- Tín dụng: ở đây đây được hiểu là mối quan hệ giữa hai bên - Một bên là người cho vay (tiền mặt, tài sản, tài chính) và một bên là người đi vay. Quan hệ giữa hai bên ràng buộc bởi thỏa thuận thời gian cho vay, lãi suất phải trả, phương thức trả nợ…
- “Đen”: ở đây được hiểu là hoạt động mờ ám, không minh bạch và phần lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- “Hoạt động tín dụng đen”: là hành vi huy động vốn và cung cấp tín dụng không tuân theo quy định của pháp luật về vay và cho vay. Hoạt động này tồn tại nhiều hình thức có tổ chức với qui mô hoạt động ở nhiều địa phương như công ty dịch vụ tài chính tài chính; hoặc không có tổ chức, nhỏ lẻ như một số tiệm cầm đồ, cá nhân chuyên làm nghề cho vay…
II. Qui định của pháp luật về lãi suất cho vay và tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
- Thứ nhất, về mức lãi suất cho vay: Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau:
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
- Thứ hai, về cấu thành tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự: theo quy định Điều 201 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 có quy định như sau:
''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.''
III. Tình hình hoạt động “Tín dụng đen” trên địa bàn Thành phố
Thời gian gần đây trên địa bàn Thành phố và nhiều địa phương trên cả nươc hoạt động “Tín dụng đen” diễn ra phổ biến, phức tạp, ngang nhiên, coi thường pháp luật. Có nhiều sự việc đau lòng, hậu quả khôn lường mà nạn nhân của hoạt động “Tín dụng đen” và người thân phải gánh chịu: cha phải viết đơn lìa con; phải bán nhà trả nợ; bị các đối tượng cho vay hăm dọa, hành hung, gây thương tích, thậm chí tước đoạt tính mạng…Tại TP.HCM, từ năm 2014 Công an thành phố phát hiện một số đối tượng phía Bắc vào thuê nhà và hoạt động tín dụng trái phép, mỗi tháng gây ra một vụ án hình sự, còn hiện nay con số này tăng gấp 4 lần, “Án nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; còn nặng là giết người. Tính riêng năm nay thành phố có 3 vụ án mạng do thu hồi nợ không được”. Công an thành phố xác định trên địa bàn có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất; trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía Bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã. Các lực lượng đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính về những vi phạm không đáng kể như không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng… Chỉ ít băng nhóm gây án hình sự bị khởi tố, tạm giam.
1. Nguyên nhân, đối tượng tham gia hoạt động “Tín dụng đen”, tội phạm cho vay lãi nặng
* Nguyên nhân
- Thủ tục cực kỳ đơn giản, mọi lúc, mọi nơi, mọi yêu cầu, linh hoạt; món vay thường nhỏ, lớn linh hoạt tùy điều kiện ngươi vay; tài sản đảm bảo cực kỳ đa dạng, có thể ti vi tủ lạnh, sổ đỏ, điện thoại,….
- Người đi vay giấu giếm không chịu nói ra đến khi chuyện vỡ lở thì mới biết.
- Pháp luật cả dân sự và hình sự đều có quy định về xử lý, truy tố hình sự với tội tín dụng đen, cho vay nặng lãi nhưng đối tượng cho vay rất tinh vi.
* Đối tượng tham gia hoạt động cho vay “Tín dụng đen”: những kẻ cầm đầu đường dây tín dụng đen sử dụng, tuyển dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đòi nợ.
* Người vay, mục đích vay
- Công chức, viên chức, công nhân, người lao động, người không có việc làm ổn định: vay để chữa bệnh, đóng tiền học phí cho con, vay để đáo hạn ngân hàng; những người có máu cờ bạc…
- Học sinh, sinh viên: vay để đóng học phí, có không ít nam sinh viên có máu cờ bạc, cá độ đá banh cũng phải vay để trả nợ
- Người buôn bán nhỏ, buôn bán dạo: vay vốn để mua hàng về bán
- Tiểu thương, doanh nghiệp: vay để sung nguồn vốn lưu động, ngắn hạn
2. Phương thức, thủ đoạn cho vay với lãi suất “cắt cổ”
- Phương thức tiếp cận người có nhu cầu vay tiền: thuê người dán, phát các tờ rơi, tờ quảng cáo tại các trụ điện, bờ tường đến từng ngõ, hẻm; quảng cáo trên mạng internet với các trang web như: chovaytiennong24h.com, vaytiennongsaigon.com… với thông điệp: vay nợ nhanh, không cần thế chấp. Ngoài ra, nhiều “Tổ chức” còn cử nhân viên lân la các quán cà phê để tiếp cận người có nhu cầu vay tiền mặt…. Khi người có nhu cầu vay tiền liên hệ với người vay qua điện thoại, nhân viên “Tín dụng đen” sẽ hẹn gặp, tư vấn để làm các thủ tục cho vay. Người dân chỉ cần đưa bản phôtô CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe... Sau đó, “nhân viên” này sẽ làm hợp đồng vay mượn, trả góp, hợp đồng có thể hiện lãi suất vay nhưng không quá mức lãi suất được quy định, hoặc hợp đồng không thể hiện lãi suất vay nhưng thể hiện số tiền phải trả. Hợp đồng này có chữ ký của người vay tiền, nhưng “nhân viên” cho vay giữ hợp đồng chứ không đưa cho người vay.
- Thủ đoạn không thể thoát nợ: sau khi vay tiền xong, họ cho nhân viên đến thu tiền lãi đến hạn, khi người vay có tiền đi trả vốn thì nhân viên tìm mọi thủ đoạn không cho người vay gặp chủ cho vay để trả vốn, nhằm kéo dài thời gian trả lãi, điều này làm cho người vay không thể thoát nợ.
- Thủ đoạn hợp đồng, phí và hợp đồng phụ: "Hợp đồng vay tiền" có nội dung soạn sẵn nhưng rất sơ sài, không thể hiện lãi suất, chỉ thể hiện số tiền phải tra. Trước khi đồng ý sẽ cho vay, các đối tượng cho vay đưa ra rất nhiều điều kiện khó hiểu, phức tạp và kèm theo một hợp đồng phụ “Giấy bán xe gắn máy, “Giấy mượn xe gắn máy”; “Hợp đồng đặt cọt tiền mua nhà”…
Một trường hợp cụ thể như: muốn vay 20 triệu, anh A phải trả trong vòng 2 tháng, mỗi ngày đóng cho “Công ty” 500.000 đồng. Theo “quy định”, công ty phải "cấn" trước số tiền là 3 triệu đồng, tức anh A chỉ nhận 17 triệu, nếu đồng ý thì ký hợp đồng. Nếu tính theo cách này, người vay không tỉnh táo sẽ bị "cắt cổ" bởi lãi suất cực cao và mất hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, khi người vay chuẩn bị đặt bút ký thì các đối tượng cho vay lôi ra "Giấy mượn xe gắn máy" và yêu cầu người vay ký vào. Khi người vay thắc mắc thì các đối tượng cho vay giục: "Chẳng có gì đâu, chỉ là giấy mượn xe, nếu bên anh không trả đủ tiền gốc và lãi thì “công ty” còn có cái làm tín chấp".
3. Cách thức thu hồi nợi và hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu
Cứ như vậy, số tiền nợ càng nhiều, đến khi không còn khả năng chi trả thì các đối tượng cho vay đe dọa, hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ. Đa phần người cho vay lãi nặng đều có tiền án, tiền sự hoặc có quan hệ với nhiều đối tượng hình sự, ma túy, hoạt động rất xảo quyệt, manh động, tàn bạo và có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan Công an. Hoạt động “Tín dụng đen”, “đòi nợ thuê”, “siết nợ”, cho vay lãi nặng là nguồn gốc của các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác như:
- Công nhiêm chiếm đoạt tài sản, Cố ý hủy hoại tài sản: ngày 06/11/2018, Công an quận 1, TP.HCM tạm giữ hình sự Đinh Văn Thái (39 tuổi, quê Thanh Hóa) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. Thái bị Cảnh sát phát giác về việc tạt sơn vào ngôi nhà nơi ở của gia đình anh Đinh Thanh S. Theo điều tra, cuối tháng 10, gia đình anh S. liên tục bị các đối tượng lạ mặt tạt sơn, mắm tôm… khiến cuộc sống đảo lộn, các thành viên lo lắng. Anh Sơn cho biết chị gái của mình tên Kim (49 tuổi, tên đã thay đổi) có vay mượn ngoài xã hội và chưa trả được. Tuy nhiên, chị Kim dọn đi đã lâu, những người trong nhà không hay biết cụ thể về số nợ.
- Đe dọa giết người, khủng bố tinh thần: vào tháng 11-2017, do làm ăn thua lỗ, chị P. vào trang mạng có tên "Tài chính cho vay" để vay số tiền 500 triệu đồng. Khoản vay này sẽ được thanh toán theo hình thức "trả góp", chị P. phải chịu "phí dịch vụ" là 20% và trả trước hai ngày tiền lãi. Ðể hợp thức hóa việc cho vay nặng lãi thành "giao dịch dân sự", các đối tượng hướng dẫn chị P. làm hợp đồng mua xe trả góp, hợp đồng này do bọn chúng nắm giữ. Tính từ thời điểm vay tiền cho đến tháng 7-2018, số tiền mà chị P. trả góp đã vượt hơn 5 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Ðường cùng, để có tiền trả nợ, chị P. đành nhắm mắt vay mượn thêm tiền của hai băng nhóm khác cũng với lãi suất và chiêu thức như trên. Mỗi khi không có tiền trả kịp hạn, các đối tượng này cho đàn em kéo đến xưởng sản xuất của chị P. đe dọa, truy bức, khủng bố tinh thần. Chúng liên tục hăm dọa chị P. và đòi giết hết cả nhà chị nếu như không chịu trả tiền đúng hẹn. Manh động hơn, các đối tượng này còn mang mã tấu và kim tiêm (có bơm sẵn máu) đến nhà đòi giết chồng chị P... Rất may vụ án được Công an quận Tân Phú triệt phá kịp thời. Trong vụ án này, công an thành phố đã triệt phá ba băng nhóm cho vay nặng lãi liên minh với nhau, bắt giữ 11 đối tượng là dân giang hồ cộm cán.
- Bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người: một phụ nữ tại đường Nguyễn Ðình Chiểu (phường 2, quận 3) phải nhận một kết quả rất đau lòng. Do khó khăn về tài chính, bà O. (phường 2, quận 3) liên lạc với một nhóm tín dụng đen đặt vấn đề vay tiền. Thời gian đầu, việc trả góp diễn ra bình thường. Tuy nhiên, thời gian sau, do bà O. không có khả năng chi trả, cho nên nhóm “Tín dụng đen” ban đầu thì nhắn tin, sau đó tìm đến tận nhà gây áp lực đòi nợ. Chiều tối 8/11/2018, khi nhóm “Tín dụng đen” đến nhà bà gây áp lực và đe dọa, con trai của bà O. là anh Q (29 tuổi) đã ra nói chuyện, từ đó dẫn đến cự cãi và xô xát với nhóm “Tín dụng đen” này. Anh Q đã bị nhóm giang hồ dùng hung khí đâm gục tại chỗ và chết ngay trong đêm.
4. Các biện pháp phòng ngừa.
Các cơ quan, tổ chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn ngừa hoạt các hoạt động “Tín dung đen” và tội phạm cho vay lãi nặng với các hoạt động như:
- Đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cự tham gia xóa bỏ quảng cáo, rao vặt, nhất là quản cáo, rao vặt về “Tín dụng đen”.
- Đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân vận động, thuyết phục người thân không tham gia hoạt động tín dụng đen; cũng như giáo dục, thuyết phục, giúp đỡ người thân, đoàn viên, hội viên tìm (nhất là nam thanh niên ) tìm kiếm việc làm chính đáng, ổn định.
- Phát huy hiệu quả hơn nữa mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự, như: mô hình “5 + 1”; “CLB gia đình phòng chống TNXH” nhằm tạo điều kiện vay vốn, tìm kiếm việc làm cho người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và tăng cường quản lý, giáo dục con em tránh xa các TNXH: cờ bạc, ma túy…
- Các chi, tổ Hội Phụ nữ tại cơ sở chủ động tiếp xúc chị em tại địa bàn nơi cư trú (kể cả người tạm trú) làm nghề buôn bán nhỏ, bán rong để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về việc làm, nhu cầu vay vốn đề có hướng giúp đỡ.
- Đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính cần tăng giáo dục, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ tài chính, điều kiện vay để người dân tìm đến tín dụng phi chính thức thay vì “Tín dụng đen”, tạo điều kiện để người dân được vay vốn thuận lợi hơn.
- Đề nghị đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực cung cấp thông tin tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, kể cả hành vi bảo kê cho hoạt động “Tín dụng đen” đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
TD
Đăng nhận xét