Chỉ ít ngày nữa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với con đường phát triển của đất nước trong thời gian tới.



Cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam rất kỳ vọng và đặt niềm tin vào Đại hội XIII, mong rằng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn những cán bộ vừa có đức vừa có tài để lãnh đạo đất nước, mang lại cuộc sống hạnh phúc và phát triển cho nhân dân, cho đất nước.

Tuy nhiên, càng đến gần Đại hội thì các hoạt động chống phá của các phần tử chống đối diễn ra càng rầm rộ hơn. Đặc biệt là vấn đề nhân sự luôn trở thành trọng tâm. Từ việc nói xấu, đặt điều vu khống về các đồng chí lãnh đạo cấp cao, đến việc xuyên tạc tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên các câu chuyện về "phe cánh"…

Một số kẻ tung tin thất thiệt về nhân sự lãnh đạo chủ chốt Đại hội XIII của Đảng. Thậm chí chúng còn khẳng định, người này triệt hạ người kia để giữ được vị trí này, vị trí khác. Để gây sự tò mò, hiếu kỳ, các thế lực thù địch, cũng dựng lên một loạt video clip, các tuyến bài về nhân sự Đại hội.

Đầu tháng 10/2020, Hội nghị Trung ương 13 vừa khai mạc với nhiều nội dung mà Trung ương thảo luận về kinh tế xã hội, về nội dung dự thảo văn kiện trình đại hội và công tác chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành khóa tới.

Nhưng ngay lập tức kênh Việt Tân đã đăng tải ngay clip: "Tiết lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ đưa ra tại Hội nghị 13" với nhiều tên tuổi cụ thể.



Vào giữa tháng 8, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đình chỉ công tác để "điều tra trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật" thì trang VOA tiếng Việt đã xuyên tạc rằng, đây là chuyện đấu đá phe phái trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng. Thực ra, thủ đoạn này không còn mới, chỉ là bổn cũ soạn lại.

Nhật ký yêu nước – một trong nhóm chống phá Đảng và Nhà nước cộm cán nhất trên mạng xã hội. Với các thế lực phản động đứng sau, cứ mỗi giờ đồng hồ, nhóm này lại đăng tải vài bài viết có nội dung thông tin xuyên tạc, xấu độc, mang tính kích động.

Không chỉ Nhật ký yêu nước, một loạt các tài khoản trên mạng xã hội trong thời gian qua thường xuyên đăng tải các thông tin xấu độc như: Việt Tân, Đài Châu Á tự do, Nhà xuất bản tự do, mua quan bán chức ở Việt Nam, thanh niên công giáo hay Hội anh em dân chủ.

Ngoài ra, cũng có nhiều tài khoản cá nhân với hàng trăm nghìn lượt theo dõi cũng liên tục đưa ra những thông tin không đúng, đi kèm những lời bình luận mang tính phá hoại.

MẤT NIỀM TIN LÀ MẤT TẤT CẢ!

Càng sát các kỳ Đại hội, các đối tượng nêu trên càng cố tình bịa đặt, vu cáo nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của một số đồng chí lãnh đạo, đưa tin kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ, bôi xấu hình ảnh đất nước, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Những nội dung sai trái này tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ, làm sai lệch thông tin, gây hiểu nhầm trong dư luận.



Bình luận về những chiêu trò gây chia rẽ mâu thuẫn nội bộ, xuyên tạc bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo đảng trước thềm Đại hội, GS. TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: "Bao giờ cũng vậy, trước các kỳ đại hội, những lực lượng phá hoại tìm cách tấn công, nói xấu làm mất uy tín của cán bộ lãnh đạo khi ra đại hội bầu, đặc biệt nhằm vào những đồng chí trung kiên, chủ chốt. Đấy là chiêu trò rất thâm độc và còn làm cho các đồng chí mất uy tín trước dân. Chúng ta phải hết sức cảnh giác".

"So với giai đoạn trước đây, chúng nhằm vào những mối quan hệ riêng tư cá nhân. Ví dụ như tung tin người này có quan hệ riêng tư ngoài hôn nhân, quan hệ gia đình đặc biệt là với những việc liên quan đến vợ con. Chúng tìm tất cả mọi khía cạnh tìm cách nói xấu" - GS. TS Tạ Ngọc Tấn nhận định.

Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Bá Dương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng cũng bình luận: "Âm mưu thủ đoạn mới tinh vi xảo quyệt hơn các kỳ đại hội trước đây là triệt để lợi dụng không gian mạng, đưa tất cả các thông tin xấu độc về thân thế, cuộc đời sự nghiệp, lịch sử gia đình, các mối quan hệ, lợi dụng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu của Đảng ta. Điều này làm cho những người thiếu thông tin, những người nhẹ dạ cả tin bán tín bán nghi nghi ngờ các đồng chí lãnh đạo của mình, ít nhiều tác động đến tư tưởng nhận thức của nhiều cán bộ đảng viên và nhất là lớp trẻ".

"Thứ hai, nó cắt ghép, lắp ráp các hình ảnh của đồng chí nọ, đồng chí kia ở thời điểm nọ, thời điểm kia để đưa các thông tin lên. Với công nghệ hiện đại như bây giờ thì người ta nhìn giống như thật. Điều thứ ba cực kỳ nguy hiểm là trò rỉ tai tung tin xấu từ người này sang người kia cũng rất hết sức nguy hiểm, làm cho rất nhiều người cứ ngỡ là thật" - PGS. TS Nguyễn Bá Dương cho biết.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự cho rằng, những thủ đoạn này có âm mưu gây nghi ngờ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với Quốc hội, đối với các lực lượng vũ trang: "Mất niềm tin là mất tất cả! Đây là điều cực kỳ nguy hiểm đối với những người nhận thức không đầy đủ, không có thông tin. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng cơ hội này. Thứ hai, nó làm phá bỏ niềm tin, hạ thấp uy tín, danh dự, nhân phẩm của các đồng chí lãnh đạo. Từ đó gây ra mất đoàn kết thống nhất trong khối đoàn kết toàn dân tộc. Thứ ba, nó làm cho lực lượng vũ trang, kể cả quân đội nhân dân và công an nhân dân nhận thức sai, cùng tác động để thực hiện phi chính trị hóa quân đội vào thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ để thực hiện âm mưu, cái đích cuối cùng là phá bằng được đại hội và phá Đảng ta".

Đồng tình với ý kiến này, GS. TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh về nguy cơ mất đoàn kết trong chính nội bộ đảng: "Khi giữa các đồng chí, đồng đội với nhau còn có nghi ngờ, không tin tưởng lẫn nhau thì nó làm cho hàng ngũ của mình đương nhiên yếu đi, sự lãnh đạo quản lý không thống nhất. Lúc bấy giờ nó dẫn tới những hệ quả trong đời sống xã hội. Điều này là cực kỳ thâm độc"./.

 

Đăng nhận xét

 
Top