Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, người dân có thể khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thông qua đó thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.



Điều 30 Hiến pháp năm 2013: Quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo hoặc làm hại người khác”

Những năm qua, dưới sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở pháp luật; góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, dẫn đến tình hình khiếu kiện và vấn đề này ngày càng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó nội dung khiếu nại, tố cáo của người thời gian qua chủ yếu liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường...

Vấn đề trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: (1) Những khó khăn, bức xúc, mâu thuẫn từ cơ sở chưa được phát hiện kịp thời và giải quyết thỏa đáng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu đồng bộ, thống nhất; (2) Công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương có lúc, có nơi bị buông lỏng hoặc yếu kém, sơ hở, thiếu chặt chẽ, kỷ cương hành chính chưa được tuân thủ tốt... (3) Một bộ phận công dân hiếu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, có những đòi hỏi vượt quá mức quy định của pháp luật, cá biệt có trường hợp bị xúi giục, kích động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để nhằm mục đích gây rối an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân sâu xa là các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của người dân đặc biệt là các trường hợp khiếu kiện cực đoan, chây lỳ để móc nối, lôi kéo, kích động, tập hợp người dân tập trung đông người khiếu kiện, gây mất ANTT dẫn đến bạo loạn, cách mạng màu, cách mạng đường phố ở nước ta.

Qua công tác đấu tranh của các cơ quan chức năng và thực tế công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cao của người dân có thể thấy, nhiều vụ việc phức tạp đứng đừng sau là có sự tham gia hậu thuẫn, chỉ đạo của các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, như: Việt Tân, Triều đại Việt, Liên minh Việt Nam tự do... Chúng thông qua các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước lợi dụng tâm trạng bức xúc cùng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để kích động, xúi giục, lôi kéo họ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu kiện, tập trung đông người nhằm gây rối ANTT... thời điểm các thế lực thù địch đặc biệt lợi dụng là khi trong nước diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các diễn đàn hợp tác quốc tế; lợi dụng bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, xuất hiện những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia... để kích động, lôi kéo người dân ở các địa phương xảy ra tranh chấp, khiếu kiện hoặc người dân có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải đi khiếu kiện..., tụ tập tham gia tuần hành, xuống đường biểu tình trái pháp luật.

Thủ đoạn của các đối tượng là: Kêu gọi quyên góp từ các cá nhân, tổ chức có thù địch với Việt Nam để gửi vào trong nước; sử dụng tiện ích của Internet, mạng xã hội để thành lập các trang, hội nhóm kích động, tập hợp, lôi kéo những người có chung quan điểm để khiếu nại, tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; hướng dẫn người dân viết đơn, thư khiếu kiện, làm băng rôn, khẩu hiệu, kéo đến trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp để gây sức ép; hướng dẫn cách liên lạc, đối phó với cơ quan chức năng đặc biệt là lực lượng Công an khi tiến hành cưỡng chế, đưa những đối tượng quá khích, gây rối trật tự công cộng về trụ cơ cơ quan công an xử lý...

Nhận diện rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần chú ý thực hiện một số nội dung sau:

- Cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và các văn bản chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo điều kiện trong việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương về những chính sách phát triển kinh tế - xã hội để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực, phản động; đồng thời tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai sự thật của các thế lực thù địch, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.

- Các cơ quan chức năng bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích, tiếp và giải quyết những kiến nghị, khiếu kiện của người dân bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và trên cơ sở giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân thì bên cạnh đó cũng củng cố chặt chẽ hồ sơ, tài liệu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những kẻ cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, người dân tụ tập đông người tại các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp gây mất an ninh, trật tự./.

 

Đăng nhận xét

 
Top