Cắt ghép, bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” để làm lệch lạc nhận thức giới trẻ. Nhấn mạnh chủ nghĩa kỹ trị, đề cao dạy kiến thức kinh tế, khoa học kỹ thuật mà xem nhẹ giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử… để tạo ra những con người thiếu hoàn thiện về nhân cách. Làm gì để ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện sai trái đó? Một trong những việc làm cần thiết là phải tăng cường giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống. Dười đây là ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục lịch sử về vấn đề này.
Cắt ghép và xuyên tạc - thủ đoạn nguy hiểm
Cắt ghép, xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách cắt ghép và xuyên tạc lịch sử theo một lô-gíc chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng “cách nhìn mới” về lịch sử. Xin nêu một số ví dụ:
Người ta bỏ qua Hiệp định Muy-ních giữa Anh, Pháp và Đức, chỉ tập trung khai thác và nhấn mạnh Hiệp ước Xô-Đức để đi tới kết luận kẻ gây ra chiến tranh thế giới thứ hai không phải là chủ nghĩa phát xít, mà là Liên Xô (?).
Người ta cố tình lãng quên những tội ác của chủ nghĩa thực dân, cố tình bỏ qua hành động xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng chính quyền do họ dựng ra, bỏ qua những việc làm đầy thiện chí nhân đạo và hòa bình của Chính phủ, nhân dân Việt Nam, để tập trung bôi nhọ, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ phạm gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc trong suốt 30 năm (1945-1975), đẩy nhân dân vào cảnh chết chóc, tang thương; “chỉ có nhân dân là chiến bại”(?).
Có không ít người xuất phát từ việc xuyên tạc rằng, Pháp và Việt Minh đã “tự ý” ký với nhau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 để chia Việt Nam thành “hai quốc gia”, đẩy đất nước vào cảnh “Trịnh-Nguyễn phân tranh”, để rồi đi đến kết luận cộng sản Bắc Việt xâm lược Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và vì thế Việt Nam Cộng hòa phải yêu cầu Mỹ “giúp đỡ” chống “cộng sản hiếu chiến xâm lăng”, phủ nhận chính sách xâm lược thực dân mới của Mỹ (?).
Đó là những thủ đoạn mạo danh khoa học để xuyên tạc lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Phải chăng những cách trình bày, giải thích lịch sử như trên là khách quan và khoa học? Việc giáo dục lịch sử thiếu hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước những hiểm họa mà tất cả những người có lương tâm hôm nay phải có trách nhiệm nặng nề.
Nguy cơ lịch sử bị xuyên tạc và lợi dụng là không thể xem thường. Đây là bài toán mà Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đều phải quan tâm.
Liệu thế hệ trẻ Việt Nam mai sau có biết và tin rằng "kẻ thù buộc ta ôm cây súng"(?), có còn phân biệt được đúng-sai, chính nghĩa-gian tà, xâm lược và chống xâm lược? Trong những biến đổi không ngừng của quan hệ quốc tế hiện đại, sự thay đổi điều kiện sống và làm việc, liệu các công dân Việt Nam trong tương lai có tin vào những việc cha anh mình đã làm là phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử hay không?
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước và tùy thuộc rất nhiều vào hiệu quả của việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống sao cho hiệu quả.
TS Tưởng Phi Ngọ (Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh):
Giáo dục lịch sử để tăng cường ý thức bảo vệ Tổ quốc
Trong kháng chiến, việc dạy học lịch sử đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vậy thời bình, hết giặc rồi, có cần thiết phải chú trọng môn Lịch sử như trước không?
Đúng là chúng ta đang sống trong hòa bình nhưng hòa bình không phải là giá trị bền vững tuyệt đối. Nền hòa bình của nước ta vẫn luôn đứng trước nhiều nguy cơ. Ai cũng biết điều này, nên vẫn rất cần ưu tiên cho giáo dục lịch sử.
Thực tế hiện nay, việc dạy học môn Lịch sử ở bậc học phổ thông đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách so với trước kia vì ba lẽ sau đây:
 Thứ nhất, do những quan điểm tuyên truyền phản động, xuyên tạc lịch sử nhằm bôi xấu, chống đối chế độ trong thực tế và qua internet. Nếu được trang bị kiến thức lịch sử đúng mức thì học sinh sẽ vững vàng hơn, có nhiều kiến thức để bác bỏ các quan điểm sai trái. Ngược lại, có thể phát sinh những hậu quả khôn lường.
Thứ hai, những tiêu cực của người lớn trong thực tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận khiến học sinh ít nhiều giảm sút lòng tin.
Thứ ba, khó khăn nhất vẫn là nhiều học sinh không muốn học môn Lịch sử vì mục đích thực dụng, để tập trung cho những môn học có lợi cho các em về tương lai kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến những tai hại cho tương lai đất nước. Do đó, rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tiết. Giống như đứa trẻ trong gia đình chỉ ăn thịt mà không ăn rau, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm. Bộ nên điều tiết bằng cách xếp môn Lịch sử vào vị trí môn học bắt buộc, còn những nhược điểm về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học sẽ được giải quyết ở khu vực khác. Cần thiết phải làm thế vì nhà trường Việt Nam luôn chú trọng giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.
Kinh nghiệm nước ngoài có nhiều, có nước không ưu tiên môn Lịch sử nhưng hầu hết các nước là ưu tiên. Trong trường phổ thông I-xra-en hiện nay, Lịch sử được xếp ngang hàng với môn Văn học, môn Kinh thánh và học sinh phải thi.
Cần chú trọng đặc điểm nước ta hiện nay để quyết định. Đất nước có hòa bình nhưng nguy cơ luôn tiềm ẩn, cần giáo dục lòng yêu nước, ý thức cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc cho học sinh./.
TC

Đăng nhận xét

 
Top