Trước sự bùng nổ và tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các nền tảng giải trí, ai cũng có thể dễ dàng nổi tiếng. Có lẽ vì “hào quang” ảo đó, nhiều người đã làm những video phản cảm, dân chủ quá trớn, thậm chí làm các clip trêu ghẹo Cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ để câu view hoặc quay CSGT đang làm nhiệm vụ để tạo áp lực... Họ đâu biết rằng trong thế giới ảo ấy lại gây ra những hệ lụy thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho đời sống xã hội.

“Trào lưu” quay clip CSGT làm nhiệm vụ

Một nữ Tiktoker gần đây đã tạo sự chú ý và tranh cãi khi liên tục quay clip có hành động gây rối, trêu ghẹo lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Người phụ nữ này có hành động lẽo đẽo đi theo, áp sát các chiến sĩ CSGT, liên tục nói câu “em yêu anh” và gọi tên các đồng chí cảnh sát, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Đáng nói hành vi của người phụ nữ này diễn ra trong nhiều ngày, nhắm vào nhiều CSGT tại nhiều chốt trên địa bàn Hà Nội. Các clip gây rối, trêu ghẹo CSGT sau đó đã được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… thu hút đông đảo lượt tương tác mỗi ngày. Dưới các clip được đăng tải, một bộ phận cộng đồng mạng cho rằng hành vi của người phụ nữ là quá trớn, gây ảnh hưởng đến lực lượng chức năng, làm phiền người khác, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Phản ứng về các clip này, một người dùng mạng xã hội có nick Lê Hòa Đồng bày tỏ quan điểm: “Đang giờ làm việc của các đồng chí CSGT, đừng để ảnh hưởng đến công việc của họ, đừng để họ phải bị khiển trách. Cơ quan chức năng cần phải có biện pháp ngăn chặn hành vi lố lăng này, không thể để tiếp diễn”. Trong khi đó chị Nguyễn Thu Phương, nhân viên ngân hàng (Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Tôi không hiểu nổi những clip như thế này hay ở chỗ nào? Một sự lố lăng, cợt nhả… vô duyên”.

Mặc dù vậy, phía dưới mỗi clip vẫn có nhiều các ý kiến bình luận coi đây là một trò đùa có "tính giải trí" cao, số lượng người thả biểu tượng tim, like hay mặt cười chiếm đa số. Tài khoản Lưu Thị Huyền91 bình luận: "A Tuấn khó thế, a Nam, a Quang vừa tử tế, vừa tinh tế". Tài khoản Linh Hà thì viết: "Lại phải cho thêm a Nam vào danh sách những a thân thiện, dịu dàng"… Dù không trực tiếp nhưng những tương tác này như một sự cổ vũ, khuyến khích gián tiếp khiến nữ Tiktoker tiếp tục thực hiện hành vi của mình.

Rõ ràng hành động của người phụ nữ này là không thể chấp nhận được, CSGT là lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ nhằm giảm thiểu các vi phạm có thể gây mất an toàn giao thông.

Trước hành động quá trớn này, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, qua xác minh ban đầu, người phụ nữ có dấu hiệu bị ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý. Nguyên nhân là chị này từng trải qua một vụ tai nạn giao thông. Trước tình trạng trên, cán bộ CSGT đã nhắc nhở và cương quyết yêu cầu người phụ nữ dừng ngay hành động này. Đồng thời, Đội CSGT số 1 đã yêu cầu chị viết cam kết không tái phạm hành vi này.

Dư luận không chỉ bức xúc với những clip “làm trò, cợt nhả quá trớn” mà thời gian gần đây còn bức xúc với các video của một người hoặc nhóm chuyên đi quay các chốt CSGT và Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đang làm nhiệm vụ. Các đối tượng này lợi dụng việc “giám sát” để tạo áp lực, thậm chí uy hiếp, can thiệp đến lực lượng làm nhiệm vụ. Hành động của những người này rất nhạy cảm, họ đứng ở lằn ranh giới mong manh giữa “giám sát” lực lượng thực thi công vụ và vi phạm pháp luật.

Nổi nhất trong số này chính là TikToker “Tuấn Phò Mã 36”, người thường xuyên có những clip đối phó với CSGT, CSCĐ trong quá trình làm nhiệm vụ. Trong các video đăng tải của mình, TikToker này thường xuyên hướng dẫn các tài xế lái xe an toàn trên các cung đường, đồng thời chia sẻ các tình huống tranh luận với lực lượng CSGT, CSCĐ trong quá trình làm nhiệm vụ và xử lý vi phạm. Đáng nói, kênh TikTok của “Tuấn Phò Mã 36” hiện nay có gần 190.000 lượt theo dõi và hàng triệu lượt thích. Trong khi đó kênh YouTube “Tuấn Phò Mã 36” cũng có gần 10.000 lượt đăng ký và mỗi video đăng lên cũng thu hút hàng chục nghìn lượt xem và có nhiều clip được cho là "gây nhiễu" khi can thiệp cả việc xử lý vi phạm của CSGT.

Ranh giới mong manh giữa giám sát và vi phạm

Liên quan đến việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT, CSCĐ khi thi hành công vụ có nhiều ý kiến tranh luận. Có ý kiến cho rằng, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT, CSCĐ nên việc ghi âm, ghi hình rồi phát trực tiếp lên mạng xã hội là bình thường, là quyền của người dân. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ý kiến không đồng tình, vì người dân có quyền giám sát nhưng không được lạm dụng quyền này để cản trở hoạt động nghiệp vụ, xâm phạm các quyền về hình ảnh cá nhân.

Một vụ việc xảy ra vào tối ngày 12/2/2023, tổ công tác Y11/141 thực hiện lập chốt tại nút giao Lê Trọng Tấn – Khu đô thị Park City (Hà Đông). Một phần đường Lê Trọng Tấn (hướng từ Hoài Đức đi Hà Đông) được lực lượng chức năng ngăn lại để kiểm tra nồng độ cồn với tài xế. Đến 20h35 phút cùng ngày, tổ công tác yêu cầu dừng ô tô mang BKS 30H- 484.XX do tài xế V.Đ.N. (SN 1995), trú tại Phú Thọ, điều khiển để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế này không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, mà yêu cầu tổ Cảnh sát 141 cho kiểm tra chuyên đề, kế hoạch công tác.

Trung tá Nguyễn Đức Huấn, tổ trưởng Tổ công tác Y11/141 giải thích cho tài xế V.Đ.N. biết về việc, người vi phạm không được phép kiểm tra chuyên đề của tổ Cảnh sát 141 vì đây là kế hoạch mật do Công an Hà Nội ban hành. Nhưng tài xế N. tiếp tục yêu cầu phải cho xem kế hoạch. Tài xế liên tục dùng điện thoại quay clip và phát trực tiếp sự việc lên mạng xã hội (MXH), kêu gọi những người khác đến chốt kiểm tra để giúp sức. Sự việc kéo dài đến 23h30 phút cùng ngày, tuy tài xế không chịu hợp tác nhưng lực lượng Cảnh sát 141 vẫn kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Chưa kể, một số kẻ xấu lợi dụng quyền này với mục đích gây rối trật tự xã hội, phá hoại, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ. Nói về vấn đề này, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho rằng, việc công dân quay phim, chụp ảnh để giám sát lực lượng chức năng làm nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật là bình thường. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đòi quay video muốn sử dụng nền tảng MXH để câu like, câu view, các lực lượng chức năng có nhiệm vụ giải thích các thông tư, nghị định cũng như chỉ cho họ các trang công khai kế hoạch…

“Được giải thích, nhưng họ vẫn cố tình không chấp hành, cán bộ làm nhiệm vụ sẽ lập biên bản và lấy nhân chứng là người xung quanh, dùng thiết bị nghiệp vụ quay lại các hành vi vi phạm để làm cơ sở xử lý sau này…” - Thiếu tá Chiến nhấn mạnh.

Tháng 4/2019, Công an TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) thực hiện lệnh khám xét nhà khẩn cấp và bắt tạm giam đối với Trần Đình Sang (SN 1980), trú tại tổ 40, phường Minh Tân, TP Yên Bái, để làm rõ hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Ngày 18/9/2019, TAND TP Yên Bái đã tổ chức xét xử sơ thẩm với bị cáo Trần Đình Sang. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ và quy định tại Khoản 1, Điều 330 của Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ, HĐXX tuyên phạt Trần Đình Sang 2 năm tù giam.

Nhắc đến Trần Đình Sang, cư dân mạng đã trở nên quen thuộc với trang MXH Facebook “Trần Đình Sang và những người bạn” với 99.101 lượt người thích và 173.418 người theo dõi. Đây là một người chuyên đăng tải những hình ảnh, video clip để gây rối và hạ uy tín của lực lượng Công an trên toàn quốc.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, luật pháp hiện hành không cấm người dân quay phim, chụp ảnh, giám sát lực lượng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. Người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Từ ngày 15/1/2020, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Việc ghi hình được quy định trong Thông tư 67/2019/TT-BCA, cụ thể người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải bảo đảm các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác.

Đặc biệt, trước khi thực hiện quyền giám sát thì chính người dân cần thực hiện nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật. Qua đó tránh hành vi chống đối, thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật và bị xử lý trách nhiệm hình sự.

 St

Đăng nhận xét

 
Top