởng người Mỹ-với
nhan đề "Dân sự bất hợp tác", vào tháng 5/1849. Nội dung cơ bản của
tập tiểu luận bàn về mối quan hệ giữa cá nhân (hoặc thiểu số công dân) với nhà
nước. Theo đó, cá nhân (hoặc thiểu số công dân) có thể không tuân thủ, không
phục tùng nhà nước; thậm chí, có thể thực hành chống lại luật pháp của nhà nước
nếu cảm thấy những điều luật đó không phù hợp với người dân, kể cả là với thiểu
số, bằng phương pháp "cách mạng hòa bình".
Thực chất đây là quan điểm cực đoan, "vô chính phủ"
của một kẻ vốn là phạm nhân (H.D. Thoreau viết tập tiểu luận này nhằm biện minh
cho việc ông ta phải ngồi tù ở bang Massachusetts vì tội không đóng thuế).
Ở Việt Nam, hoạt động "bất tuân dân sự" đã diễn ra từ
nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành "phong trào" nguy hại trực tiếp
đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu không nhận diện và đấu tranh
kịp thời...
Những năm gần đây, có một số vụ việc mang bóng dáng "bất
tuân dân sự", như: "Bất tuân cưỡng chế" của một số đối tượng khi
giải phóng mặt bằng ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đắc Nông, Gia Lai...;
"bất tuân" quy định về thành lập hội (nhóm), đòi lập các tổ chức xã
hội dân sự (thực chất là phản động trá hình) như "Hội anh em dân
chủ", "Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam", "Hội cựu tù nhân
lương tâm Việt Nam", "Hội văn đoàn độc lập Việt Nam", "Hội
nhà báo độc lập Việt Nam", "Mạng lưới Blogger Việt Nam"...; lợi
dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, dự án Luật Đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các đối tượng phản
động, thù địch đã kích động, lôi kéo người dân tham gia tuần hành, biểu tình,
chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản các trụ sở chính quyền, gây thiệt
hại lớn về tài sản, kinh tế, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội; vụ đình công phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 diễn ra tại
một số tỉnh, thành phố; lợi dụng phản đối trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang
năm 2017, trong đó một số lái xe quá khích đã đưa xe đến giữa trạm rồi bỏ đi; lợi
dụng sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục
địa Việt Nam tháng 5/2014 để kích động biểu tình, tuần hành, đập phá các doanh
nghiệp...
“Bất tuân dân sự" được tổ chức ngày càng chặt chẽ, được một
số tổ chức phản động nước ngoài như Việt Tân, Voice hậu thuẫn. Chúng lợi dụng
các vấn đề dân sinh còn có hạn chế, khuyết điểm khiến người dân bức xúc để làm
suy giảm niềm tin, tích tụ thêm mâu thuẫn của người dân đối với chính quyền,
với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng thông qua đó để tập hợp, xây dựng, phát
triển lực lượng, hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính quyền. Đồng
thời, gắn kết chặt chẽ giữa "bất tuân dân sự" với "xã hội dân
sự", sử dụng các tổ chức "xã hội dân sự" để chỉ đạo, điều hành
"bất tuân dân sự".
Thủ đoạn chủ yếu là tiếp tục sử dụng các chiêu bài "tự
do", "dân chủ", "nhân quyền"; triệt để lợi dụng các
vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, các sự kiện, vụ việc, những sơ hở, bất
cập của ta trong quá trình triển khai các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội,
đối ngoại... để đẩy mạnh tuyên truyền chống phá; lôi kéo, kích động nhân dân tụ
tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng;
phát triển lực lượng cốt cán, xây dựng "ngọn cờ"; tiến hành tập dượt
các kịch bản đấu tranh chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn...
Ở Việt Nam những năm qua để bảo đảm các quyền của người dân Đảng
và Nhà nước luôn xác định các quyền tự do, dân chủ luôn là các quyền thiêng
liêng, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam
luôn quan tâm đến việc bảo đảm sự tham gia của người dân vào các hoạt động của
Nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền giám sát, phản biện xã hội của các chủ thể;
Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ
thể, ủng hộ phản biện xã hội chân chính để hoàn thiện chính sách, pháp luật,
xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, cũng giống như các nước khác,
mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và cũng đồng nghĩa là tự
do bao giờ cũng trong khuôn khổ của pháp luật, không có tự do vô bờ bến.
Do đó, việc lợi dụng cái gọi là "bất tuân dân sự" để
cổ xúy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật, cổ xúy cho việc gây trở ngại
đến hoạt động công quyền cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi và nhận diện
và đấu tranh với các thủ đoạn "bất tuân dân sự" hiện nay là nhiệm vụ
cấp bách của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân./.
Đăng nhận xét