Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet và lượng người truy cập, sử dụng các trang mạng xã hội cao nhất thế giới. Những năm qua, lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã nhanh chóng chuyển trọng tâm tấn công, chống phá Đảng, chống phá chế độ sang mặt trận hoàn toàn mới đó là trên không gian mạng.



Thông qua Internet và mạng xã hội, các đối tượng đã thiết lập hàng nghìn trang website, blog, tài khoản facebook, trang fanpage…, mà hầu hết có máy chủ đặt ở nước ngoài… Với chiêu bài chống phá từ bên trong kết hợp với bên ngoài, thật giả lẫn lộn, chúng chú trọng đăng tải các ý kiến trái chiều, đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận các thành quả đã đạt được.

Không chỉ sử dụng các thông tin bịa đặt, vô căn cứ, chúng còn sử dụng những thông tin, sự kiện có thật nhưng đã được chỉnh sửa, thêm thắt tình tiết cài cắm thông tin giả một cách khéo léo để ngụy tạo, bóp méo nội dung với ý đồ đen tối để đăng tải tràn lan trên mạng với lời quảng cáo là những “thông tin chính thống”, khai thác từ “nguồn tin cậy, đã được kiểm chứng”; lập ra các trang /công thông tin giả mạo để đăng tải tin sai sự thật nhằm đánh lừa người sử dụng mạng xã hội, trong đó không chỉ những người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hay giới trẻ chưa có được nhận thức đầy đủ về các vấn đề chính trị-xã hội mà ngay cả những người dân có trình độ nhận thức và học vấn nếu thiếu tỉnh táo, cảnh giác. Từ những nhận thức sai lầm bị tiêm nhiễm, nhiều người dễ nảy sinh tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để rồi các đối tượng xấu thừa cơ lôi kéo dụ dỗ họ tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, chống phá chế độ.

Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đáng chú ý, ngày 12/6/2018, Luật An ninh mạng được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 cũng đã đưa ra những quy định cụ thể về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng bao gồm cả việc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và để làm được điều này rất cần sự tham gia của các thành phần trong xã hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, ngành nghề cùng phát huy tính chủ động, tích cực tham gia cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực tuyên truyền, chia sẻ những thông tin đúng đắn, chính xác về các vụ việc được quan tâm để không bị kẻ xấu xuyên tạc, thổi phồng.

Rất nhiều các kênh thông tin bẩn, xấu độc lan truyền các quan điểm sai trái, thù địch trước sự phản bác tấn công mạnh mẽ của nhân dân đã bị vạch trần, buộc phải giảm bớt tần suất cũng như mật độ xuyên tạc, chống phá. Nhiều đối tượng phản động chống phá bị vạch mặt, chỉ tên đã buộc phải im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng một số người dân vì thiếu thông tin hiểu biết hoặc nhẹ dạ, cả tin, trong đó có không ít thuộc giới trẻ do chưa có kinh nghiệm và nhận thức đúng đắn nên vô tình tham gia phổ biến, lan truyền những quan điểm xấu độc để rồi không lường hết hậu quả. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò, tính chủ động, sức mạnh của người dân trong cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch các cấp, các ngành cần phải tăng cường tuyên truyền, giúp người dân có kỹ năng, kiến thức để nhận diện thấu đáo những âm mưu, thủ đoạn chống phá, từ đó chủ động, tự giác, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, các luồng quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm soát từ đó tiến tới loại bỏ các trang mạng lan truyền những luồng thông tin độc hại, quan điểm sai trái, thù địch để xây dựng một môi trường thông tin trong sạch trên không gian mạng./.

 

Đăng nhận xét

 
Top