Bịa đặt trắng trợn đến mức không còn liêm sỉ, đó là bản chất mà những thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam tự bộc lộ trong những năm qua. Và bản chất này phơi bày rõ nét hơn khi các thủ đoạn dựng chuyện để lừa dối dư luận, xuyên tạc và vu khống chính quyền ngày càng tăng.
Theo bài Pháp tuyên chiến với khủng bố trên trang tiếng Việt của RFI ngày 14-1, phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 13-1 "Thủ tướng M.Van (Manuel Valls) cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ có biện pháp để tăng cường kiểm soát trên internet và các mạng xã hội, mà nay được sử dụng ngày càng nhiều để chiêu dụ, liên lạc, huấn luyện những kẻ khủng bố", "ngành tư pháp của Pháp thẳng tay trừng trị những kẻ bị xem là "ca ngợi khủng bố" dưới bất kỳ hình thức nào, và đã tiến hành thủ tục tư pháp với hơn 50 người, trong đó có Dieudonné - diễn viên hài nổi tiếng". Cũng trên RFI ngày 12-1, bài Nước Pháp quật khởi chống khủng bố cho biết: trong cuộc tranh luận công khai tại ban biên tập tờ New York Times, "Ð.Ba-ki (Dean Baquet), trưởng ban biên tập... phải mất rất nhiều thì giờ tham vấn các đồng nghiệp và hai lần thay đổi ý kiến trước khi quyết định không công bố các bức họa để tránh xúc phạm các độc giả của tờ báo"; còn ở tờ The Guardian, sau cuộc tranh luận nội bộ "đã quyết định tặng 100.000 bảng cho Charlie Hebdo nhưng không cảm thấy bị bắt buộc phải đăng lại các bức biếm họa". Và ngày 15-1, trang english.yonhapnews.co.kr đăng tin cảnh sát Hàn Quốc triệu tập bà Lim Xu Ky-ung (Lim Su-kyung) - nghị sĩ đảng đối lập NPAD, để chất vấn do bị cáo buộc đã vi phạm Luật An ninh quốc gia. Với cáo buộc tương tự, một tòa án ở Xơ-un (Seoul) ra lệnh bắt giữ bà Hoang Xun (Hwang Sun); đáng chú ý là bà Sin Ôn-mi (Shin Eun-mi) - người Mỹ gốc Hàn đã cùng bà Hwang Sun tổ chức buổi nói chuyện tại đền Jogyesa, bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong 5 năm. Gần một tháng trước, ngày 19-12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cũng ra phán quyết cấm đảng đối lập UPP hoạt động, không chấp nhận bất cứ kháng án nào; phán quyết dựa trên đơn kiện của Bộ Tư pháp Hàn Quốc sau khi một số thành viên của UPP bị bắt vì bị cáo buộc có âm mưu chống chính phủ. Cũng vào tháng 12-2014, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 24 nhân viên nhật báo Zaman, kênh truyền hình Samanyolu, trong đó có một số nhà báo nổi tiếng, được coi là đã ủng hộ phong trào "Khizmat" của ông P.Gu-len (F.Gullen) hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, đồng thời chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng công bố tài liệu về một âm mưu đảo chính; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (R.T Erdogan) coi đây là việc đương nhiên ở bất cứ quốc gia nào, hoàn toàn không vi phạm dân chủ. Trước sự chỉ trích của Liên hiệp châu Âu (EU), ông khẳng định: "Chúng tôi không quan tâm những gì EU nói, cho dù EU có chấp nhận chúng tôi là thành viên hay không. Hãy giữ lại sự khôn ngoan cho chính mình"...
Như vậy, chưa bàn về đúng - sai (vì phụ thuộc vào quan điểm, góc độ tiếp cận), riêng việc trong hơn một tháng thế giới liên tiếp được chứng kiến chính quyền ở một số quốc gia thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự xã hội cũng cho thấy nhiều điều. Như tự do báo chí chẳng hạn, sau sự kiện Charlie Hebdo, câu hỏi có tự do báo chí không giới hạn hay không (?) đang trực tiếp đặt ra và không phải ngẫu nhiên, hai tờ New York Times và The Guardian, dù ủng hộ nhưng không đăng lại các biếm họa của Charlie Hebdo. Tuy nhiên, điều thú vị là có thể tìm câu trả lời trong bài Yếu tố pháp lý trong kiện phỉ báng đăng trên nguoi-viet.com ngày 8-1, bàn về việc Tòa thượng thẩm bang Ca-li-pho-ni-a (California) (Mỹ) đã phán quyết tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo phải bồi thường cho công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, bà Vĩnh Hoàng 3 triệu USD để đền bù tổn hại danh dự, uy tín, tinh thần, phạt 1,5 triệu USD làm gương vì có hành xử ác ý, tác giả Hà Giang viết: "Quyền tự do ngôn luận thật ra không phải là quyền tuyệt đối trong mọi tình huống. Một tuyên bố sai sự thật, được loan truyền vô tội vạ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín của một người, làm cho đời sống của người đó trở nên khốn đốn. Vì thế, luật phỉ báng tại Mỹ nói chung, California nói riêng, có các điều khoản tỉ mỉ, nhằm cân bằng hai nguyên tắc pháp lý căn bản", đó là nguyên tắc về đạo đức và nguyên tắc về quyền được hiến pháp bảo vệ.
Nhưng với các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam thì khác. Một mặt họ ra rả ca ngợi và yêu cầu Việt Nam phải noi theo tự do báo chí ở phương Tây (!), mặt khác, họ lại bất chấp đạo đức, coi thường pháp luật. Nhân danh "tự do ngôn luận", trên internet xuất hiện đủ loại trò hề "tuyên bố, thư ngỏ, thư mở, kháng nghị, thỉnh nguyện thư"; tin tức về cái gọi là "điều trần" do họ tự tổ chức nhằm xuyên tạc, vu khống, vu cáo Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Rồi hoạt động của mấy cái gọi là "tổ chức xã hội dân sự" tổ chức theo cách thức một người ghi tên vào mấy nơi khác nhau tạo ấn tượng số đông, kết hợp một số bức ảnh quanh đi quẩn lại một nhóm người nay giơ khẩu hiệu này, mai giơ khẩu hiệu khác (hình thức được dư luận trên internet coi là nhằm báo cáo với quan thầy họ có hoạt động, để quyết toán các dự án chống phá?). Gần đây, các hoạt động như vậy có xu hướng ráo riết, trắng trợn, nham hiểm hơn để tạo ra một "ma trận thông tin" trên internet với đủ loại tin tức giật gân, thực giả lẫn lộn, trắng đen nhập nhèm được bình luận qua đủ loại giả thuyết.
Chỉ nhìn vào một blog lập năm 2011 mỗi năm lèo tèo có vài ba bài, đến năm 2014 tăng vọt lên 84 bài, nửa đầu tháng 1-2015 có 16 bài, là có thể thấy sự ráo riết đã đến mức nào. Trên blog này, kẻ xấu tập trung bịa đặt, dàn dựng chuyện ly kỳ, tạo ấn tượng "người này đánh người khác" để ly gián, gây nghi ngờ, hoang mang...
Nhận ra chân tướng của sự bịa đặt hay đề phòng để dễ bề phủi tay về sau (?), gần đây một trang mạng vốn thù địch với Ðảng, Nhà nước Việt Nam đăng bài của Nguyễn Ngôn. Sau khi đưa ra dẫn chứng cụ thể chứng minh sự bịa đặt về quan hệ giữa một lãnh đạo Việt Nam với một doanh nhân, tác giả viết: "có người xuyên tạc để nêu ý đồ này ý đồ kia là đã vu khống đặt điều người khác, một điều mà lương tâm không cho phép Chúa Trời cũng không ưa Phật Thánh cũng không cho". Và trong một bài viết công bố gần đây, sau khi tổng kết "trước mỗi kỳ Ðại hội hay hội nghị T.Ư Ðảng, các thế lực thù địch thường đưa ra những thông tin giật gân, dường như đó là những thông tin mật, được rò rỉ ra ngoài bởi những nhân vật trong hàng ngũ "chóp bu"...", tác giả Nguyễn An Ninh kết luận rằng: mỗi khi "thông tin động trời" trên blog này đã nhàm chán, lập tức trang khác ra đời thay thế, khi trang khác hết "hót" lại xuất hiện blog khác thế chân,... rồi nhận xét "Ðiểm chung của tất cả những blog này đều là trộn lẫn một số thông tin có thật với những điều xuyên tạc, bịa đặt để hướng tới mục tiêu cuối cùng là tung tin nhảm về việc dường như có cuộc đấu đá trong nội bộ bộ máy lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước"!
Trong bối cảnh đó, theo bản tin Anh, Mỹ quyết tâm mở rộng hợp tác an ninh mạng trên VOA ngày 17-1, Tổng thống Ô-ba-ma (Obama) cho biết quyết tâm mở rộng hợp tác vì "xét tới mối nguy cấp bách và lớn dần của những mối đe dọa trên mạng" để "bảo vệ cơ sở hạ tầng hệ trọng của chúng ta, các doanh nghiệp của chúng ta và sự riêng tư của người dân chúng ta"; thậm chí trước khi hội kiến, Thủ tướng Anh Cameron còn nói ông sẽ "yêu cầu Tổng thống Obama gây sức ép với các công ty công nghệ của Mỹ như Google và Facebook cho phép chính phủ theo dõi những trao đổi liên lạc được mã hóa". Rõ ràng internet không phải là tuyệt đối đáng tin. Nhưng với mấy kẻ có suy nghĩ, hành động xấu với Việt Nam thì tin tức từ internet lại "rất đáng tin". Mỗi khi blog kể trên đưa ra thông tin dối trá, họ thi nhau đăng lại và VOA, BBC, RFA, RFI,... cũng chộp lấy để biến thành tin chính thức. Ở đây cũng cần nhắc tới Kami - kẻ từng bị vạch trần về dối trá và bịa đặt, không thấy xấu hổ mà vẫn chường mặt ra bàn về "bước ngoặt của truyền thông"! Hoặc, từ khi không bói ra âm mưu nào từ hiện tượng giảm giá xăng dầu, blog kể trên cũng trở thành chiếc cọc mục để "cây bút bình luận chính trị sâu sắc, con phượng hoàng đảm lược" bám vào bình loạn theo lối lý luận nông cạn, thiển cận, huênh hoang vốn có! Bởi vậy, một câu hỏi lại cần đặt ra là: Quan tâm đến an ninh mạng, liệu Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron có quan tâm việc chính VOA, RFA của Mỹ, BBC của Anh,... đã và đang sử dụng internet làm phương tiện tuyên truyền chống phá, gây mất an ninh của Việt Nam?
Ðòi hỏi những kẻ dối trá trên internet phải biết thế nào là liêm sỉ có lẽ là bất khả, khi lựa chọn sự tồn tại như vậy, họ đã gạt sang một bên mọi tiêu chí đạo đức. Mà ở đâu đạo đức không được sử dụng nhằm tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của con người thì ở đó pháp luật cần lên tiếng. Hành động kiên quyết duy trì kỷ cương xã hội của chính phủ một số nước như các thí dụ ở trên cho thấy mọi nhà nước đều có quyền thực thi pháp luật và bảo vệ xã hội. Do đó, trước sự hoành hành của kẻ xấu, chúng ta cần kết hợp "đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng", như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, với việc khuyến khích toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tăng cường khả năng chọn lọc thông tin, chống các vi-rút thông tin xấu độc trên internet,... Và nếu coi hoạt động của kẻ xấu trên internet là "tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật Việt Nam. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước" như ý kiến của một vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, thì đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc, vừa để xử lý một loại tội phạm nguy hiểm, vừa bảo đảm sự lành mạnh của đời sống xã hội và con người./.
TC
Đăng nhận xét