Cám dỗ hiện diện trong muôn mặt đời sống. Nó dẫn dụ, quyến rũ con người vào chỗ lầm đường, lạc lối, có khi vì tiền bạc, vì quyền lực, hoặc vì cảm giác mới lạ. Hấp lực của cám dỗ mạnh đến nỗi cuốn không ít người vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, lạc thú... không có điểm dừng, đẩy người ta đến chỗ tâm chẳng an, thân chẳng lành. Cám dỗ là nguồn cơn khiến bao người sa ngã, tổn thương về thể xác, hủy hoại về tinh thần, chôn vùi thanh danh và sự nghiệp, đổ bể hạnh phúc gia đình, phát sinh nhiều vấn nạn xã hội.



Tiền bạc là thứ có ma lực ghê gớm với nhiều người, thậm chí với rất nhiều người. Biết ma lực của đồng tiền, những người tỉnh táo bao giờ cũng có thái độ đúng mực với tiền bạc, tránh xa cám dỗ của đồng tiền bất lương. Không lường được hậu họa của tiền bạc, nhiều người thoạt đầu chỉ tìm kiếm thu nhập để thỏa mãn nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình, rồi dần bị cuốn vào cạm bẫy của đồng tiền tội lỗi. Có người lao vào cơn khát tiền bạc như con thiêu thân, vượt lên cả nỗi sợ luật pháp và bất chấp luân thường đạo lý. Ma lực tiền bạc có khi khiến người ta chấp nhận đánh mất cả phẩm giá làm người; đánh đổi cả tình nghĩa vợ - chồng, cha - con, anh - em; bỏ lại phía sau tình cảm bạn bè, đồng chí. Tiền bạc vốn là thứ để phục vụ con người, thế mà thói đời nhiều khi sức cám dỗ của nó lại biến không ít người thành nô lệ của đồng tiền, quay cuồng trong cơn khát tiền bạc, lúc hấp hối vẫn còn luyến tiếc những phi vụ làm ăn dang dở. Càng lao vào kiếm tiền một cách bất chính thì dường như sức cám dỗ của tiền bạc càng lớn, không có điểm dừng, chẳng khác nào con tàu không phanh, gây nhiều tật bệnh hằn lên cơ thể xã hội.

Quyền lực cũng có sức cám dỗ không kém gì tiền bạc. Người đức cao vọng trọng thì xem quyền lực là phương tiện để thực hiện khát vọng cống hiến cho mục đích công lợi. Người kém phẩm hạnh lại xem quyền lực là đích đến phải tranh đoạt bằng mọi giá để thỏa mãn tham vọng chính trị, trục lợi cá nhân. Vì thứ quyền lực vô đạo ấy, có người sẵn sàng tranh giành bằng mọi thủ đoạn, từ mua quan bán tước đến hãm hại cả người tài đức, chính trực. Càng có quyền lực thì sức cám dỗ càng lớn khi được dịp bắt người khác phải phục tùng, khi có nhiều kẻ luồn cúi, rào trước, đón sau, mồi chài những thứ hấp dẫn để hối lộ, mua chuộc. Khi quyền lực hình thành bằng con đường không chính đáng và mang lại những lợi lộc bất chính thì ma lực của quyền lực càng tăng lên, khiến người ta sử dụng trăm phương ngàn kế để níu giữ quyền lực.

Còn vô số cám dỗ mang khuôn mặt đời thường, từ những nhu cầu sinh lý bản năng, những hấp lực của xã hội tiêu dùng mà các nhà sản xuất và tiếp thị hàng hóa luôn tìm cách thỏa mãn thị hiếu khách hàng, những lạc thú kích thích cảm giác mới lạ, đến nhu cầu lướt web vào thế giới “ảo” dễ gây nghiện trong thời đại kinh tế số, xã hội số... Sa ngã vào cạm bẫy của cám dỗ nhiều khi người trong cuộc khó nhận biết, nó như sợi dây thòng lọng trói buộc người ta, lúc đầu chỉ nhẹ nhàng rồi dần bị siết chặt.

Cám dỗ giống như mạng nhện giăng lưới mọi lúc, mọi nơi, chờ đợi người ta sa vào bất cứ lúc nào nếu mất cảnh giác. Nó không buông tha bất cứ ai, không phân biệt giàu hay nghèo, nam hay nữ, thường dân hay người có địa vị xã hội, chờ cơ hội là tấn công vào điểm yếu con người. Chỉ một giây phút bất cẩn là rơi vào cạm bẫy do cám dỗ giăng ra, làm hại cả cuộc đời, có khi thân bại danh liệt, có khi bị đẩy vào chốn tù tội mà khi tỉnh ngộ thường thì quá muộn.

Nguy hiểm của cám dỗ là nó được ngụy trang khéo léo, nó đánh lừa người ta bằng những chiêu bài hoa mỹ dễ nhầm lẫn giữa “hạnh phúc” với “lạc thú”, giữa “tự do” với “buông thả”, giữa “khát vọng” với “tham vọng”, giữa “động lực” với “ma lực”, giữa “đam mê” với “nghiện ngập”, giữa “phóng khoáng” với “phóng túng”, giữa “cầu” và “nhu cầu”... Nhầm lẫn ấy đẩy người ta vào nơi lầm đường, lạc lối.

Những người sống theo bản năng, dễ dãi với chính mình, thiếu năng lực tự chủ bản thân thường nhanh chóng đầu hàng trước sức tấn công quyến rũ của cám dỗ. Còn những người can đảm, giàu nghị lực, đủ năng lực tự chủ bản thân khiến cho cám dỗ run sợ, chùn bước, thất bại. Thắng bại trước cám dỗ tùy thuộc khả năng kiểm soát, hướng dẫn ham muốn của mỗi người. Ham muốn vừa là nhu cầu tự nhiên của con người, vừa là hiện tượng xã hội. Tiêu diệt ham muốn là suy nghĩ không thực tế, là hành vi tiêu cực, vì nó triệt tiêu luôn cả động lực phát triển. Thái độ và con đường đúng đắn là phải kiểm soát, hướng dẫn, điều tiết và hướng dẫn ham muốn.

Không một phút được lơ là, mất cảnh giác trước cám dỗ, không được “thả phanh” ham muốn! Người đủ dũng khí bao giờ và ở đâu cũng luôn tìm mọi cách vượt qua cám dỗ như lời Bác dạy, rằng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”, “không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên”.

Tu dưỡng, rèn luyện suốt đời là phương cách quan trọng bậc nhất để chống lại cám dỗ, kiểm soát ham muốn. Tu dưỡng, rèn luyện của người cách mạng không phải là ép xác, tiêu diệt ham muốn, rơi vào lối sống khắc kỷ, mà là rèn luyện bản lĩnh đối mặt với cám dỗ. Lấy lý trí để kiểm soát cảm xúc; lấy đạo đức, lương tri hướng dẫn nhu cầu, tiết chế ham muốn không vượt qua “lằn ranh” pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội; lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần để sử dụng quyền lực sáng suốt và có trách nhiệm, tiêu dùng vật chất thông thái, hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Rèn dũng khí đối mặt với những điểm yếu của chính mình mới nhìn xuyên thấu gốc rễ đẩy người ta rơi vào cạm bẫy do cám dỗ giăng ra. Phải tỉnh táo, cảnh giác, lường trước mọi khả năng cám dỗ tấn công. Không ngừng hoàn thiện phương thức quản trị bản thân, nghiêm khắc với chính mình, không được phóng túng, buông thả, nêu cao ý thức tự chủ trước mọi hoàn cảnh. Đó cũng chính là bản lĩnh sẵn sàng vượt qua mọi thách thức của người cán bộ, đảng viên để không ngừng hoàn thiện năng lực, phẩm chất và nâng cao uy tín lãnh đạo, dẫn đạo./.

 

Đăng nhận xét

 
Top