Cách đây 234 năm, vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ghi dấu ấn sâu đậm vào trang sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.



Đúng vậy! Hơn hai thế kỷ trước đây, trong hoàn cảnh nước ta có nhiều biến loạn, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê; ở Đàng Trong, chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, nhũng nhiễu; đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than. Lợi dụng tình cảnh ấy, nhà Thanh từ phương Bắc ào ạt đưa 29 vạn quân tràn sang nước ta hòng xâm chiếm đất đai, đồng hóa dân tộc, biến dân ta thành dân nước họ, biến nước ta thành một quận, huyện của họ.

Trong bối cảnh “nước mất nhà tan”, “triều đình phong kiến suy tàn”, lại bị nguy cơ đồng hóa, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, đã nhanh chóng rời Phú Xuân - Bình Định, tiến công ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức 15-1-1789, đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Ninh Bình.

Dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn chia làm 5 đạo quân, từ căn cứ Tam Điệp, đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu 1789 đã thần tốc, táo bạo, dũng mãnh tiến công về Thăng Long. Vào lúc rạng sáng - canh Năm, ngày mùng 5 Tết. Quang Trung ra lệnh mở màn và trực tiếp chỉ huy trận đánh vỗ mặt dữ dội vào đại đồn Ngọc Hồi. Với khí thế như chẻ tre, nghĩa quân Tây Sơn tiến thẳng vào Thăng Long, đánh phá “long trời lở đất” đạo quân chốt giữ “xứ Đống Đa” và “đồn Đống Đa”, buộc thái thú Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử; đội thân binh tinh nhuệ và trung thành của họ Sầm cũng tự sát theo chủ... Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào hoan hỷ của nhân dân Thăng Long.

Những kẻ xâm lược bị tiêu diệt, chiến dịch giải phóng Thăng Long đã đại thắng. Nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan hàng vạn quân Thanh xâm lược, đập tan các thế lực ngoại xâm, sự nhu nhược và hèn yếu của các thế lực phong kiến, tay sai; giành lại giang sơn gấm vóc; đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho nhân dân; thống nhất đất nước; mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của dân tộc.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã hoàn thành sứ mệnh đánh đuổi quân xâm lược, cứu giống nòi, giành lại giang sơn gấm vóc. Các thủ lĩnh Tây Sơn, đứng đầu là Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được các tầng lớp nhân dân hết lòng ủng hộ, các anh hùng, hào kiệt và sĩ phu yêu nước nhiệt tình hưởng ứng; “trên thì thuận theo ý trời, dưới thì hợp lòng dân” nên cuộc khởi nghĩa mang đậm tính nhân văn, nhân đạo và chính nghĩa. Nhờ đó, nó đã nhanh chóng phát triển thành phong trào giải phóng dân tộc; đã dạy cho quân địch bài học nhớ đời: “đem quân xâm lược Việt Nam sẽ bị trừng trị đích đáng”.

234 năm đã đi qua nhưng trong sâu thẳm trái tim cán bộ, chiến sĩ Quân đội và hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước đều tự hào và hướng về Gò Đống Đa - nơi chiến tích đồ sộ ghi rõ chiến công hiển hách với nét vàng son độc đáo: “Chiến thắng của lòng dân, sức nước”. Nó mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, đọng lại nơi lòng dân đất Việt; cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta vì nó khởi đầu năm mới với sự tinh túy nhất của hồn thiêng sông núi, linh khí khôn thiêng của mùa xuân, tiêu biểu cho ý chí quật cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng quả cảm và sự sáng tạo của nhân dân ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tỏa sáng chiến lược quân sự tài tình: bí mật, thần tốc, dũng mãnh, bất ngờ của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đồng thời, khẳng định nghệ thuật quân sự đặc sắc, độc đáo của những người lính Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc; là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh, tiến tới tổng công kích, đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc.

St

Đăng nhận xét

 
Top