Nói cho vuông: Chửi một cách mù quáng được gọi là “Mù chửi”. Nạn “mù chửi” cũng cần phải được thanh toán như nạn mù chữ!
Tuy có vẻ không được các nhà văn hóa và đạo đức khuyến khích, nhưng chửi vẫn tồn tại như một tất yếu trong cuộc sống và xã hội. Con người ta, có lẽ chỉ trừ các vị chân tu, còn thì ai cũng có lúc phải giận giữ, phải căm tức ai đó, việc gì đó đến mức phải văng ra, hoặc cố kìm nén một câu chửi. Đối với xã hội, chửi cũng là một kênh “xả van”, để thỏa mãn nhu cầu lên án những độc ác, xấu xa, bất công, áp bức,… nhất là đối với những người yếu thế. Không chỉ thế, thời Tam quốc chỉ bằng đội quân chửi (gọi là “mạ thủ”), Gia Cát Khổng Minh đã khiến một viên tướng địch hộc máu ra mà chết.
Là dân tộc sở hữu thứ ngôn ngữ giàu có về thanh điệu và phong phú về biểu tượng, ẩn dụ, Việt Nam cũng có một “văn hóa chửi” chắc chắn không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Không chỉ định cư bền vững trong văn hóa dân gian, chửi cũng đã đi vào văn học thành văn, hoặc lên sân khấu, phim ảnh, truyền thông hiện đại. Nếu như trước đây, “chửi như mất gà” dù rất giàu hình ảnh và vần điệu, cũng chỉ làng trên, xóm dưới, quanh quẩn sau lũy tre xanh, thì ngày nay, với sự tiếp âm, tiếp sóng của các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, một câu văng tục trong phòng ngủ cũng có thể đồng vọng khắp năm châu. Mấy năm gần đây xã hội ta bỗng dưng nhiều phen “lên cơn chửi” như vậy. Một MC nổi tiếng làm từ thiện, vận động được nhiều tiền quá, nghi nghi…Chửi! Một quyển sách xuất bản từ mười năm trước, nay bỗng có người phát hiện bìa có in cái ảnh “nhạy cảm”…Chửi! Một cuốn sách khác vừa mới ra mắt, nghe nói có một vài chi tiết đang có ý kiến này nọ…Chửi! Gần đây nhất là vụ đánh vần theo công nghệ giáo dục cũng te tua. Té ra xã hội bây giờ còn “ngoa mồm” hơn các bà mất gà ngày xưa. Chỉ có điều, bà lão ngày xưa chửi mất gà rất hay vì đó là con gà của bà, bà biết rõ từng cái lông của nó, biết nó hay bươi đất, lặt cỏ ở đâu.
Còn ngày nay, hàng vạn người chửi cuốn sách mà mình chưa hề đọc; hàng vạn người khác nói “như đúng rồi” về một lý thuyết khoa học mà mình không hề có kiến thức và cũng chưa trải nghiệm. Đơn giản, thấy thiên hạ ném đá nhiều quá, mình không ném thì sợ thiệt chăng? Ông cha ta xưa từng nói “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Có lẽ tại vì nhiều ngôi nhà bây giờ không còn cột nữa, nên rất nhiều người biết chưa chắc đã “thưa thốt”, nhưng “không biết” là… chửi!
Chửi, cùng với hiệu ứng đám đông đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Nó gây ra trạng thái bất an cho xã hội. Nhiều “mạ thủ” sau khi thi thố trên mạng xã hội, đã tìm đến nhau để chuyển từ “vũ khí phê phán” sang “phê phán bằng vũ khí”. Rất nhiều người khác bị lăng mạ vô cớ, oan khuất đã dẫn đến sang chấn tâm lý nặng nề, có cháu đã tìm đến cái chết. Trước những vấn đề phức tạp, nhiều người có kiến thức, hiểu biết không dám lên tiếng, vì sợ vạ lây. Đặc biệt, chửi cùng với hiệu ứng tâm lý đám đông đã tạo nên áp lực xã hội to lớn đối với cơ quan và cán bộ công quyền, khiến cho việc xử lý nhiều vấn đề xã hội bị lúng túng, hoặc lệch lạc. Đó là chưa kể, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy có bàn tay của nhóm lợi ích đằng sau những cơn lên đồng tập thể vừa qua.
Một xã hội không có phê bình, phản biện, đấu tranh là một xã hội ngưng trệ. Tuy nhiên, phê bình, phản biện và đấu tranh không có họ hàng gì với thói chửi rủa một cách tùy thích, tùy tiện và mù quáng, mà bài này gọi là “mù chửi”. Áp lực của công luận cũng không nên, không thể tạo nên bằng hiệu ứng “vịt đàn” vô thức.
Sau trên dưới một thế kỷ kiên trì và kiên quyết, nay nước ta đã xóa được nạn mù chữ. Nhưng, còn nạn “mù chửi” thì sao, bao giờ mới xóa?
Hãy bắt đầu từ hôm nay!
Đăng nhận xét