Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.



Thế nhưng lợi dụng vấn đề này các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt chúng móc nối, tập hợp, phát triển các tà đạo nhằm xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó nhằm hình thành các lực lượng đối lập với Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo (Tính đến tháng 9/2021, Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Ngoài ra, còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 1 triệu tín đồ). Đảng, Nhà nước ta luôn xác định đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ; được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật. Việc theo đạo và truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan; không được khống chế, ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái pháp luật.

Tuy nhiên quy định của pháp luật là như vậy nhưng thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới có tính chất mê tín dị đoan, phản khoa học như: Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, Thanh Hải vô thượng sư, Bà cô Dợ, Pháp luân công, Pháp môn diệu âm... được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân. Những tà đạo này được truyền bá, phổ biến theo nhiều hình thức truyền thông như trên Internet, Facebook, Zalo... Hoạt động của những tà đạo đội lốt tôn giáo không ngừng gia tăng, với nhiều hình thức biến tướng như: Lôi kéo, lừa gạt mọi người để tham gia, đặc biệt là lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đi theo; hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan; vi phạm pháp luật...

Hoạt động truyền đạo như đã nói trên là vi phạm pháp luật Nhà nước và quy định của các địa phương. Đáng chú ý, một số người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hòng trục lợi về kinh tế, tạo thanh thế cá nhân; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng việc này phát triển các tà đạo nhằm xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển "tôn giáo" nhằm mục tiêu chống phá chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là nguyên nhân cơ bản phát sinh, phát triển các tà đạo thời gian qua. Không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự an toàn xã hội, sự xuất hiện của tà đạo nói trên còn tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống xã hội, gây bức xúc trong nhân dân; làm thay đổi xáo trộn về nếp sống, tập quán truyền thống; xâm phạm về tài sản, tiền bạc, vật chất, thời gian lao động, thậm chí xâm phạm cả nhân phẩm của con người; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Để ngăn chặn hoạt động truyền bá tà đạo và lôi kéo mọi người tham gia đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo; quản lý hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng mà phải đi vào chiều sâu quản lý các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, hướng các hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp; thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, tránh xa những cám dỗ không lành mạnh. Đồng thời, đối với những đối tượng chủ mưu, đứng đầu các tà đạo, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phải kịp thời có biện pháp, chế tài xử lý kiên quyết, triệt để./.

Đăng nhận xét

 
Top