Những ngày qua, các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Bangladesh, Venezuela và Myanmar chuyển từ biểu tình chống chính phủ sang xung đột vũ trang và sắc tộc tràn lan trên không gian mạng thông qua các nền tảng như Facebook, Telegram, Youtube đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài nước. Lợi dụng vấn đề này các thế lực thù địch và các tổ chức, phần tử phản động lưu vong đã tung tin xuyên tạc, sai sự thật, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm kích động những người thiếu hiểu biết để thực hiện âm mưu “cách mạng màu” tại Việt Nam.



Như mọi người đã biết, cách mạng màu (tiếng Anh là colour revolution) là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài...

Đối tượng của “cách mạng màu” trước đây hết sức đa dạng. Trước đây, để thực hiện "cách mạng màu" các đối tượng thường nhắm đến các quốc gia theo chế độ XHCN thì hiện nay “cách mạng màu” còn diễn ra ở các nước có chế độ đa nguyên, đa đảng với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo do Mỹ và phương Tây điển hình là một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi hay khu vực Đông Âu là Gruzia, Ukraine… từ đó các quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn chính trị, kinh tế thì kiệt quệ, lệ thuộc vào Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Những cuộc biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang theo hướng “cách mạng màu” nói trên, có thể thấy chính không gian mạng là một trong những phương tiện truyền thông quan trọng được các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối triệt để lợi dụng nhằm tung tin xuyên tạc, kêu gọi, tổ chức tập hợp người dân, ban đầu là theo các phong trào đường phố, tiến tới đi đến bạo loạn, tấn công lực lượng cảnh sát, quân đội, gây tê liệt, sụp đổ chính quyền. Từ đó, các thế lực thù địch dựng lên những chính quyền tay sai không có quyền lực thực tế hoặc đất nước bị xâu xé bởi những phe phái chính trị, vũ trang sắc tộc, tôn giáo…

Ở Việt Nam, từ lâu các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề đang được dư luận quan tâm như ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đất đai, chủ quyền biển đảo, các đối tượng đưa ra các thông tin sai trái, xuyên tạc “chính quyền đàn áp dân”, từ đó kêu gọi tụ tập gây rối, biểu tình, bạo loạn... Đồng thời, qua đó xuyên tạc phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đối tượng mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong nhắm đến là số đối tượng chống đối chính trị, phản động, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là giới trẻ qua đó thực hiện mưu đồ tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, tiến tới hình thành và công khai hóa tổ chức núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ chức phản biện xã hội nhằm tiến tới thực hiện "cách mạng màu" (tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những nước ở Bắc Phi, Trung Đông đã từng xảy ra "cách mạng màu" và có kết quả cuối cùng là đều thất bại, đất nước chìm trong xung đột kéo dài, đời sống người dân còn khốn khó hơn trước khi diễn ra "cách mạng màu"...)

Để thực hiện âm mưu, thủ đoạn của mình các đối tượng đã lợi dụng triệt để những tiện ích của Internet, mạng xã hội và đây được coi là tác nhân tiêu cực cả trước, trong và sau các vụ bạo loạn, lật đổ, khiến tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát, ngoài mong muốn của phần đa những người từng tham gia biểu tình, bạo loạn, lật đổ (điển hình là cuộc biểu bình, bạo loạn gây mất an ninh, trật tự tại Anh vừa qua có nguyên nhân từ những thông tin đăng tải không đúng, sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội có liên quan đến vấn đề người nhập cư).

Do đó, để nhận diện và xử lý những vấn đề liên quan không để xảy ra "cách mạng màu" ở Việt Nam đòi hỏi các cơ quan truyền thông cần phải chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, chính xách trên không gian mạng, tránh tạo khoảng trống thông tin để các đối tượng phản động lợi dụng phát tán các thông tin xuyên tạc. Từ đó tạo ra không gian an toàn cho quần chúng nhân dân được tiếp cận với thông tin chính thống để “miễn nhiễm” thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động từ các tổ chức và đối tượng chống đối.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác vận động quần chúng, nhất là vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đời sống cho nhân dân, từ đó người dân yên tâm lao động, đời sống nâng cao thì không dễ để nghe theo các đối tượng kích động, lôi kéo. Bên cạnh đó, cũng cần công khai, minh bạch, xử lý và thông tin kịp thời những vụ việc phức tạp để người dân được tiếp cận tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt, quan tâm đến công tác tuyên truyền với sinh viên, thanh niên, trí thức – đây là lực lượng chiếm tỷ lệ đông đảo trong các cuộc biểu tình của “cách mạng màu” đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, các tổ chức chính trị, xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, cảnh báo để thanh niên, sinh viên hiểu rõ âm mưu và bản chất của “cách mạng màu”, tránh xa các tổ chức đội lốt xã hội dân sự, các phong trào mạo danh “yêu nước” nhưng thực chất là kêu gọi tụ tập, gây rối an ninh, trật tự; cảnh giác với các khoản học bổng núp dưới danh nghĩa tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các tổ chức dân sự trá hình; không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, xúi giục, kêu gọi "đứng lên" đấu tranh đòi lật đổ chế độ mà kẻ địch rêu rao “vì tương lai tốt đẹp” mà không hiểu thực tế là đang đánh mất đi tương lai của chính mình, gây bất ổn cho xã hội, cho người thân và những người xung quanh./.

Đăng nhận xét

 
Top