Thời gian qua, không ít các đối tượng phản động, phạm tội, bất mãn thường xuyên chế giễu, chê bai hệ thống pháp luật Việt Nam, khi chúng thực hiện hành vi phạm tội, bị pháp luật xử lý thì luôn cho rằng quy định của pháp luật là bất công, dùng “luật rừng” với chúng.



Mới đây, trên trang VOA Tiếng Việt có đăng 01 bài viết thể hiện sự thiếu hiểu biết về hệ thống pháp luật Việt Nam, trang này cho rằng: “Sở dĩ bên cạnh luật hình sự còn phải có bộ luật tố tụng hình sự vì thiếu sự rõ ràng về trình tự, thủ tục, hoạt động điều tra - truy tố - xét xử sẽ trở thành tùy tiện, không bảo đảm sự công bằng, tính nghiêm minh khi thực thi - bảo vệ pháp luật và tạo ra oan sai” và cho rằng cả bộ máy liên ngành tư pháp từ Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án đang “công khai” vi phạm tố tụng hình sự và có “trợ giúp” lẫn nhau.

Trước hết, phải nói là người viết thật sự thiếu hiểu biết hoặc có hiểu biết nhưng vì động cơ, mục đích nào đó mà cố tình xuyên tạc về hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là đối với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại sao lại có 02 Bộ luật này?

Luật Hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, xác định những hành vi nào nguy hiểm cho xã hội là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với các tội phạm. Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Bộ luật Tố tụng hình sự ra đời và luôn kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, mang tính khả thi cao, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện cũng như đảm bảo được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình. Các cơ quan, người tiến hành tố tụng và tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng pháp luật được chính xác, đúng đắn, góp phần đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. Ở Việt Nam, việc cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định, quy trình, thủ tục tố tụng là để đảm bảo mọi hoạt động tố tụng đều được quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, tránh oan, sai và lạm dụng quyền hạn.

Bộ luật hình sự là quy định pháp luật về nội dung; Bộ luật tố tụng hình sự là quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện; mỗi bộ luật có nhiệm vụ, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích chung là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Cả hai Bộ luật này đều công khai, minh bạch, quy định mọi thứ rất cụ thể, rõ ràng, được in ấn, xuất bản rộng rãi trên toàn quốc, tất cả mọi người dân đều được tuyên truyền hoặc tự nghiên cứu, tìm hiểu thông qua sách, báo cũng như các phương tiện thông tin, đại chúng, như vậy chẳng phải mọi hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng được nhân dân gián tiếp kiểm tra, giám sát hay sao? Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự dành riêng một chương là Chương XXXIII quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình và cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ luật Hình sự cũng có hẳn một chương quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Ngoài Công an, Việt Kiểm sát, Tòa án còn có các cơ quan, tổ chức và Nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; có Luật sư, người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; có Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng…; làm gì có chuyện cả một liên ngành tư pháp từ Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án có thể “hỗ trợ” nhau cùng “vi phạm tố tụng” một cách công khai và bình thường. Tội phạm đến đâu thì xử lý đến đó; Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Những người tiến hành tố tụng có sai phạm cũng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.

ST

Đăng nhận xét

 
Top