Những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh muốn “leo cao bằng mọi giá”.
Chính
vì ham muốn chức vụ, muốn leo cao bằng mọi giá, bất chấp năng lực, đạo đức, uy
tín, mà không ít cán bộ, đảng viên đã đánh mất mình, đánh mất nhân phẩm của
mình. Điều này nếu không được quyết liệt ngăn chặn sẽ gây ra những cái giá phải
trả rất đắt, đó là: Gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước và nhân dân; mất
cán bộ; có nguy cơ dần làm thoái hóa, biến chất các cơ quan, tổ chức; làm suy
giảm niềm tin trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên và của quần chúng, nhân
dân.
Từ
đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật hơn 3.200 đảng
viên liên quan tới tham nhũng; đã kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản
lý. Đã có 18 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có
1 Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 bộ trưởng,
nguyên bộ trưởng... Điều này cho thấy, sự quyết liệt của Đảng trong công tác phòng,
chống tham nhũng (PCTN). Nhưng đồng thời, cũng cho thấy, thật đáng tiếc khi hệ
thống chính trị của chúng ta đã không phát hiện được sớm, đã để những cán bộ
thoái hóa, biến chất leo lên những vị trí rất cao.
Sự
thoái hóa, biến chất luôn có một quá trình và luôn có những biểu hiện. Đáng
tiếc là các lớp lưới của công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, quy
trình bổ nhiệm tuy đầy đủ những bước, những tiêu chí, nhưng lại vẫn để lọt
những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, đặc biệt là phẩm chất đạo đức. Những
cán bộ này len lỏi, luồn lách, lên được những vị trí cao, để rồi gây ra tác hại
ngày càng lớn.
Có
những cán bộ dù mang không ít điều tiếng xấu trong dư luận, nhưng vẫn không
được kiểm tra một cách thận trọng, không có kết luận chính xác, nhờ đó, cán bộ
ấy vẫn thăng tiến thần tốc, để rồi sau đó bị kỷ luật, vướng vòng lao lý, gây
thiệt hại lớn tài sản Nhà nước, tổn hại uy tín của tổ chức đảng, của đơn vị.
Điển hình như đối với Trịnh Xuân Thanh, những câu chuyện, những biểu hiện ăn
chơi, tiêu xài trác táng của nhân vật này đã được dư luận đồn đại từ lâu, nhưng
bằng những mối quan hệ, luồn lách rất tài tình, nhân vật này vẫn được bổ nhiệm
làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Phó chánh văn
phòng Bộ Công Thương, Vụ trưởng - Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công
Thương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được đưa vào danh sách bầu cử đại
biểu Quốc hội trước khi bị “sờ gáy”. Cho đến khi sa lưới pháp luật thì Trịnh
Xuân Thanh và các đồng phạm tại PVC đã gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân
hàng nghìn tỷ đồng. Nếu không kịp thời phát hiện, chưa biết Trịnh Xuân Thanh
còn leo lên những vị trí cao hơn nữa và gây ra những thiệt hại còn nặng nề hơn
nữa.
Cần
phải khẳng định rằng, khát vọng phấn đấu, vươn lên một cách đường hoàng, dựa
vào năng lực của bản thân là một nhu cầu chính đáng của cán bộ, đảng viên, nên
được hoan nghênh và tạo điều kiện. Qua quá trình phấn đấu thì mỗi cá nhân sẽ
dần hoàn thiện mình cả về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực
chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo để từ đó đóng góp ngày càng tốt hơn cho
công việc chung. Khích lệ được sự nỗ lực phấn đấu vươn lên lành mạnh của đội
ngũ cán bộ, đảng viên thì cơ quan, tổ chức sẽ có một đội ngũ tốt, chất lượng
công việc ngày được nâng cao. Điều cần phê phán ở đây là đối với những kẻ hãnh
tiến, muốn vươn lên bằng mọi giá, sẵn sàng chà đạp lên tất cả để đi lên. Những
người này mang những đặc điểm điển hình của cá nhân chủ nghĩa. Họ chỉ vì bản
thân, vì lợi ích cá nhân, còn tổ chức đảng, cơ quan, doanh nghiệp, đồng chí,
đồng nghiệp, người dân... chỉ là công cụ trong tay họ và sẽ trở thành nạn nhân
của họ.
Tuy
nhiên, đáng lưu ý là, những người có tham vọng “leo cao” bằng mọi giá đều có
một vỏ bọc rất dày của tiền bạc, của các mối quan hệ, những thành tích chuyên
môn, những danh hiệu. Những nhân vật này thường có đặc điểm chung là sự khôn
lỏi, nham hiểm và lì lợm. Trong suy nghĩ của họ chỉ có mục đích cá nhân và
phương pháp để đạt được mục đích. Họ không nề hà, e ngại bất cứ điều gì, tính
toán “trăm phương, nghìn kế”, tìm mọi con đường bao gồm cả đi tắt, đi vòng,
miễn là đạt được mục đích “leo cao”. Họ không ngần ngại thỏa hiệp, vận động
phiếu bầu, thậm chí mua phiếu bầu để có thể được đưa vào trong quy hoạch cán
bộ, để được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Nếu bị lên án, bị phát hiện, bị tố cáo
thì họ cũng sẵn sàng tìm mọi cách để che chắn, bưng bít, thậm chí dọa nạt những
người tố giác. Và họ cũng trơ trơ trước những ý kiến, những lời góp ý chân
thành của đồng chí, đồng đội, quần chúng, nhân dân.
Từ
những vụ việc được phát hiện, những vụ án được xét xử trong thời gian qua, có
thể thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mưu đồ “leo cao bằng mọi giá” và cái “giá”
đắt phải trả là những vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật ở các cơ quan, tổ
chức có liên quan, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nhân dân. Những mối quan
hệ theo kiểu tiền bạc, lợi ích cá nhân nếu không sớm được phát hiện, ngăn chặn
thì đến lúc điều lệ, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ bị vô
hiệu hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của xã hội, của người dân sẽ bị bỏ
qua, các chuẩn mực đạo đức thậm chí sẽ trở thành trò cười trước mắt họ. Những
mối quan hệ dựa trên lợi ích tiền bạc, chủ nghĩa thân hữu còn có nguy cơ gây
tác hại lớn hơn, đó là ảnh hưởng, thúc đẩy sự thoái hóa, biến chất của cả xã
hội. Cái giá phải trả lớn nhất, đắt nhất nếu như chúng ta không ngăn chặn được
các cán bộ xấu là niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ bị lung
lay.
Vì
thế, có thể thấy ý nghĩa hết sức to lớn, hết sức sâu sắc của những kết quả đạt
được trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn vừa qua.
Nhiều tập thể sai phạm đã bị kỷ luật, những cán bộ liên quan, trong đó có những
cán bộ cấp cao đã nhận những mức kỷ luật nghiêm khắc, bị cách chức, bị khai trừ
ra khỏi Đảng, bị bỏ tù. Việc mạnh tay như vậy là hết sức cần thiết, có tác dụng
làm gương, để chấn chỉnh, ngăn chặn những sai phạm, những suy nghĩ, phong cách
lệch lạc trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, thanh lọc, ngăn chặn cái
xấu, từ đó tiếp tục xây dựng môi trường lành mạnh hơn trong các cơ quan, đơn vị
và rộng hơn là trong toàn xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
nhấn mạnh rằng “phải kỷ luật vài người để cứu muôn người”. Theo Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì cán bộ “phải làm sao giữ cho được, làm cho
đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách
mạng, đặc biệt là những người lãnh đạo”.
Trong
tình hình hiện nay, để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh ham muốn "leo cao
bằng mọi giá", cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW
về công tác cán bộ, trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực
trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Cần phải lắng nghe dư luận,
kiểm tra, thanh tra đến nơi, đến chốn, kết luận một cách rõ ràng và thực thi
nghiêm túc các kết luận đối với những trường hợp cán bộ, đảng viên có biểu hiện
vi phạm.
Cần
phải tạo ra môi trường làm việc công bằng, khích lệ sự phấn đấu công bằng, đề
bạt, bổ nhiệm cán bộ công tâm, từ đó sẽ tạo ra được hứng khởi và động lực làm
việc lành mạnh. Đó sẽ là điều kiện, là tiền đề để phát hiện, bổ nhiệm được
nhiều cán bộ tốt. Và từ đó sẽ có những tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ
quan vững mạnh toàn diện, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, củng
cố, giữ vững được niềm tin trong nhân dân. Chúng ta cần phải quyết liệt ngăn
chặn những “nhân vật đen” đi lên bằng mọi giá, để tránh tất cả sẽ phải trả giá
đắt./.
Đăng nhận xét