Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố. Trong nội quy có nội dung quy định đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân Thành phố làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Đây là nội dung được dự luận khá quan tâm, có nhiều ý kiến ủng hộ cũng như cũng còn nhiều ý kiến lo ngại cho rằng việc không cho người dân quay phim, ghi âm khi cán bộ tiếp công dân khi chưa đồng ý có thể tiếp tay cho hành vi chưa đúng mực của cán bộ tiếp dân cũng như ảnh hưởng tới chất lượng tiếp công dân.
Về tính pháp lý, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc ra quy định như trên là trái luật, là xâm phạm quyền lợi của công dân. Tuy nhiên, có thể thấy rằng nội quy trên được ban hành dựa theo điều 12 Luật Tiếp công dân thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoàn toàn có quyền ban hành nội quy tiếp công dân và phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, trước Hà Nội thì Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành quy định tương tự tại trụ sở của Thanh tra Chính phủ. Và điều này cũng không trái với luật Tiếp công dân khi trong luật quy định công dân có quyền như quyền được bảo đảm, được trình bày và nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan đó…
Xét về tính thực tiễn thì tất cả các cơ quan, tổ chức đều xây dựng nội quy riêng cho mình dựa trên các quy định của pháp luật. Những quy định này không chỉ yêu cầu những người trong cơ quan, tổ chức đó chấp hành mà còn yêu cầu những người đến liên hệ với cơ quan, tổ chức đó phải tuân theo. Do đó, dù luật không cấm nhưng quy định của một số tàu xe vẫn cấm mang động vật lên, hay đơn giản như nhà bạn đôi khi quy định bất thành văn đó là không đi dép vào nhà. Ở đây, nội quy tiếp công dân hiểu một cách đơn giản là như vậy.
Bên cạnh quy định trên thì nội quy này cũng đưa ra 10 điều yêu cầu các công dân thực hiện khi đến trụ sở tiếp dân cụ thể như: Phải xuất trình giấy tờ tùy thân; có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ; công dân được tiếp theo thứ tự, phải trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong trụ sở tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân,... Điều này cho thấy trước nay các quy định luôn đặt ra yêu cầu đối với cán bộ tiếp dân, nhưng khi người dân muốn được hưởng quyền lợi thì họ cũng phải có nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu đặt ra với mục đích duy nhất là chuyên nghiệp hóa và tạo thuận lợi cho việc tiếp thu ý kiến khiếu nại tố cáo của nhân dân.
Trên thực tế, các cán bộ tiếp dân là những người làm việc trong môi trường khá áp lực khi họ không phải là người trực tiếp giải quyết mà chỉ đứng ra nhận yêu cầu khiếu nại, tố cáo và trả kết quả. Họ được coi là bộ mặt của cơ quan công quyền khi làm việc với dân nên luôn phải tuân theo các quy chuẩn để làm vừa lòng người dân. Tuy nhiên, không phải kết quả về khiếu nại, tố cáo nào cũng đúng như mong muốn của người dân, và lúc này một số người dân đã trút sự bực tức lên cán bộ tiếp dân. Thế mới có chuyện nhiều người dân đến trụ sở tiếp dân mà giơ ngay điện thoại dí sát vào mặt cán bộ tiếp dân, thậm chí vừa nói vừa phát livestream lên trên mạng. Hoặc cũng có trường hợp về cắt ghép lại video với dụng ý vu cáo cán bộ tiếp dân, vu cáo cơ quan chức năng.
Cũng cần phải nói thêm, nội dung quy định không phải là không cho mà quy định là muốn quay phim, ghi âm phải có sự đồng ý. Điều này tạo sự dân chủ, minh bạch trong giải quyết các vụ việc hành chính, tạo tâm thế cho cán bộ tiếp dân, sẽ làm cán bộ này điều chỉnh hành vi của mình. Hơn nữa, quy định này cũng không hề bao che cho việc làm sai trái của cán bộ tiếp dân vì tại tất cả các phòng tiếp dân đều có camera có thể ghi cả hình ảnh lẫn âm thanh. Nếu không vừa lòng về chất lượng tiếp dân thì người dân hoàn toàn có thể yêu cầu trích xuất. Những hình ảnh này sẽ thể hiện khách quan nhất.
Như vậy, quy định nêu trên không xâm phạm quyền của công dân mà nó góp phần nâng cao ý thức của cả cán bộ tiếp dân và công dân được tiếp, cũng như nâng cao chất lượng tiếp dân tại các trụ sở tiếp dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều này chính là sự thể chế hóa tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội./.
Đăng nhận xét