Những năm qua, để thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa
bình” các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo để
chống phá Việt Nam.
Thủ đoạn của chúng là lợi dụng khi cơ quan chức năng xử lý các cá
nhân, tổ chức tôn giáo vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực
như đất đai, xây dựng, môi trường hay vi phạm trong các hoạt động tôn giáo để
thông qua một vài trang mạng thiếu thiện chí ở hải ngoại lu loa tuyên truyền
xuyên tạc, vu cáo rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, thậm chí đàn áp tôn
giáo...
Như mọi người cũng biết tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương, chính sách nhất
quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định bảo
đảm tự do tôn giáo và công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng
đặc biệt. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, phát huy sức mạnh của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng
lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tập trung hoàn thiện
và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính
sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt
đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc…”.
Khoản 1, Ðiều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo
bình đẳng trước pháp luật”.
Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo năm 2016. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành các Nghị định và nhiều văn
bản luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng tốt hơn.
Theo sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam"
xuất bản năm 2023, thì ở Việt Nam có 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác
nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi
giáo, Tôn giáo Baha'i,... với trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27%
dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự.
Từ nhiều năm nay, ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn
giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo. Người theo các tín
ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đảng, Chính phủ đều luôn xác định, đồng bào các tôn giáo luôn là
một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và họ đã có
những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc,
đoàn kết tôn giáo, huy động nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Tuy nhiên, thời gian qua, ở Việt Nam xuất hiện tình trạng một số
tổ chức, hội, nhóm tôn giáo trá hình, hoạt động trái pháp luật núp bóng tôn
giáo để trục lợi, xâm phạm an ninh quốc gia; móc nối với các tổ chức phản động
bên ngoài nhằm mưu đồ mục đích chính trị xấu. Bên cạnh đó, một cá nhân, tổ
chức, hội, nhóm này còn mưu toan tập hợp lực lượng, quy tụ những phần tử
cực đoan trong các tôn giáo, xây dựng tổ chức, hình thành các cơ sở, mạng lưới
để tập hợp khi cần.
Khi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp
triệu tập, bắt giữ, xử lý đối với những đối tượng hoạt động lợi dụng tôn giáo
để vi phạm pháp luật thì các đối tượng lại "lu loa" lên rằng chính
quyền đán áp tôn giáo, ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng tôn giáo, kêu gọi
các cá nhân, tổ chức quốc tế can thiệp... đặc biệt là gửi thư kêu gọi Tổng
thống Mỹ Joe Biden nêu ý kiến về tự do tôn giáo nhân chuyến thăm Việt Nam ngày
10 và 11/9/2023 vừa qua...
Như vậy, có thể nói ở Việt Nam mọi công dân đều có quyền tự do tín
ngưỡng tôn giáo và quyền này được quy định trong Hiến pháp và pháp luật bảo hộ,
đồng thời cũng khẳng định mọi người muốn thể hiện quyền tự do tôn giáo đều phải
trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Không ai được lợi dụng quyền tự do tín
ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật và mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm
theo quy định của pháp luật./.
Đăng nhận xét