Các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay như Facebook, Twitter, Youtube… ra đời trong khoảng thời gian những năm từ 2004 đến 2010, là giai đoạn Internet đã trở nên phổ biến trên toàn cầu. Đến giai đoạn từ những 2010 trở về sau, khi thị trường smartphone "bùng nổ" giúp cho mạng xã hội tiếp cận người dùng trên toàn cầu một cách dễ dàng hơn.



Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội khác ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của đại bộ phận người dân trên toàn thế giới. Không chỉ là nơi để kết nối bạn bè, người thân… các nền tảng mạng xã hội khác dường như đã trở thành "bạn thân" của nhiều người dùng Internet, khi họ có thể chia sẻ mọi tâm sự, những câu chuyện vui, buồn, kỷ niệm, thông tin cá nhân hay quan điểm chính trị… lên các nền tảng mạng xã hội.

Mạng xã hội cũng dần trở thành một nguồn cung cấp thông tin thay thế cho các kênh thông tin truyền thống, khi các nội dung được chia sẻ lên mạng xã hội có khả năng lan tỏa rộng và nhanh chóng đến lượng người dùng đông đảo.

Với hơn 2,7 tỷ người dùng tích cực, tương đương với 34,6% dân số trên toàn cầu, Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất thế giới. Các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, Twitter, Snapchat… cũng có vài trăm triệu đến 2 tỷ người dùng tích cực. Những con số này cho thấy các nền tảng mạng xã hội này có mức độ phổ cập rộng lớn đến chừng nào.

Đó là lý do các thông tin được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội có thể lan truyền một cách nhanh chóng và tiếp cận một lượng rất lớn người dùng. Chính những điều này đã tạo nên một "quyền lực vô hình" cho các nền tảng mạng xã hội, khi các thế lực có thể lợi dụng mạng xã hội để định hướng và dẫn dắt dư luận theo ý mình.

Không chỉ là một công cụ kết nối mọi người như mục đích ban đầu khi mới được sinh ra, giờ đây, các nền tảng mạng xã hội được sử dụng như một công cụ chính trị, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến cả vận mệnh của một đất nước.

Cách đây hơn 4 năm, khi cuộc chạy đua vào Nhà trắng của 2 ứng viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clion và ông Donald Trump đang ở giai đoạn nước rút và gay cấn. Mạng xã hội đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lôi kéo phiếu bầu của những cử tri trung lập tại Mỹ, những người vẫn chưa quyết định tấm phiếu của mình cho ứng cử viên tổng thống nào.

Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường EzyInsights vào thời điểm đó, ông Donald Trump đã có cách tiếp cận đến cử tri trên mạng xã hội Facebook và Twitter hiệu quả hơn so với đối thủ Hillary Clinton. Không chỉ vậy, bà Hillary Clinton còn thất bại trong việc kiểm soát các tin tức giả mạo liên quan đến mình được lan truyền trên mạng xã hội trong giai đoạn nước rút.

Nhiều tin đồn, các câu chuyện sai sự thật về việc gia đình bà Hillary Clinton phạm tội giết người hay Huma Abedin, Phó chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, là một tên khủng bố... được lan truyền nhanh chóng trên Facebook vào thời điểm đó, đã lập tức gây nên một làn sóng tức giận và phản đối nhằm vào bà Clinton, bất chấp những sự bác bỏ của các hãng tin có uy tín. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhiều cử tri Mỹ. Chính chiến thắng trên mạng xã hội đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng của ông Donald Trump và đưa ông trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ 2, cũng chính mạng xã hội đã góp phần khiến ông Trump "ngã ngựa". Các chiến dịch vận động tranh cử trên mạng xã hội của ông Trump không còn hiệu quả như trước, nhiều thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh được ông Trump chia sẻ lên mạng xã hội cũng đã góp phần làm giảm đi uy tín của ông và làm ảnh hưởng đến lá phiếu của các cử tri.



Đặc biệt, sự "quay lưng" của các nền tảng mạng xã hội vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của tổng thống Trump, khi hàng loạt các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Youtube… đều khóa tài khoản của ông, cho thấy Tổng thống Trump đã làm "mất lòng" ban lãnh đạo của các nền tảng mạng xã hội này như thế nào và có vẻ như việc không thể tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 là hệ quả tất yếu của điều đó.

Nói đến sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn của mạng xã hội không thể không nhắc đến phong trào "Mùa xuân Ả rập", diễn ra vào cuối năm 2010, với một làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp các quốc gia Ả rập và Bắc Phi, dẫn đến những cuộc bạo loạn, lật đổ chính quyền và nội chiến kéo dài đến tận ngày nay.

Các nền tảng mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lôi kéo, tổ chức các cuộc biểu tình và chống đối trên một phạm vi và quy mô rộng lớn. Các hình ảnh, video hay các nội dung phát trực tiếp được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã giúp những người đứng đầu các cuộc biểu tình lôi kéo được người tham gia biểu tình một cách dễ dàng hơn. Phần lớn những người tham gia các cuộc biểu tình tại Ai Cập hay Syria… cho biết họ đã sử dụng Facebook để hưởng ứng các lời kêu gọi biểu tình.

Hậu quả của "mùa xuân Ả rập" là nhiều nền kinh tế bị tàn phá, nhiều cuộc nội chiến kéo dài đến ngày nay và một làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi những khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh.

Nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn với quy mô lớn, nhỏ trên khắp thế giới cũng cho thấy vai trò của các nền tảng mạng xã hội.

Từ những ví dụ kể trên, không quá khi nói rằng các nền tảng mạng xã hội đang nắm giữ một "quyền lực vô hình" nhưng rất khủng khiếp, mà người nắm giữ được mạng xã hội có thể lèo lái được dư luận và điều khiển được đám đông đi đúng theo ý mình.

Không phải ngẫu nhiên mà khi bất kỳ một quốc gia xảy ra biến động nào về chính trị, việc đầu tiên mà nhà nước cầm quyền thực hiện đó là chặn mọi kết nối đến các nền tảng mạng xã hội trên phạm vi quốc gia của mình. Đây là một giải pháp để hạn chế việc "con quái vật" mạng xã hội bị sử dụng sai cách.

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và các nước châu Âu, từ lâu cũng đã nhận thấy "quyền lực vô hình" của các nền tảng mạng xã hội và đang tìm những giải pháp để kiềm chế sức mạnh đó.

Đã không ít lần, Chính phủ Mỹ muốn chia tách Facebook để giảm tầm ảnh hưởng của mạng xã hội này. Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu cũng tìm các giải pháp để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Facebook, như yêu cầu kiểm duyệt gắt gao các thông tin được chia sẻ lên Facebook và sẽ phạt nặng nếu Facebook không chịu gỡ bỏ các nội dung theo yêu cầu của chính phủ các nước này.

Các quốc gia cũng đang ráo riết xây dựng các bộ luật gắt gao hơn để kiểm soát tầm ảnh hưởng của Facebook và các nền tảng mạng xã hội. Nhiều giải pháp cũng đã được không ít các quốc gia đưa ra và áp dụng, như yêu cầu đặt máy chủ chứa dữ liệu người dùng của các quốc gia đó tại nước sở tại hoặc yêu cầu Facebook gỡ bỏ các nội dung sai sự thật, thông tin giả mạo liên quan đến các quốc gia đó…

Đặc biệt, mỗi người dùng Internet cũng có thể trở thành một "chiến sĩ" để chống lại con "quái vật" mang tên mạng xã hội bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Việc tỉnh táo trước các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội và hạn chế chia sẻ các thông tin giả mạo, sai sự thật… cũng đã góp phần giúp cho môi trường mạng xã hội trở nên "sạch" hơn.

 

Đăng nhận xét

 
Top