Nhiều thế lực thù địch, phần tử phản động đang lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tung những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công cuộc phòng, chống dịch.



1. Hơn 100 bài viết chống phá, xuyên tạc liên quan đến dịch Covid-19

Vào thời điểm cả nước đang tích cực phòng, chống dịch Covid-19, một số đối tượng phản động, trang thông tin “lề trái” đã lợi dụng cơ hội này để tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo thống kê từ Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), từ đầu tháng 7/2021 đến nay trên các trang đài báo nước ngoài (như BBC, RFA, Việt Nam thời báo…) đã có hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch Covid-19. Chủ yếu các bài viết này xuyên tạc về công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam, kích động để gây chia rẽ giữa người dân và chính quyền.

Một số tài khoản mạng xã hội của các tổ chức phản động bên ngoài (như Việt Tân, nhật ký yêu nước…) và các tài khoản có âm mưu xấu đã đăng tải những luồng thông tin sai sự thật làm hoang mang dư luận trong nước.

Điển hình như những tin giả: “Từ 0h ngày 15/7, TP.HCM sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài”, “lãnh đạo TP.HCM đã nhiễm Covid-19”, hay bức ảnh nhiều thi thể nạn nhân trong bệnh viện, được chụp ở Indonesia thì lại bị các đối tượng gán là “chụp ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM”… Những thông tin này không chỉ gây hoang mang dư luận, mà còn khiến cho công cuộc phòng chống đại dịch của Việt Nam bị ảnh hưởng xấu.

Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an) khuyến cáo: Mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần ý thức trách nhiệm với chính bản thân, với cộng đồng; có hiểu biết về pháp luật, xây dựng được ý thức cảnh giác với tin giả. Người dân cần tỉnh táo, thận trọng trong việc đưa và tiếp nhận thông tin, chia sẻ, bình luận.

Theo khuyến cáo, người dân nên chọn lọc thông tin từ các nguồn báo chí, truyền hình, phát thanh chính thống để đảm bảo việc phòng, chống dịch được thực hiện tốt. Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ các thông tin xấu, góp phần loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Trước khi chia sẻ một thông tin gì, người tham gia mạng xã hội cần bình tâm suy xét, nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, nghĩ đến hậu quả nếu đó là tin giả để thận trọng hơn.

Người chia sẻ các thông tin giả mạo cũng đứng trước hậu quả pháp lý

Ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật sư Chính pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một số đối tượng xấu cố tình gây rối, đưa thông tin sai sự thật để trục lợi hoặc với mục đích xấu, chống phá chính quyền. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, thực tế mạng xã hội là công cụ hiệu quả để tuyên truyền thông tin, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên đây cũng lại là công cụ để những đối tượng xấu lợi dụng nhằm tuyên truyền, đưa tin sai sự thật.



Việc xuất hiện, lan truyền các tin giả có thể tác động đến tâm lý, đời sống của cộng đồng, dễ dẫn đến người dân lo sợ thái quá, hoảng hốt, phản ứng dây chuyền, nguy cơ gây mất kiểm soát, ảnh hưởng đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hoặc đôi khi những thông tin sai sự thật lại khiến người dân lơ là, thiếu cảnh giác, chủ quan với tình hinh dịch bệnh dẫn đến hậu quả nặng nề.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…

“Trường hợp nặng hơn, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, nếu người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.” – Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Có thể nói, tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội ngày nay là một dạng “tâm lý chiến” nguy hiểm. Các thế lực thù địch và những đối tượng xấu đang lợi dụng và coi đây là thứ vũ khí lợi hại để tấn công, hòng gây nhiễu loạn an ninh xã hội.

“Để ngăn chặn các tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân, thì đầu tiên, cần sự kiểm soát của cơ quan chức năng đối với việc công khai thông tin, kiểm soát chặt chẽ với các thông tin, phát ngôn chính thống; Chủ động công khai, minh bạch thông tin những chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề.” – Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến./.

 

Đăng nhận xét

 
Top