Gần đây, “đường lưỡi bò” đã được phía Trung Quốc “cài cắm” vào nhiều ấn phẩm, khi thì hộ chiếu, lúc trong phim, lúc nằm trong tờ rơi hướng dẫn du lịch hay trong các bản đồ (kể cả bản đồ trong ô tô được xuất khẩu sang Việt Nam)… Việc làm này được phía Trung Quốc thực hiện nhắm đến nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam. Riêng ở nước ta, sự việc gần nhất là “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ và trong cuốn sách ảnh về các điểm du lịch của Trung Quốc tại quầy giới thiệu tour của Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng đưa "đường lưỡi bò" là một âm mưu tinh vi và nham hiểm của phía Trung Quốc (ở đây nên hiểu là bao gồm cả chính quyền Trung Quốc và các cơ quan, doanh nghiệp Trung Quốc). Hiện nay, yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông theo "đường lưỡi bò" đã bị tất cả các nước trong khu vực và phần lớn các nước trên thế giới phản đối, không thừa nhận và bản thân Trung Quốc cũng rất đuối lý khi đề cập cơ sở pháp lý cho yêu sách này. Dù vậy, Trung Quốc đã không ngừng thực hiện nhiều cách thức để hiện thức hóa yêu sách này, trong đó không ngừng cải tạo, bồi lấp các thực thể trên biển Đông mà họ đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam, cả ở quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa. Hay gần đây, Trung Quốc nhiều lần kéo tàu thăm dò địa chất đến khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại bãi Tư Chính. Trung Quốc cũng có hành vi tương tự đối với một số khu vực gần Philippines, mà đỉnh điểm là họ lợi dụng sự thiếu kiên quyết của “chủ nhà” đã ngang nhiên chiếm đoạt bãi Scarborough từ tay Philippines vào tháng 6-2012.
Việc Trung Quốc sử dụng nhiều cách để “cài cắm” "đường lưỡi bò" vào các tài liệu, ấn phẩm đến các nước láng giềng là một trong những cách thức nhằm mục đích hiện thực hóa từ yêu sách. Chúng ta đều biết rằng, dẫu Trung Quốc có hàng triệu, hàng tỉ ấn phẩm có đưa "đường lưỡi bò" vào trong đó thì cũng không thể biến một đòi hỏi phi lý thành hiện thực được, nhưng đó là cách để lan tỏa dần một yêu sách, sẽ dần làm cho người dân Trung Quốc tin tưởng đòi hỏi đó là chính đáng, là đúng luật pháp quốc tế, còn người dân các nước có thể dần quen thuộc với đòi hỏi đó. Khi một điều nói dối hay xảo trá được lặp đi lặp lại mãi qua nhiều năm, nhiều thế hệ bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện, thì đến lúc nào đó nó có thể trở thành một thứ như sự thật, có thể được thừa nhận như một chân lý. Sự tinh vi và nham hiểm của phía Trung Quốc là như vậy.
Do đó, đừng bao giờ ngộ nhận rằng, “thôi kệ, cái "đường lưỡi bò" vô giá trị đó mắc gì bận tâm” hay “‘đường lưỡi bò’ chỉ xuất hiện trên phim có mấy giây thì việc gì phải ồn ào” hoặc “họ chỉ nói trên giấy chứ có làm được ở thực tế đâu mà phải lo nghĩ”… Bởi tuy từ “trên giấy” hay yêu sách bằng lời đến thực tế có thể rất xa nhưng nếu chúng ta không cảnh giác, không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì dần dần phía đối phương sẽ đạt được ý đồ, ít nhất ở khía cạnh chấp nhận về mặt nhận thức và không còn quyết liệt phản đối.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta kiên quyết phản đối "đường lưỡi bò" dưới mọi hình thức và quan tâm đến một số điều sau:
Thứ nhất, cảnh giác với bất cứ ấn phẩm, tài liệu (sách, báo, phim, bản đồ, đồ chơi…) có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc một quốc gia, vùng lãnh thổ nào khác có liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, trong đó có yêu sách "đường lưỡi bò". Nếu phát hiện có thông tin, chú thích sai trái về chủ quyền trên biển Đông thì phải lập tức báo với cơ quan chức năng để thu hồi, tiêu hủy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân tàng trữ, sử dụng ấn phẩm, tài liệu đó.
Thứ hai, tuyệt đối không tuyên truyền, phát tán, quảng bá các tài liệu, ấn phẩm có nội dung sai trái hoặc không rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông (như gọi biển Đông là “biển Nam Trung Hoa”, sử dụng tên gọi “Tam Sa” hoặc “Tứ Sa” để chỉ vùng lãnh thổ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam…). Đặc biệt chú ý các loại ấn phẩm, tài liệu sử dụng tiếng Hoa mà người dùng không chắc chắn nội dung của nó nói về điều gì.
Thứ ba, không sử dụng, giới thiệu bất cứ tài liệu gì cho rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với bất kỳ một vùng lãnh thổ hay một khu vực nào, hoặc thừa nhận có nội dung tương tự, dù rằng không nhắc gì đến biển Đông. Bởi nếu chúng ta thừa nhận chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các khu vực khác thì có thể chúng ta sẽ sa vào bẫy pháp lý đối với một số khu vực trên biển Đông, nhất là trong "đường lưỡi bò", bởi Trung Quốc lâu nay cũng luôn rêu rao rằng họ có “chủ quyền lịch sử” đối với phần lớn biển Đông.
Thứ tư, trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, chúng ta không phải chỉ cảnh giác và đấu tranh với Trung Quốc mà còn với một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, như Philippines, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Mỹ… Do đó, không vì quá tập trung cảnh giác vào đối tượng này là sơ hở, mất cảnh giác với đối tượng khác trong khi chủ quyền quốc gia, dân tộc thì chỉ có một.
Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ có ứng xử phù hợp với "đường lưỡi bò" mà còn cần ứng xử hợp lý với nhiều vấn đề khác liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chẳng hạn, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình và trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và đấu tranh chống các luận điệu xuyên tác, công kích của các thế lực thù địch, của các nhà “rận chủ”… Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để toàn dân nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới…

Đăng nhận xét

 
Top