Tự cho mình thông tuệ hơn người, một số trí thức từng có thời gian du học, làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng hoạt động phản biện xã hội, lớn tiếng chỉ trích, bỉ bai, quy chụp... lãnh đạo Đảng, Nhà nước.



Đi sâu vào những luận điểm của cái gọi là “phản biện”, “hiến kế” ấy, chúng ta thấy thực chất đó chỉ là kiểu tư duy của “thầy bói xem voi”. Nó là một dạng của “căn bệnh” ảo tưởng trên không gian mạng, rất nguy hại...

Ảo tưởng bản thân và tư duy quy chụp

“ATSM” (ảo tưởng sức mạnh) là cách dùng từ của một bộ phận giới trẻ trên không gian mạng, chỉ những người thích chơi trội, thích gây chú ý để được nổi tiếng. Bám vào một chút sở trường hoặc kiến thức chuyên môn nào đó, những người “ATSM” thường lên mạng xã hội khoe mẽ, thể hiện bản thân, lên mặt dạy đời. Tuy nhiên, với không gian tương tác đa chiều, nhiều người trong số họ không thể lòe bịp thiên hạ và nhanh chóng bị “bóc phốt”.

Trên nhiều diễn đàn về tâm lý xã hội, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý đã cảnh báo, ảo tưởng bản thân nếu không sớm được ngăn ngừa, chữa trị, sẽ rất nguy hại. Trước hết là về phía cá nhân những người này sẽ có diễn biến tâm lý phức tạp, dễ dẫn đến những dạng bệnh lý về tâm thần, hoang tưởng, trầm cảm... Về phía xã hội, biểu hiện “ATSM” làm cho môi trường văn hóa trên không gian mạng bị ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến tâm lý cộng đồng.

Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số cá nhân có biểu hiện như vậy. Cá biệt trong đó có một số thành phần trí thức. Họ là người có năng lực, được đào tạo căn bản, đi du học, có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa-nghệ thuật và đã đạt những thành tích đáng kể. Trang cá nhân của họ trên các nền tảng mạng xã hội có lượng người theo dõi, tương tác khá lớn. Chính vì vậy, khi họ bị “ATSM”, lên tiếng chỉ trích, quy chụp chính trị, sự ảnh hưởng, tác động xấu đến tâm lý cộng đồng là không hề nhỏ...

Thời gian qua, dư luận không gian mạng chú ý đến một nhân vật từng là nhà báo khá nổi tiếng và cũng không ít tai tiếng. Sau thời gian đi du học ở nước ngoài trở về nước, những năm gần đây, ông này xuất bản một số tác phẩm văn học, báo chí với những góc nhìn phiến diện, võ đoán, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc. Đáng tiếc, hành động sai trái rất đáng lên án này lại nhận được sự cổ xúy, tán dương của nhiều đối tượng cực đoan, bất mãn chính trị và các thế lực thù địch.

Sự tung hô đầy toan tính này khiến ông này bị ảo tưởng, tự cho mình uyên bác hơn người. Ông liên tục thực hiện các bài viết trên mạng xã hội với nội dung ám chỉ, quy chụp, hạ thấp uy tín, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Với lối tư duy thiếu thiện chí, ông này thường lấy các mô hình quản trị xã hội của một số nước phương Tây so sánh với Việt Nam rồi lên giọng dạy đời, bỉ bai, quy chụp, cho rằng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đang “lỗi thời”, “lạc hậu”, “đi thụt lùi”... Muốn phát triển, Việt Nam cần áp dụng, học tập mô hình quản trị của các nước phương Tây.

Hiện tượng trí thức mắc hội chứng “ATSM” như trên không phải cá biệt. Sau gần 40 năm đất nước đổi mới, hội nhập, đời sống xã hội đã xuất hiện không ít hiện tượng tương tự. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ những hiện tượng này, đó là: “Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước...”; “... Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan...”.

Phòng ngừa, ngăn chặn bằng cách nào?

Cần thấy rõ rằng, trong thời gian gần đây, bằng sức mạnh, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, thông qua dư luận tiến bộ và cả những biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, những hiện tượng nêu trên đã giảm đáng kể. Có nhiều người sau khi nhận ra sai lầm đã biết ăn năn, hối cải, trở thành công dân tốt, là nhân tố tích cực được dư luận đánh giá cao trên không gian mạng. Đáng chú ý là sau khi một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam, trên không gian mạng đã có nhiều ý kiến của các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng lên tiếng bày tỏ sự đồng tình, đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm minh. Đây là những biểu hiện tích cực của dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận trong giới tinh hoa, có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng.

Thực tế này đã góp phần khẳng định, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị do Đảng ta thực hiện đã có tác động ngày càng tích cực đến đời sống xã hội, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chính vì vậy, việc xây dựng, nhân rộng, cổ vũ các nhân tố tích cực trong giới tinh hoa và đời sống xã hội để tạo sức mạnh văn hóa, tinh thần, cảm hóa, thức tỉnh những bộ óc đã và đang bị "ATSM" chính là giải pháp chủ yếu, căn cơ, bền vững, cần được coi trọng ngay từ cơ sở. Đó cũng chính là cách để chúng ta “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy hoa thơm lấn át cỏ dại”, “lấy xây để chống”... trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc, dao động.

Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã đánh giá: Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nâng lên; nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan những cán bộ, đảng viên vi phạm... có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa chung...

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, bên cạnh coi trọng giáo dục, thuyết phục, cảm hóa bằng dư luận tiến bộ, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, làm đến nơi đến chốn những đối tượng cố tình vi phạm, vi phạm có hệ thống, gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh các phong trào, chương trình, kế hoạch hành động hướng đến Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Cả nước hướng đến chào mừng các ngày lễ lớn: Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024); 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024); 95 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 / 3-2-2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2025) và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025)...

Chuỗi sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống văn hóa, tinh thần, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới. Trong môi trường đó, chúng ta cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện những âm mưu lợi dụng phản biện xã hội để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước bằng kiểu tư duy ám chỉ, quy chụp, thiếu thiện chí.

Khi xuất hiện các hiện tượng này, cần lấy dư luận tích cực để thuyết phục, giáo dục, cảm hóa; đồng thời sẵn sàng các biện pháp nghiêm trị, răn đe những đối tượng cố tình đi ngược lại lợi ích quốc gia-dân tộc bằng mưu đồ đen tối. Đảng, Nhà nước ta luôn sẵn sàng lắng nghe, đón nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản biện mang tinh thần xây dựng; kiên quyết không thể chấp nhận kiểu phản biện ám chỉ, quy chụp, thiếu thiện chí...

 St

Đăng nhận xét

 
Top