“Phản biện xã hội” là sự tham gia của cá nhân, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội… 



Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đoàn kết, tập hợp sức mạnh các giai tầng xã hội để hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đảng luôn khuyến khích “phản biện xã hội” và coi đây là một biện pháp quan trọng để tiếp thu các ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhằm phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những ý kiến đóng góp tích cực, trên tinh thần xây dựng thì vẫn còn một số tổ chức, cá nhân lợi dụng “phản biện xã hội” để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Cụ thể, trên mạng xã hội có không ít người tự cho mình là người “phản biện”, có tư tưởng “tiến bộ”, lấy danh nghĩa “phản biện xã hội” để nêu những ý kiến về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ những vấn đề lớn của đất nước đến các chính sách, quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương, từ đó, kích động, xuyên tạc, cho rằng: Chúng ta đang xây dựng một xã hội “thiếu không gian tự do”, “tự do là không chính trị”…

Nguy hiểm hơn, một số trường hợp sau khi rời các vị trí, chức vụ trong Đảng, Nhà nước thì vì tư lợi hẹp hòi, vì động cơ xấu, họ lại lợi dụng danh nghĩa phản biện để đưa ra những quan điểm trái khoáy, lấy cớ góp ý với Đảng, Nhà nước mà mục đích chính là nhằm làm mất niềm tin trong nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ.

Thời gian gần đây, lợi dụng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã xuất hiện một số trường hợp lợi dụng “phản biện xã hội” để đánh tráo bản chất, làm cho người dân hiểu sai từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước”. Thậm chí, một số trường hợp còn xuyên tạc rằng việc sửa luật nhằm tạo “lợi ích nhóm”…

Mục đích của những trường hợp trên nhằm thu hút sự chú ý của người đọc đối với những bài viết của họ và tấn công trực diện vào các chủ trương, đường lối, chính sách, uy tín của Đảng và Nhà nước, phủ nhận tất cả những thành quả mà đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thậm chí tung ra các bài viết, bình luận bằng các ngôn từ cay độc, vô văn hóa, vô đạo đức…

Rõ ràng, “phản biện xã hội” nếu được thực hiện một cách có hiệu quả có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, làm cho các chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện, đem lại hiệu quả tốt hơn. Khác với đả kích, nói xấu, bôi nhọ mang tính chống đối, lật đổ, xuyên tạc sự thật, phản biện xã hội mang tính xây dựng, hỗ trợ, vì mục tiêu chung.

Vì vậy, mỗi người khi tiếp cận các thông tin được cho là “phản biện xã hội” đăng tải trên không gian mạng cần trang bị cho mình “bộ lọc” và có chủ kiến khi tiếp cận các vấn đề phản biện. Đặc biệt, với người được các thế lực xấu tung hô, ca ngợi là “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”… thì phải cẩn trọng thanh lọc. Không nên vội vàng đọc mà tin ngay vào các ý kiến dạng phản biện của ai đó khi mình chưa xác định được đầy đủ về tính chính xác của thông tin, động cơ của việc nêu ý kiến đó. Đặc biệt, cần cảnh giác với thông tin được đưa ra từ những người vốn có thành kiến, có âm mưu, hành động chống phá Đảng, Nhà nước.

 St

Đăng nhận xét

 
Top