Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh việc xác định các mối đe dọa từ an ninh truyền thống, Đảng ta còn chỉ rõ các thách thức an ninh phi truyền thống đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, nhận diện và đề ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả đối với thách thức này là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Tư duy và nhận thức
của Đảng về an ninh phi truyền thống
An ninh phi truyền thống
là khái niệm không mới nhưng do tính chất phức tạp cùng hậu quả nặng nề mà nó
gây ra đối với đời sống con người đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều
quốc gia, tổ chức và cộng đồng quốc tế. Trên thực tiễn, các thách thức an ninh
phi truyền thống đã, đang hiện hữu, nếu không được kiểm soát, xử lý hiệu quả
thì nó ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, sự phát triển,
tồn tại của quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam các thách thức an ninh phi
truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh
vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Cũng từ thực tiễn đó, việc nhận thức và
nhận diện vấn đề này của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngày càng được thể
hiện đầy đủ và sâu sắc hơn.
Trước Đại hội IX,
Đảng ta tuy chưa chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống
trong văn kiện, nhưng đã chỉ ra dấu hiệu của nó. Đến Đại hội IX, Đại
hội X, Đảng ta tiếp tục bổ sung và phát triển nhận thức về an ninh phi
truyền thống một cách rõ ràng hơn, đó là: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc
đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng
cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng
lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư;… môi trường tự nhiên
bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu…”. Tuy nhiên, phải đến
Đại hội XI, Đảng ta mới chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi
truyền thống trong văn kiện của mình. Tiếp đó, tại Đại hội XII, lần đầu
tiên, Đảng ta đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống
và chỉ ra một số vấn đề toàn cầu, như: “…an ninh tài chính, an ninh
năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu,
thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp”. Đồng thời, lưu ý đến vấn
đề “an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả
năng chuyển hóa một số vấn đề an ninh phi truyền thống thành an ninh
truyền thống.
Đặc biệt, tại Đại hội
XIII, Đảng ta đã thể hiện tư duy, nhận thức vừa mới, vừa sâu sắc và toàn diện
về an ninh phi truyền thống đối với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhấn mạnh “an ninh con người, an ninh kinh
tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”, phù hợp với bối cảnh hiện
nay và coi việc giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, giải pháp để phát
triển bền vững đất nước, vừa thể hiện tư tưởng chỉ đạo phát triển để giữ vững
an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển. Đây là những vấn đề
hết sức quan trọng, nhằm thống nhất nhận thức, tạo cơ sở, tiền đề để các cấp,
ngành, lực lượng, địa phương triển khai các giải pháp thực hiện trong thực
tiễn.
Nhận diện rõ các mối
đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng
Từ quá trình phát
triển nhận thức của Đảng ta về an ninh phi truyền thống có thể khái quát thành
mấy vấn đề chủ yếu sau: (1). Về biến đổi khí hậu, được biểu hiện rõ nhất là số
cơn bão mạnh có chiều hướng gia tăng, quỹ đạo của bão dị thường; hạn hán có xu
hướng mở rộng, xảy ra nhiều đợt nắng nóng, rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục.
Việt Nam được đánh giá là một trong 05 quốc gia trọng điểm chịu tác động của
biến đổi khí hậu; trong đó, đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 04 khu vực bị
ảnh hưởng nặng nề nhất về hạn hán và mặn xâm nhập; (2). An ninh năng lượng là
vấn đề đáng báo động. Theo đó, trung bình mỗi năm, nhu cầu sử dụng năng lượng ở
Việt Nam tăng gấp 02 lần, trong khi đó khả năng đáp ứng chỉ đạt khoảng 60%. Vì
thế, việc nhập khẩu năng lượng là điều khó tránh, dẫn đến phụ thuộc vào một số
quốc gia; (3). Về an ninh lương thực, tuy là một trong các nước xuất khẩu gạo
hàng đầu thế giới, nhưng tính chất và trình độ phát triển chưa tương xứng,
khiến chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực; (4). Đối
với an ninh nguồn nước, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia thiếu nước, với
nguồn nước ngầm sụt giảm mạnh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, bức tử nhiều dòng
sông do tác động của công nghiệp hóa và xả thải bừa bãi của nhiều nhà máy, xí
nghiệp; (5). An ninh mạng đã, đang là vấn đề nổi cộm hiện nay khi tội phạm công
nghệ cao gia tăng, diễn biến phức tạp, sử dụng không gian mạng tuyên truyền,
chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tấn công phá hoại,
gây đình trệ hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như hoạt động của cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp và cá nhân, v.v. Ngoài ra, còn một số biểu hiện khác, như:
tội phạm xuyên quốc gia, mua, bán người, ma túy,… phức tạp nhất là tội phạm ma
túy tại các địa bàn biên giới.
Một số giải pháp chủ
động ứng phó:
Một là, nâng cao nhận
thức cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn xã hội về những biểu hiện mới và các
mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Đây là vấn đề rất khó nhận biết ngay từ
đầu, chỉ đến khi xảy ra chúng ta mới thấy hết hậu họa của nó. Vì thế, cần nâng
cao nhận thức về an ninh phi truyền thống; trong đó cần thấy rõ những biểu
hiện, nguy cơ và tác hại của nó cho mọi người dân, cả xã hội, nhất là hệ thống
chính trị; từ đó, định hướng thái độ, hành vi và hành động ứng phó phù hợp.
Thực tiễn cho thấy, đôi khi sự thay đổi thói quen, điều chỉnh hành vi của cá
nhân, cộng đồng,… có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ đến từ an ninh phi truyền
thống, như: môi trường, nguồn nước, lương thực,… mạng xã hội. Vì thế, việc nâng
cao nhận thức cho toàn dân về vấn đề này phải được tiến hành thường xuyên, liên
tục cả về bề rộng và chiều sâu theo đúng phương châm mà Đại hội XIII của Đảng
đã đề ra; đó là: coi giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp
để phát triển bền vững đất nước, phát triển để giữ vững an ninh, an ninh để
phát triển, an ninh trong phát triển. Bên cạnh đó, cần làm rõ nhận thức về nội
hàm an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng như những biểu hiện mới,
trọng tâm của an ninh phi truyền thống hiện nay. Trên cơ sở đó huy động sự chủ
động, tích cực tham gia của mỗi người dân và cả cộng đồng vào phòng ngừa và ứng
phó.
Hai là, chủ động ngăn
ngừa các nguy cơ, nhất là nguy cơ gây đột biến từ an ninh phi truyền thống.
Chúng ta biết, trong rất nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống thì các nguy cơ
gây đột biến là nguy hiểm nhất, nhanh nhất và gây hậu quả lớn nhất đối với đời
sống con người. Và về cơ bản, loại nguy cơ này đến từ mọi mặt của đời sống, xã
hội, trọng tâm là an ninh con người. Chính vì thế, việc chủ động ngăn ngừa nguy
cơ này đòi hỏi trước tiên phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của nhân dân. Để làm được điều đó, trong từng giai đoạn, cần hết sức coi
trọng gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong
từng bước đi, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển theo tinh thần
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, chú trọng và giải quyết khéo léo,
tinh tế, linh hoạt, hiệu quả vấn đề dân tộc, tôn giáo,… hạn chế khả năng chuyển
hóa các xung đột xã hội thành xung đột chính trị. Đồng thời, chủ động phân loại
vấn đề an ninh phi truyền thống để thiết kế những mô hình, kịch bản ứng phó phù
hợp, hiệu quả nhất. Cùng với đó, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời nhận diện
và nắm bắt những nguy cơ này từ sớm, từ xa, chủ động dự kiến một số tác động
của nó để xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Ba là, đẩy mạnh đấu
tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch chuyển từ chống phá chủ yếu bằng biện pháp vũ
trang sang phi vũ trang, nhằm gây mất ổn định bên trong, tạo cớ để sẵn sàng can
thiệp vũ trang khi cần thiết. Do đó, một số vấn đề an ninh phi truyền thống,
đặc biệt là vấn đề dân tộc, tôn giáo thường bị lợi dụng để đòi ly khai, gây bạo
loạn chính trị, nếu ta xử lý thiếu linh hoạt, khôn khéo sẽ châm ngòi cho xung
đột vũ trang, can thiệp quân sự từ bên ngoài. Vì vậy, cần quán triệt và thực
hiện đầy đủ tư tưởng đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các
dân tộc, tôn giáo đi đôi với đấu tranh với các biểu hiện chủ nghĩa dân tộc hẹp
hòi, phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện đòi ly khai ngay từ
khi mới nhen nhóm. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng tôn
giáo của người dân đi đôi với đấu tranh phản bác các luận điệu lợi dụng tôn
giáo chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, tăng cường hợp
tác quốc tế phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với những mối đe dọa an ninh phi
truyền thống. Từ thực tiễn cho thấy, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có
nhiều nguyên nhân: từ tự nhiên, do phát triển kinh tế - xã hội nóng, điều hành
của chính phủ, v.v. Vì vậy, để ứng phó với vấn đề này đòi hỏi phải có sự vào
cuộc của cả cộng đồng, các tổ chức, quốc gia, khu vực và thế giới. Điều này
hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về vấn đề an ninh phi
truyền thống, đó là chủ động, tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu
vực và quốc tế ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống.
Nội dung hợp tác rất phong phú, trong đó trực tiếp nhất là chia sẻ thông tin
trung thực, kịp thời về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thông qua thiết
lập cơ chế hợp tác cụ thể và hữu hiệu; thành tựu khoa học - công nghệ, đào tạo
nhân lực và huy động mọi nguồn lực cho phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa
an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ
pháp lý; các quỹ phòng, chống an ninh phi truyền thống giữa các nước, khu vực,
quốc tế, tạo cơ sở, nền tảng cho sự hợp tác, xử lý nhanh và hiệu quả.
Các mối đe dọa an
ninh phi truyền thống tuy ít thách thức đến chủ quyền lãnh thổ quốc
gia, nhưng uy hiếp và hủy hoại trực tiếp đến các yếu tố tạo nền tảng
sinh tồn và phát triển của con người, cộng đồng, xã hội, quốc phòng,
an ninh, quốc gia - dân tộc và toàn nhân loại. Vì vậy, nhận thức đầy đủ về
những biểu hiện và tác động của an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay,
cần sớm tìm kiếm những giải pháp được gợi mở, chỉ dẫn từ Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng, góp phần tăng cường tính chủ động và hiệu quả trong ứng phó bảo
đảm an ninh con người, an ninh quốc gia./.
St
Đăng nhận xét