Đó là nhận xét của không ít người khi dự các cuộc họp, nhất là ở cấp cơ sở. Và ở rất nhiều hội nghị, đại biểu còn xì xào về những ý kiến phát biểu sáo rỗng, kiểu “nói như rồng leo” nhưng nội dung thì nghèo nàn, toàn phô trương thành tích của cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; không có tính đấu tranh phê bình, không thẳng thắn nêu những thiếu sót, bất cập cần tháo gỡ bằng những giải pháp thiết thực... nên thiếu tính thuyết phục.
Dự
những cuộc họp với nội dung báo cáo và những lời phát biểu sáo rỗng, không hề
có giá trị cả về lý luận, nhận thức và thực tiễn; chỉ "diễn" và...
khen ấy, hẳn ai cũng thấy bực mình vì đã không hữu ích lại tốn thời gian.
Vì
sao tình trạng này vẫn cứ diễn ra?
Về
mặt tâm lý, tục ngữ có câu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Hầu như ai cũng
muốn khoe cái tốt đẹp của mình và cố tình giấu những thiếu sót, khuyết điểm...
Thành
ngữ cũng có câu “sự thật mất lòng” nên nhiều người “dĩ hòa vi quý”, chỉ sợ nếu
nói thẳng, nói thật thì... rước họa vào thân! Thậm chí, không ít người còn nhắc
nhau “đừng tự bôi mỡ vào người cho kiến đốt”.
Một
nguyên nhân nữa là trình độ, năng lực, nắm bắt thực tiễn của không ít cán bộ,
nhân viên chưa chắc, chưa tốt nên đành phát biểu, báo cáo chung chung. Cũng có
người lại coi đây là cơ hội để... tung hô cấp trên.
Còn
nhiều lý do nữa, nhưng thiết nghĩ nguyên nhân trực tiếp, cơ bản, quan trọng,
quyết định nhất chính là “tâm và tầm” của cán bộ chủ trì hội nghị. Khi người
đứng đầu không muốn có những bản báo cáo, những ý kiến phát biểu trung thực,
trách nhiệm, chất lượng; ngược lại, chỉ thích khen nịnh, mắc “bệnh thành tích”
thì tình trạng báo cáo và phát biểu sáo rỗng sẽ ngày càng trầm trọng.
Hậu
quả là chúng ta không chỉ phí thời gian họp, mà còn dần trở thành quan liêu;
nhiều thiếu sót, khuyết điểm, bất cập không được phát hiện, giải quyết kịp thời
và hiệu quả. Chưa kể, việc báo cáo, phát biểu sáo rỗng, không đúng thực tế còn
là nguyên nhân dẫn đến nhân dân, cấp dưới mất niềm tin, kìm hãm sự phát triển.
Đại
hội XIII của Đảng lần đầu tiên nêu rõ việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6
dám”, gồm: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng
tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Trong đó, “dám nói” chính là tinh
thần dũng cảm phê bình, phản biện, đề xuất sáng kiến để từ đó có quyết sách
đúng; không chấp nhận những cán bộ “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ,
thấy sai không đấu tranh, vì như thế thành hại Đảng, hại dân, hại nước.
Tại
phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh
Chính đã chỉ đạo cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức các phiên họp, từ khâu
tổ chức, báo cáo tới khâu thảo luận, phát biểu. Trong đó, việc xây dựng các báo
cáo phải theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ
kiểm tra, dễ đánh giá, tập trung vào những công việc trọng tâm...
Đã
đến lúc, chúng ta phải kiên quyết nói không với những bản báo cáo và những lời
phát biểu sáo rỗng. Bởi, việc không thẳng thắn nói thật, không góp ý, phản biện
sẽ khiến những yếu kém, khuyết điểm cứ dây dưa kéo dài. Đây cũng là một trong
những biểu hiện của sự suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ.
Các
cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đang chuẩn bị và tổ chức hội nghị sơ
kết 6 tháng đầu năm. Hy vọng rằng ngay từ hội nghị này sẽ không còn những bản
báo cáo, những lời phát biểu sáo rỗng, thiếu chất lượng. Muốn thế, trước hết
cần sự nghiêm túc, quyết tâm chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm của những người đứng
đầu./.
Đăng nhận xét