Ngày 16/01/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, khủng bố, tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Căn cứ kết quả điều tra và chứng cứ thu thập được, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 bị cáo về tội “Khủng bố”, 1 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” và 1 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm”.



Sau 1,5 ngày xét xử, chiều ngày 20/01/2023, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 100 bị cáo về các tội danh: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm. Đồng thời, sau khi xem xét khách quan, toàn diện vụ án, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, khoan hồng của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 10 án tù chung thân về tội “Khủng bố”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trước, trong và sau phiên tòa sơ thẩm thì các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước đã ra sức lu loa trên các trang mạng xã hội với những luận điệu cho rằng: “Các bị cáo là nạn nhân của chính quyền”, “vụ xả súng tại Đắk Lắk không phải là khủng bố mà là sự phản kháng của người dân bản địa tại Tây Nguyên trước sự đàn áp của chính quyền”, “những năm qua chính quyền tìm mọi cách để ngăn cản đồng bào bản địa thực hiện quyền tự do tôn giáo cũng như chiếm đoạt hết đất đai của bà con đồng bào”; “Việc xét xử lưu động vụ án này là hết sức đáng lên án, vô nhân đạo, thể hiện sự phân biệt sắc tộc nghiêm trọng”. Ngoài ra, nhiều đối tượng cơ hội, chống đối khác cũng cố tình đổi trắng thay đen, xuyên tạc bản chất vụ án, cố gắng “tẩy trắng” cho những người phạm tội và đổ lỗi cho chính quyền.

Như mọi người đều biết, vụ án xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người, làm mất ổn định xã hội và gây hoang mang dư luận. Qua quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã thu thập tài liệu, chứng cứ và phân hóa vị trí, vai trò, mức độ tham gia của các bị cáo trong vụ án. Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng phản động ở nước ngoài đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện hành vi móc nối, dụ dỗ, lôi kéo thành lập tổ chức khủng bố. Bên cạnh đó, các đối tượng phản động trong nước đã nhận tiền, chuẩn bị vũ khí và triển khai kế hoạch thực hiện hoạt động khủng bố, phá hoại theo chỉ đạo của các đối tượng ở nước ngoài. Rõ ràng, hành động khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chuẩn bị kỹ, được kích động bởi các thế lực bên ngoài. Những luận điệu đổ lỗi cho chính quyền suy cho cùng cũng chỉ là một thủ đoạn chính trị hèn hạ để lấp liếm cho bản chất khủng bố, chống phá.

Việc các cơ quan chức năng đưa các đối tượng ra xét xử lưu động đã thể hiện các hoạt động tố tụng một cách khách quan, thận trọng, đúng quy trình, quy định. Mọi quyền lợi của các bị can đều được bảo đảm. Việc xét xử lưu động thể hiện rõ sự công khai, minh bạch, tạo điều kiện để mọi người có thể trực tiếp theo dõi, giám sát phiên tòa. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, góp phần phòng ngừa tội phạm. Mặt khác, việc xử lý người vi phạm được thực hiện nghiêm minh, bảo đảm đúng người, đúng tội.

Do đó những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng về phiên tòa là hết sức phi lý, không có tính chất xây dựng và cố tình làm phức tạp thêm tình hình để các cá nhân, tổ chức có thù địch với Việt Nam tình cách can thiệp, tác động, gây sức ép các cơ quan chức năng trong quá trình xét xử. Vì vậy, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt không để mắc mưu của các đối tượng; đồng thời cũng tự nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành các quy định pháp luật của mình đối với cộng đồng và xã hội./.

Đăng nhận xét

 
Top