Chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary cách đây 45 năm là một dấu mốc đáng nhớ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của nhân dân Việt Nam; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, gắn bó khắng khít hơn tình hữu nghị giữa hai nước.



Chiến thắng đó còn thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Thắng lợi đó khẳng định, đoàn kết là truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam, tạo thành một sức mạnh vô địch để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù kẻ thù đó có hùng mạnh và tàn bạo đến đâu.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, xung quanh cuộc chiến này đã có những đối tượng phản động, thù địch, trong đó có cả đối tượng xét lại lịch sử phía Campuchia đã xuyên tạc cho rằng “Cuộc tấn công của quân đội Việt Nam (giải phóng Campuchia) là cuộc chiến tranh xâm lược”; Việt Nam đã xâm lược Campuchia năm 1978”. Đây là những quan điểm sai trái nhằm kích động tâm lý thù hằn dân tộc, gây mâu thuẫn trong quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia.

Nhìn lại sự kiện quân tình nguyên Việt Nam tham gia giải phóng Campuchia có một số nét chính sau:

Ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, gần 3 triệu người Campuchia đã bị giết chỉ trong khoảng 3 năm. Chúng xóa sổ cả nền văn hóa, văn minh của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm, đẩy cả dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt vong. Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sari xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; gây ra những tội ác đẫm máu đối với nhân dân ta (đỉnh điểm là chúng tấn công đảo Phú Quốc; tấn công đảo Thổ Chu, bắt và giết hại dã man hơn 500 dân thường). Tháng 4/1977, chúng đã điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta; đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, từ ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng Lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công, tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Pol Pot. Ngày 7/01/1979, Quân tình nguyện Việt Nam và Lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia đã giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pol Pot và chế độ diệt chủng ở Campuchia.

Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari gây ra. Chiến thắng đã khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam, là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong. Đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot cũng đã góp phần giữ vững hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.

Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/11/2018, Phiên tòa Bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Pol Pot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với Campuchia.

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì Bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật” và “Nếu không có ngày 07/01/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay.

Đồng thời, ngày 20/6/2024, Thủ tướng Hun Manet đã chủ trì Lễ kỷ niệm về hành trình của cựu Thủ tướng Hun Sen dẫn tới việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo của Pol Pot. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hun Manet nói: "Hôm nay là một sự kiện lịch sử mà chúng ta không nên quên; thay vào đó, chúng ta nên học hỏi và tiếp tục bảo vệ hòa bình vì sự phát triển của Campuchia". Ông Hun Manet cảm ơn nhân dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam vì sự giúp đỡ và đóng góp của họ cho việc giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Ông cũng ca ngợi mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước: "Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ sự tham gia của Quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia đã giúp đỡ Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc". 

Với ý nghĩa cuộc chiến thắng và mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia trong nhiều năm qua đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên, người dân cần nhận thức và nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ của các thế lực thù địch, qua đó để không ngừng tăng cường hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” vì lợi ích của Nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia; vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới./.

 

Đăng nhận xét

 
Top