Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đang ngày càng được bảo đảm tốt hơn và pháp luật quy định về vấn đề này ngày càng chặt chẽ và bảo đảm quyền lợi của người dân về vấn đề này, cụ thể:



Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được nhà nước quy định tại Điều 24 Hiến pháp 2013, cụ thể như sau:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Quyền này cũng được quy định chi tiết tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 như sau:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Do đó, những năm qua để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình đối với Việt Nam các thế lực thù địch đã tấn công chúng ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tôn giáo được đối tượng tấn công, chống phá mạnh nhất và nhiều nhất. Để thực hiện âm mu của mình các đối tượng thường gắn với vấn đề nhân quyền, dân chủ với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp từ đó xuyên tạc, vu cáo “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo”.

Với những luận điệu vu cáo và đánh giá thiếu khách quan ít nhiều khiến một bộ phận công chúng trong và ngoài nước hiểu chưa đúng về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, tạo “cớ” để những tổ chức, cá nhân thù địch lợi dụng nhằm chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó những phần tử cực đoan trong một số tôn giáo, sử dụng nhiều phương tiện, cách thức, thủ đoạn, như: Lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các Đài phát thanh - truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để một mặt ra sức tán dương “tự do tôn giáo” ở các nước phương Tây, mặt khác lại trắng trợn vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, đòi “hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước”... Những luận điệu trên hoàn toàn xa lạ với thực tiễn đời sống tôn giáo đa dạng, phong phú, tự do tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, với các luận điệu: “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, một số thủ đoạn phổ biến xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà các thế lực thù địch sử dụng nhiều dưới các hình thức tinh vi, gồm:

(1) Chúng tìm mọi cách để đưa giáo hội vào các cuộc chiến chính trị. Một mặt chúng thúc giục các giáo hội ủng hộ các đảng phái đồi lập hoạt động chống Ðảng Cộng Sản.

(2) Lợi dụng mạng Internet, lập các trang website, mạng xã hội để phát tán, đăng tải các bài viết, hình ảnh, video clip xuyên tạc chính sách tôn giáo, bôi nhọ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi thu hút được nhiều người quan tâm, được nhiều bạn trẻ chia sẻ, những website này chuyển sang phát tán những thông tin phản động, phiến diện, một chiều” nhằm đẩy mạnh hoạt động phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo, kích động quần chúng đòi tự do tôn giáo…

(3) Khơi dậy, khoét sâu những mâu thuẫn, những vấn đề tôn giáo và dân tộc; tìm cách “chính trị hóa” vấn đề tôn giáo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo.

Như vậy có thể thấy, những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đều nhằm mục đích làm cho nhân dân ta “tự diễn biến”, hình thành các nhân tố, các lực lượng, khuynh hướng chống CNXH trong lòng xã hội ta, kích động gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, dùng quần chúng để làm suy giảm hiệu lực của chính quyền.

Với việc nhận thức quy định của pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề này để chống phá đòi hỏi mỗi người dân cần tỉnh táo khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, không nghe và tin theo những luận điệu xuyên tạc của chúng, qua đó gây chia rẽ mất đoàn kết giữa người theo tôn giáo và không theo tôn giáo và giữa theo đạo với nhau, từ đó mất niềm tin vào Đảng và chính quyền các ấp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như âm mưu của các thế lực thù địch và xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng vấn đề này để chống phá cách mạng Việt Nam./.

 

Đăng nhận xét

 
Top