Vừa qua, việc tử tù Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Tánh Linh, Bình Thuận) trốn khỏi Trại tạm giam Chí Hòa gây xôn xao dư luận. Báo Người Lao Động giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích một số nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thi hành án tử hình.



Thi hành án tử hình là hoạt động quan trọng, tước đi quyền sống - quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người được ghi nhận trong Hiến pháp. Do đó, hoạt động này được quy định rất chặt chẽ về trình tự cả trước, trong và sau khi thi hành án, trong đó có thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. 

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TAND Tối cao; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng VKSND Tối cao. 

Hai chủ thể này sẽ tiến hành xem xét, quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 2 tháng. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc như sau : 

Thứ nhất, luật không quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm. Theo đó, luật chỉ quy định thời hạn người bị kết án gửi đơn xin ân giảm cho Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm hay bác đơn xin ân giảm. 

Đồng thời, thủ tục thi hành án còn có thời hạn tiến hành, nhưng luật không quy định thời hạn xem xét đơn xin ân giảm. Nếu hết thời hạn xem xét kháng nghị mà Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị mà Chủ tịch nước chưa có quyết định về việc xem xét đơn xin ân giảm thì thủ tục thi hành án tử hình cũng không được thi hành.

Thứ hai, trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án để làm đơn xin ân giảm. 

Vậy, thông báo ngay được hiểu như thế nào? Một ngày, hai ngày hay ngay trong ngày có quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm? Như vậy, luật còn bỏ ngỏ quy định này dẫn đến khó khăn trong khi thi hành trên thực tế.

Thứ ba, thời hạn để Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét quyết định kháng nghị hay không kháng nghị là 2 tháng. Trong thời gian đó, nếu đã ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị thì các chủ thể này có quyền thay đổi hay không? 

Hiện nay, luật chưa có quy định về vấn đề này nhưng trên thực tế đã có trường hợp rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm? Do đó, để tạo tính pháp lý cho hoạt động này, cần bổ sung quy định có liên quan

-Người Lao Động-

Đăng nhận xét

 
Top