Thời gian qua, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phạm tội liên quan đến công nghệ cao có chiều hướng gia tăng. Mới đây, lực lượng công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khi kiểm tra, khám xét tại khách sạn Duy Nhất ở đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng, TP Nha Trang đã phát hiện bên trong khách sạn hàng chục người Trung Quốc đã lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ cao để nhóm người nước ngoài thuê nhà thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh nhà chức trách, điện thoại khống chế, đe doạ, ép buộc người khác chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng… Tại hiện trường lực lượng Công an thu giữ hàng trăm loại thiết bị công nghệ cao cùng nhiều hộ chiếu, ngoại tệ, tiền Việt.

Chiều ngày 06/6/2019, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an thành phố Hạ Long phá chuyên án lớn liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Nhóm đối tượng bị bắt gồm 25 người, trong đó có 4 phụ nữ (1 ngườiViệt Nam và 3 người Trung Quốc) thuê 6 phòng tại chung cư Green Bay Premium và 1 căn hộ liền kề thuộc khu vực chung cư Bim Group (phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) để thực hiện hành vi tội phạm liên quan đến công nghệ cao. Được biết, nhóm đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 28/5. Đến chiều cùng ngày các lực lượng chức năng đã hoàn thành việc lấy lời khai của các đối tượng tội phạm người Trung Quốc và di lý ra cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để trục xuất về nước.

          Hành vi phạm tội do người nước ngoài gây ra rất đa dạng, từ giết người, cướp tài sản, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma túy, lừa đảo rút tiền ngân hàng… gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp không ít khó khăn do họ thường có thái độ bất hợp tác, bất đồng về ngôn ngữ. Bên cạnh đó, chế tài về xử lý người nước ngoài vi phạm như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, chưa đủ sức răn đe.

Điều 5 BLHS 2015 (sửa đổi) quy định về hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 6 BLHS 2015 cũng nêu rõ: “Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.

Như vậy, đối với tội phạm công nghệ cao là người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam, nếu không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự giống như công dân Việt Nam phạm tội. 
Khi quyết định hình phạt đối với họ, ngoài những quy định chung, người nước ngoài phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt trục xuất như là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.
St


Đăng nhận xét

 
Top